Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ninh Thuận: Phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS

Thanh Phong - Ngọc Chí - 05:44, 22/11/2023

Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có 32 dân tộc thiểu số với 39.326 hộ/173.765 khẩu sinh sống, chiếm 23,71% dân số toàn tỉnh. Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, đời sống của đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều khởi sắc.

Ninh Thuận tập trung phát triển đàn bò gắn với quy hoạch đồng cỏ, mở rộng quy mô trang trại
Ninh Thuận tập trung phát triển đàn bò gắn với quy hoạch đồng cỏ, mở rộng quy mô trang trại

Đến các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Phước… đời sống của đồng bào DTTS cũng có bước phát triển mới. Thông qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đầu tư của Nhà nước, các địa phương tập trung hỗ trợ, xây dựng các dự án, đề án phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo với các mô hình nổi bật như: Mô hình trồng bắp lai, mì cao sản, măng tây, các loại cây ăn quả,… với diện tích gần 2.500 ha ở các xã vùng DTTS&MN. Chủ trương phát triển tổng đàn gia súc có sừng theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ cũng được quan tâm, chú trọng, với tổng đàn hiện có khoảng 300.000 con; đặc biệt, các hộ nằm trong diện hưởng lợi từ chương trình, dự án đã thành lập các tổ nhóm, liên kết chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đưa giá trị sản phẩm vật nuôi được nâng lên đáng kể, trở thành hướng đi chủ lực trong việc nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Theo bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, trong những năm vừa qua, Ninh Thuận luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh tiếp tục phát triển; kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt được tiếp tục đầu tư.

Cho đến nay, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh ở vùng DTTS tỉnh Ninh Thuận đã hình thành và phát huy hiệu quả. Việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc; phát triển giáo dục, đào tạo; chính sách an sinh xã hội... được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.

Xác định lợi thế điều kiện tự nhiên thích hợp cho phát triển chăn nuôi bò, nhiều năm qua Ninh Thuận đã tập trung hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS thông qua các dự án hỗ trợ sản xuất, tập huấn kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Một trong những mô hình dự án mang lại hiệu quả thiết thực đó là Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025" do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận thực hiện với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ của Trung tâm Công nghệ sinh học Chăn nuôi, thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ.

Được tham gia Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận”, anh Nguyễn Trí Nhân, xã An Hải (Ninh Phước) chăn nuôi bò hướng thịt mang lại thu nhập ổn định cho gia đình
Được tham gia Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận”, anh Nguyễn Trí Nhân, xã An Hải (Ninh Phước) chăn nuôi bò hướng thịt mang lại thu nhập ổn định cho gia đình

Dự án được thực hiện tại 3 xã gồm An Hải, huyện Ninh Phước; xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn và xã Phước Thắng, huyện Bác Ái. Kết quả, dự án đã chuyển giao 4 quy trình công nghệ; đào tạo 6 kỹ thuật viên truyền tinh; tập huấn kỹ thuật cho 200 lượt hộ dân và 3 mô hình (mô hình bò thuần hướng thịt; mô hình bò lai hướng thịt; Mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến thức ăn cho bò). Ngoài ra, dự án cũng triển khai mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cỏ (VA06, cỏ sả lá lớn) làm thức ăn cho bò, đã trồng được 6ha, đạt 100%, cỏ VA06, năng suất đạt 336,5 tấn/ha/năm; cỏ sả lá lớn đạt 258,5 tấn/ha/năm.

Mô hình nuôi bò lai hướng thịt được thực hiện tại 3 huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước quy mô 240 con/mô hình. Bò được sinh ra từ gieo tinh nhân tạo với các giống bò chuyên thịt Brahman và lai Red Angus. Đây là các công thức lai giữa bò cái nền Lai Sind với các giống bò thịt nhiệt đới, đã được chứng minh là thích nghi tốt và có khả năng sản xuất thịt cao hơn so với đàn bò địa phương.

Được hưởng lợi từ Dự án, anh Pi Năng Phố, thôn Ha Lá Hạ, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Chúng tôi rất phấn khởi thứ nhất là bò được hỗ trợ giống rất là tốt, bên cạnh đó còn hỗ trợ kỹ thuật chế biến thức ăn cho bò. Ngoài ra các hộ không ở trong dự án cũng được tập huấn về chế biến thức ăn đặc biệt là thức ăn mùa khô. Đây là chương trình rất thực tế, thiết thực với chúng tôi.

Tham gia dự án, người dân không chỉ được hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc bò mà còn người nuôi bò theo mô hình của dự án còn mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Anh Huỳnh Ngọc Lợi, thôn Long Bình 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Giá cả thị trường hiện nay so với bò vàng trước đây, so sánh với bò nuôi hướng thịt này thì giá trị nó khoảng cỡ từ gấp 1,5 đến 2 lần. Trước đây bò sinh ra tầm 6 tháng bò đẹp thì giá bán khoảng 6 đến 10 triệu nhưng con của các bò bê lai sinh ra thì giá trị tầm cỡ 15 đến 20 triệu đồng.

Hơn 3 năm thực hiện, Dự án đã cho kết quả khả quan, được người dân trong và ngoài mô hình ủng hộ. Hiệu quả dự án đã tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động DTTS ở vùng nông thôn miền núi và thúc đẩy phát triển kinh tế tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số của tỉnh. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3-4%/năm. Đến nay, tỉnh Ninh Thuận có 2 huyện là huyện Ninh Phước và Ninh Hải đạt chuẩn nông thôn mới, có 13/31 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhờ triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án chính sách dân tộc, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh Ninh Thuận.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.