Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mùa chạy trường ở Trà Bồng

Hồng Phúc - 11:02, 31/12/2020

Dưới thời tiết 15, 16 độ ở miền núi, những tiếng ê a học bài của lũ trẻ nhỏ vang lên từ “lớp học dã chiến”, xung quanh toang hoang gió lùa buốt lạnh. Trường học mượn tạm tiệm tạp hoá của nhà một người dân ở xã Trà Lâm. Sau cơn bão Molave (bão số 9) vừa qua, trường Trà Khương (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) chơ vơ một đống đổ nát. Lại một mùa chạy trường!


Điểm trường Trà Khương của Trường tiểu học Trà Lâm, huyện Trà Bồng chênh vênh bên núi lở sau bão
Điểm trường Trà Khương của Trường tiểu học Trà Lâm, huyện Trà Bồng chênh vênh bên núi lở sau bão

Thầy Đỗ Ngọc Chung, Hiệu trưởng Trường Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Lâm cho biết, Trà Khương là 1 trong 5 điểm lẻ của trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi bão số 9. Điểm trường nằm cùng Khu dân cư Nà Tà Kót trên đỉnh cao, phía dưới là ruộng nương, hoa màu của bà con thôn bản. Tất cả đều lọt thỏm giữa dãy núi Tà Kót bao quanh.

Năm 2019, trường cũ của thầy trò Trà Khương cách đây gần một cây số cũng sạt lở nguy hiểm. Chạy theo làng, thầy trò điểm trường Trà Khương cũng về nơi mới. Trường xây khang trang, kiên cố. Đây là nơi học, vui chơi của trẻ con cả thôn. Thế nhưng, niềm vui chưa đầy năm mà giờ đã tan hoang theo bão.

“11 năm công tác tại điểm trường Trà Khương, chưa bao giờ tôi chứng kiến một cơn bão khủng khiếp đến thế. Nhưng miết rồi cũng quen, thầy trò giờ chỉ biết cố gắng khắc phục, nhờ học tạm ở nhà dân, đợi ngày có trường mới”, thầy giáo Đặng Thanh Khiết chia sẻ.

Lớp học tạm bên hiên nhà của thầy, cô giáo và học trò điểm trường Trà Khương
Lớp học tạm bên hiên nhà của thầy, cô giáo và học trò điểm trường Trà Khương

Cơn bão dữ Molave đi qua, mái tôn, thép kiên cố trắng toát chưa kịp xỉn mầu đã bay theo gió lớn. Dụng cụ học tập, quạt, thiết bị điện,... thành đống đổ nát. Dãy phòng học trơ trọi bốn bức tường, nhìn lên thấy mây trôi lững thững qua đầu. Sau cơn cuồng phong, điểm trường vừa mới xây năm ngoái, giờ là đống ngổn ngang. 

Đã gần 2 tháng bão đi qua, có lẽ những đứa trẻ ở đây cũng đã quen với cảm giác mất trường. Lớp học của 60 học sinh (từ lớp 1 - 5) là tiệm tạp hoá mượn của nhà anh Hồ Văn Thiên ở khu dân cư Nà Tà Kót. Hiên nhà anh Thiên rộng khoảng 20 m2 là nơi bà con trong thôn đến mua bán, chuyện trò, giờ được kê thêm 10 bộ bàn ghế học sinh (HS), bảng lại in nét phấn trắng của thầy cô, một bên bảng dạy các em lớp 2, một bên để dạy các em lớp 4.

Dưới cái lạnh buốt của rừng núi, gió rít, xung quanh không có gì che chắn, nhưng lớp học vẫn nhộn nhịp tiếng cười nói các em HS. 

Ngày 20.11 đặc biệt của Thầy trò điểm trường Trà Khương
Ngày 20/11 đặc biệt của Thầy trò điểm trường Trà Khương


Cứ mỗi mùa mưa bão là bất an. Thầy Khiết kể, năm 2009, trên đường đến trường, nếu không phải dừng lại nghe cuộc điện thoại, có lẽ anh cũng bị vùi trong trận sạt lở. Âu cũng là may mắn. Thầy cô ở đây đã quen với cảm giác thấp thỏm mỗi mùa mưa bão, vừa dạy vừa nghe ngóng thời tiết, khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào đều phải nhanh chóng cùng chính quyền địa phương di dời các em học sinh đến nơi an toàn.

Chạy trước lũ tìm nơi an toàn, chạy sau bão tìm nơi học mới, có lẽ đã trở thành “đặc sản” của thầy trò vùng cao lâu nay rồi. Trước cảnh hoang tàn, những đứa trẻ hồn nhiên chưa kịp thấu cái khổ, đùa nghịch vô tư, khiến  thầy Khiết cùng các thầy cô giáo khác không khỏi xót xa.

Thế nhưng, trò chuyện với các thầy cô giáo, tôi cảm nhận được rất rõ tinh thần lạc quan của họ. Có lẽ, trong những gian nan, thiếu thốn khổ nhọc ấy, nghĩa thầy - trò lại càng gắn bó, ấm áp hơn. 

“Bây giờ thì khác ngày xưa rồi, sau mưa bão các em không bỏ học nữa mà đều đến lớp rất chăm chỉ. Nghĩ thế thôi, thầy cô cũng mừng. Chỉ cầu mong, không phải đối diện với những mùa chạy trường thế này nữa”, Thầy Khiết tâm sự.

Năm nay, mùa chạy trường ở Trà Khương đúng dịp 20/11 - ngày tôn vinh nhà giáo. Trên tấm bảng ở lớp học dã chiến ngày hôm ấy là một món quà bất ngờ dành cho các thầy cô. Đó là những nét chữ nắn nót, ngây thơ, còn chưa rõ nghĩa: “ Thầy có vui không? Có thầy rất tự hào. Thầy đã dậy chúng em suốt cuộc đời”….