Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Niềm vui trên vùng đất quế

PV - 17:53, 29/08/2021

Vùng đất quế Trà Bồng (Quảng Ngãi) đang từng ngày phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện. Truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương với cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (28/8/1959) lưu danh sử sách sẽ mãi là nguồn sức mạnh để các thế hệ người dân trên vùng đất quế nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Trung tâm thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) ngày càng khang trang
Trung tâm thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) ngày càng khang trang

Trên địa bàn huyện Trà Bồng có 6 dân tộc anh em sinh sống, gồm: Kinh, Cor, Xơ Đăng, Hrê, Mường, Hoa, với hơn 53 nghìn nhân khẩu. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân, nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc ở huyện Trà Bồng với nhiều chính sách mang lại hiệu quả.

Đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và các nhiệm vụ khác từ Chương trình 135 trên địa bàn huyện Trà Bồng là hơn 116 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho 6.434 lượt hộ nghèo, cận nghèo; xây dựng 92 công trình đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, điện, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học...

Tuổi trẻ Trà Bồng đến thăm và dọn vệ sinh di tích lích sử Gò Rô, xã Trà Phong dịp kỷ niệm 62 năm Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi
Tuổi trẻ Trà Bồng đến thăm và dọn vệ sinh di tích lích sử Gò Rô, xã Trà Phong dịp kỷ niệm 62 năm Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết, thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và hợp phần hỗ trợ sản xuất cho miền núi, đã góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Nhiều mô hình kinh tế được triển khai thực hiện đạt hiệu quả, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,chuyển đổi phương thức sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Nhờ đó giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trà Bồng trung bình mỗi năm giảm 4 - 5%.

Về hạ tầng nông thôn, 100% xã đã có đường bê tông từ trung tâm xã về huyện; 100% thôn có đường giao thông được cứng hóa về xã; tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt trên 80%; 95% hộ gia đình dùng điện lưới quốc gia...

Nhiều năm qua, huyện đã quan tâm thực hiện quy hoạch sắp xếp các điểm dân cư tập trung với những địa bàn khó khăn, nhằm giúp đồng bào ở vùng sâu, vùng xa ổn định cuộc sống. Đến nay, huyện đã đầu tư 35 công trình hạ tầng thiết yếu, với hơn 372 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ người dân ổn định sản xuất, phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng miền. Các lĩnh vực y tế, giáo dục chuyển biến tích cực. Các giá trị văn hóa truyền thống cũng được huyện quan tâm bảo tồn như Lễ hội Điện Trường Bà, lễ hiến trâu, Tết Ngã rạ; xây dựng 52 đội nghệ thuật cồng chiêng, múa Cadhau...

Diện mạo mới vùng đất Trà Bồng hôm nay
Diện mạo mới vùng đất Trà Bồng hôm nay

Huyện Trà Bồng đã chú trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số bảo đảm trình độ, năng lực, nhờ đó đã góp phần quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, xây dựng đội ngũ Người có uy tín, làm "cầu nối" giữa người dân và chính quyền để thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Phát huy truyền thống quật cường của quê hương làm nên cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng 62 năm trước, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trà Bồng đã và đang nỗ lực từng ngày để xây dựng quê hương, mang đến cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc trên vùng đất quế./.