Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Hà Giang: Giảm nghèo từ mô hình nuôi bò luân chuyển

Văn Hoa - 20:22, 07/07/2021

Từ năm 2018 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang đã triển khai mô hình hỗ trợ giống bò sinh sản luân chuyển cho những hộ nghèo đặc biệt khó khăn (ĐBKK) tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá. Mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Tiến Thanh (áo trắng), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mèo Vạc chứng kiến gia đình hộ bà Ly Thị Máy luân chuyển bò cho hộ ông Và Mí Pó tại thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc, Hà Giang).
Ông Nguyễn Tiến Thanh (áo trắng), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mèo Vạc chứng kiến gia đình hộ bà Ly Thị Máy luân chuyển bò cho hộ ông Và Mí Pó tại thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc, Hà Giang).

Anh Thò Vả Dia, thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, là một trong 25 hộ nghèo được hỗ trợ bò tại tỉnh Hà Giang chia sẻ: Gia đình tôi khó khăn quá nên không đủ điều kiện mua trâu, bò về nuôi nên khi được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh hỗ trợ một con bò sinh sản thì mừng lắm. Đây là một tài sản lớn của gia đình, do đó, để bò phát triển tốt và sinh sản ra bê con, tôi đã trồng thêm cỏ chăn nuôi. Đến nay, trong chuồng đã có thêm 2 con bò béo tốt, cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn trước rất nhiều.

Giống như anh Dia, 7 hộ nghèo đầu tiên được tham gia mô hình và 5 hộ vừa được luân chuyển bò sinh sản tại thôn Mèo Vống đều rất vui mừng. Có được bò giống, các hộ dân vừa có thể chủ động được sức kéo để phát triển sản xuất, vừa có thêm bê con để chăn nuôi phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Mèo Vạc, cho biết, năm 2018, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện Mèo Vạc và chính quyền địa phương xã Lũng Chinh, đã rà soát lựa chọn 7 hộ nghèo tại thôn Mèo Vống có hoàn cảnh ĐBKK triển khai mô hình hỗ trợ giống bò sinh sản luân chuyển. Mô hình được thực hiện từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh, với tổng kinh phí là 140 triệu đồng, mỗi con bò trị giá 20 triệu đồng.

Mô hình hỗ trợ bò sinh sản luân chuyển ở xã Lũng Chinh dù nguồn vốn hỗ trợ thấp, thời gian thực hiện ngắn, nhưng bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Sau 3 năm, các hộ nghèo tiếp nhận bò giống về nuôi, số bò này đã đẻ con bê đầu tiên. Theo đó các hộ thực hiện cam kết là, được giữ con bê và luân chuyển bò mẹ cho hộ khác chăn nuôi. Với việc hỗ trợ có điều kiện này, đến nay, từ 7 con bò ban đầu, đã đẻ được 8 con. Hiện một số con bò giống sắp đẻ lứa thứ hai. 

Cán bộ Ủy ban MTTQ xã Lũng Chinh kiểm tra mô hình bò giống luân chuyển tại thôn Mèo Vống.
Cán bộ Ủy ban MTTQ xã Lũng Chinh kiểm tra mô hình bò giống luân chuyển tại thôn Mèo Vống.

Được biết, mô hình nuôi bò luôn chuyển do Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang triển khai tại 4 huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, với tổng số vốn là 500 triệu, hỗ trợ cho 25 hộ, mỗi hộ 20 triệu đồng. Đáng phấn khởi, nhiều hộ nghèo khi nhận được 20 triệu tiền hỗ trợ đã bỏ thêm tiền để mua được con bò giống tốt hơn, nhanh sinh sản hơn. Khi triển khai mô hình, MTTQ tỉnh cũng phối hợp với các huyện và cử cán bộ chăn nuôi hỗ trợ nông dân về cách chăm sóc, phòng bệnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang, mô hình hỗ trợ bò sinh sản luân chuyển có điều kiện, thực sự có ý nghĩa với những hộ ĐBKK, bởi con bò là một tài sản lớn đối với bà con. Vì thế, các hộ chăn nuôi đều cố gắng chăm sóc để con bò có sức khỏe và sinh trưởng tốt nhất.

Với thành công của mô hình hỗ trợ bò sinh sản luân chuyển, năm 2020, Hà Giang tiếp tục triển khai mô hình trên tại huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì, hỗ trợ cho 39 hộ, mỗi hộ 15 triệu đồng, với tổng số vốn là 585 triệu đồng - ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục