Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ninh Thuận: Đồng bào Chăm bảo tồn cây thuốc quý

Sơn Ngọc - 15:41, 31/03/2023

Từ hàng trăm nay nay, đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận đã biết sử dụng các loại cây có hoạt tính cao để bào chế các loại thuốc Nam chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Mỗi gia đình người Chăm đều có một bí quyết bốc thuốc riêng, tuyệt đối không truyền cho người ngoài.

Ông Tài Rài kiểm tra dược liệu chuẩn bị cung cấp cho các lương y làng Chăm Phước Nhơn mang đi bán ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Tài Rài kiểm tra dược liệu chuẩn bị cung cấp cho các lương y làng Chăm Phước Nhơn mang đi bán ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Từ làng nghề truyền thống

Chúng tôi về các làng Chăm An Nhơn (Palei Pamblap Klak, làng Pamblap cũ), Phước Nhơn (Palei Pamblap Barau, làng Pamblap mới) thuộc xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải. Thời điểm này, bà con đi bán thuốc Nam khắp cả nước trở về làng nhộn nhịp vui đón Ramưwan 2023, tháng tịnh chay của đồng bào Chăm tín ngưỡng Hồi giáo Bà-ni.

Dược sĩ Nguyễn Xuân Tuyển, Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh Ninh Thuận cho biết, qua khảo sát ở một số thôn vùng bào Chăm cho thấy, có 15% số hộ hành nghề thuốc Nam phục vụ gia đình, tộc họ và bà con thôn xóm. Riêng 2 thôn An Nhơn và Phước Nhơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) có gần 60% số hộ hành nghề thuốc Nam.

Điều đáng quý là trong hơn 30 năm qua, các cơ quan chức năng chưa nhận được bất kỳ một thông tin nào phản ánh tình trạng bị phản ứng hoặc tác hại không mong muốn do sử dụng nguồn thuốc Nam của đồng bào Chăm.

Đến thăm gia đình lương y Tài Rài - Phó Chủ tịch Hội Đông y xã Xuân Hải ở làng Chăm Phước Nhơn khi ông đang kiểm tra nguồn thuốc xuất bán cho các lương y. Lương y Tài Rài chia sẻ: “Bà con xã Xuân Hải xây được nhà ở khang trang, nuôi con cháu học hành tốt nghiệp đại học đều nhờ vào thu nhập của nghề thuốc Nam đem lại. Tuy nhiên, điều lo ngại hiện nay là nguồn thuốc Nam tại tỉnh Ninh Thuận đã cạn kiệt. Các đại lý thu mua thuốc Nam phải thuê người đi qua các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận thu hái dược liệu, nhưng rất hiếm hoi. Lương y còn nhưng hết cây thuốc thì nghề thuốc Nam cũng sẽ mai một dần”.

Lương y Kiều Anh trồng bảo vệ nguồn gen dược liệu tại nông trại ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái.
Lương y Kiều Anh trồng bảo vệ nguồn gen dược liệu tại nông trại ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái.

Đến bảo tồn cây thuốc quý

Đứng trước nguy cơ cây thuốc Nam quý hiếm đang ngày càng cạn kiệt, Hội Đông Y tỉnh Ninh Thuận đã huy động các nguồn lực xã hội và chung tay tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng, thu hái, chế biến, sử dụng cây thuốc Nam.

Năm 2009, Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận được Quỹ Môi trường toàn cầu hỗ trợ thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn, bảo tồn nghề thuốc Nam truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận”. Mô hình được thực hiện tại xã Xuân Hải, với kinh phí hỗ trợ 50.000 USD, giúp địa phương xây dựng vườn thuốc Nam mẫu. Theo đó, nhiều cây thuốc quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được bảo tồn, phát triển như: Cam thảo nam, chó đẻ răng cưa, bạch tật lê, đỗ trọng nam, thổ cao ly sâm, trắc bách diệp, huyết dụ, cây râu mèo, thổ phục linh, mạch môn, thiên môn, quýt rừng, ngũ da bì gai…

Theo giới thiệu của lương y Tài Rài, chúng tôi đến với nông trại của lương y Kiều Anh (dân tộc Chăm) tại thôn Rã Trên thuộc xã Phước Trung, huyện Bác Ái. Lương y Kiều Anh lặn lội từ làng Chăm Phước Nhơn lên xã Phước Trung tìm mua đất đồi núi để xây dựng nông trại rộng hơn 2ha với tên gọi “Rẫy Rag Chăm”.

Lương y Kiều Anh cho biết, từ tháng 1/2022, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ 150 triệu đồng của Hội đồng Anh giúp gia đình anh có thêm điều kiện đầu tư mô hình bảo tồn cây thuốc Nam theo hướng bền vững. Trong nông trại, anh dành 3.000 m2 đất trồng hơn 100 cây thuốc với khoảng 50 loài quý hiếm. Hiện nay, nông trại đang cung cấp nguồn dược liệu quý cho đồng bào Chăm bào chế thuốc Nam.

Nghề thuốc Nam mang lại ấm no cho bà con người Chăm, tuy nhiên hiện nay, hầu hết các gia đình đều không có đất để trồng cây thuốc. Bởi vậy, để bảo tồn, phát triển nghề làm thuốc Nam, cần quy hoạch, xây dựng vùng trồng dược liệu để phát triển nghề thuốc Nam; cần có chính sách đầu tư xây dựng 2 làng An Xuân, Phước Nhơn trở thành làng nghề thuốc Nam truyền thống. Tăng cường quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức sử dụng thuốc Nam cho đội ngũ lương y hành nghề. Tăng cường quảng bá về cây thuốc và nghề thuốc Nam của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận…

Các lương y người Chăm sử dụng khoảng 300 cây thuốc với trên 600 bài thuốc chữa được rất nhiều chứng bệnh thông thường như xương khớp, đau nhức cơ thể (có 106 bài thuốc), đau thần kinh tọa (có 49 bài), các bệnh về phụ nữ (có 32 bài), đau bao tử (có 40 bài); chữa sốt rét (13 bài); chữa viêm gan (24 bài); chữa tiểu đường, viêm mũi dị ứng, viêm xoang (15 bài)...