Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những nghệ nhân giữ cho nhịp trống paranưng rộn ràng

Ngọc Sơn - 17:09, 15/02/2021

Trong văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, trống paranưng là một trong 3 loại nhạc cụ truyền thống (kèn saranai, trống paranưng và trống ghinăng) không thể thiếu được. Đặc biệt âm thanh rộn ràng của trống paranưng trở thành “nhạc cụ thiêng” trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm trong các ngày lễ hội, hay đón mừng Xuân mới...

Nghệ nhân Hán Quân (ngoài cùng bên trái) và các học trò thể hiện các làn điệu mừng đón mùa Xuân mới Tân Sửu 2021.
Nghệ nhân Hán Quân (ngoài cùng bên trái) và các học trò thể hiện các làn điệu mừng đón mùa Xuân mới Tân Sửu 2021.

Gặp “nhạc trưởng” ưu tú vỗ trống paranưng

Trong những ngày cả nước hân hoan đón mừng Xuân Tân Sửu 2021, chúng tôi về thôn Như Ngọc, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước tìm gặp Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Phú Văn Lương. Ông là một trong những Nghệ nhân tiêu biểu giữ hồn các nhạc cụ truyền thống của cộng đồng dân tộc Chăm.

Đã có nhiều dịp gặp Nghệ nhân tại các hội thảo khoa học về bảo tồn âm nhạc truyền thống, cũng như các mùa Lễ hội Katê. Mỗi lần gặp chúng tôi như bị hút hồn bởi kỹ năng biểu diễn bộ gõ paranưng điêu luyện của ông. Đặc biệt trong các mùa Lễ hội Katê, ông là “nhạc trưởng” chỉ huy đội ngũ nhạc công thực hiện chương trình nhạc lễ tại làng Chăm Hữu Đức, Hậu Sanh (Ninh Phước). Với vai trò Maduen (thầy giỗ, chủ trì đám cúng), ông tích cực tham gia thực hiện tốt các nghi lễ truyền thống hằng năm như đón mừng Lễ hội Katê, lễ Chabun tưởng nhớ nữ thần, Lễ Rija Nagar, Lễ cầu mưa…

Chúng tôi cũng đã từng được nghe ông giải thích về lễ Rija Nagar. Đây là Lễ hội quan trọng nhất diễn ra vào những ngày đầu tháng Giêng theo lịch Chăm hằng năm, do thầy vỗ Maduen và Kaing thực hiện. Khi nhịp trống paranưng rộn ràng vang lên, kết hợp hát ca ngợi công lao của các vị thần linh, do ông Maduen thể hiện, cũng là lúc ông Taing tay cầm roi mây bắt đầu nhảy múa.

Ông Kaing chân trần đạp tắt ngọn lửa đang cháy, với ý nghĩa xua tan nắng hạn, đem không khí mát mẻ, mưa thuận gió hòa về cho dân làng cày cấy, mùa màng bội thu; đồng thời tẩy uế đi những điều không may mắn của năm cũ để đón những điều may mắn trong năm mới. Tiếng trống paranưng hòa nhịp trống ghi năng, kèn Saranai, lục lạc tạo nên âm thanh rộn ràng trong dịp Lễ đón mừng năm mới.

Gặp lại người quen cũ, NNƯT Phú Văn Lương phấn khởi thông tin, trong năm 2021 này, ông và các học trò sẽ phấn đấu thành lập Câu lạc bộ nhạc cụ truyền thống dân tộc Chăm xã Phước Thái để truyền dạy miễn phí cho thanh - thiếu niên.

Âm thanh trống paranưng rộn rã trong ngày lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm.
Âm thanh trống paranưng rộn rã trong ngày lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm.

Nghệ nhân Hán Quân - nhà sáng chế nhạc cụ truyền thống

Bao năm nay, Nghệ nhân Hán Quân ở thôn Tân Đức, xã Phước Hữu được cộng đồng tôn vinh là “báu vật” của đồng bào Chăm, ở huyện Ninh Phước trong lĩnh vực chế tác các nhạc cụ truyền thống. Ông có thể chế tác và biểu diễn thành thục trống cái, paranưng, ghi năng, đàn kanhi...

Đặc biệt, Nghệ nhân Hán Quân là tác giả của chiếc lọng rước y trang của Nữ thần Pô Inư Nưgar ở làng Hữu Đức vào dịp Lễ hội Katê hằng năm. Chiếc lọng được ông đan bằng tre công phu, thể hiện lòng biết ơn đối với Nữ thần dạy dân làng cày cấy, dệt vải, chăn nuôi gia súc.

Nghệ nhân Hán Quân cho biết, thời trai trẻ, ông cùng cố NNƯT Thiên Sanh Thềm được Nghệ nhân Quảng Nhiều ở Hữu Đức tận tâm truyền dạy chế tác nhạc cụ và biểu diễn trống paranưng, trống ghi năng phục vụ hoạt động tín ngưỡng cộng đồng dân tộc Chăm địa phương.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với chế tác nhạc cụ, ông đã cung cấp cho bà con trong và ngoài tỉnh hàng trăm bộ trống ghi năng và paranưng. Riêng trong năm 2020, ông cung cấp cho các nơi 6 bộ trống ghi năng và paranưng. Mỗi bộ trống ghi năng chế tác khoảng 20 ngày, trị giá 12 - 15 triệu đồng, mỗi chiếc trống paranưng chế tác trong 1 tuần, có giá 4 - 5 triệu đồng. Mới đây, ông vừa hoàn thành 6 chiếc trống paranưng và một bộ trống ghi năng để cung cấp cho bà con các làng Chăm.

Ông bảo, nghề chế tác nhạc cụ rất công phu, đòi hỏi sự khéo tay và tinh thần trách nhiệm của người thợ, bảo đảm cân chỉnh âm thanh chuẩn, sử dụng lâu bền. Hiện nay, ông đang cố gắng truyền nghề làm trống cho con trai mình để gìn giữ nhạc cụ truyền thống của cha ông.

Trong hơn nửa thế kỷ qua, Nghệ nhân Hán Quân đã truyền dạy kỹ thuật biểu diễn trống cho 12 thanh niên, trở thành nhạc công đảm nhận các chương trình lễ hội và văn nghệ phục vụ đời sống dân cư.

Đàng Phi Long Khánh, một trong 2 học trò hiện đang theo nghệ nhân học biểu diễn bộc bạch: “Bản thân tôi rất tự hào được làm học trò của Nghệ nhân Hán Quân. Ông yêu thương và tận tâm truyền dạy bài bản vỗ trống paranưng, ghi năng cho học trò. Sau nhiều năm theo thầy rèn nghề học vỗ trống, đến nay, tôi có thể cùng với các bạn đảm nhận vai trò nhạc công thực hiện hoạt động tín ngưỡng tâm linh và chương trình văn nghệ phục vụ bà con thôn xóm”.

Chia tay đồng bào làng Chăm, hình ảnh Nghệ nhân Hán Quân cùng các học trò trong trang phục truyền thống biểu diễn nhạc cụ paranưng và ghi năng với các làn điệu kacaik, wah gaiy, alitai, java… tiễn khách rộn ràng khiến cho chúng tôi cảm thấy phấn chấn, khi nghĩ về những ngày Xuân đang tới.