Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những “lỗ hổng” trong quản lý rừng và đất rừng ở ĐăK Nông

PV - 10:01, 24/05/2019

Từ năm 2016 đến 2018, Công an tỉnh Đăk Nông đã bắt, xử lý 431 vụ với 522 đối tượng vi phạm lâm luật, khiến gần 230ha rừng bị hủy hoại; nhiều vụ việc đã bị khởi tố, đưa ra xét xử. Tuy nhiên, trong một vài vụ án vẫn có những dấu hiệu oan sai.

Bài 3: Bất thường trong một bản án

Án nặng từ việc phá rừng!

Trong các ngày 11-12/12/2018, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Đăk G’long đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Hủy hoại rừng” đối với các bị cáo: Phạm Xuân Sáng, sinh năm 1974, đăng ký thường trú tại tổ dân phố 5, phường Nghĩa Thành (thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông); Hoàng Văn Đào, sinh năm 1989, đăng ký hộ khẩu tại ấp 3, xã Sông Ray (Cẩm Mỹ, Đồng Nai); Vũ Việt Hưng, sinh năm 1982, đăng ký thường trú tại thôn Tân Lập, xã Lạc Lâm (Đơn Dương, Lâm Đồng). Trước khi đưa ra xét xử, Đào bị tạm giam từ ngày 10/5/2015, Hưng bị tạm giam từ ngày 13/6/2015, Sáng bị tạm giam từ ngày 16/3/2017.

Theo Bản án số 62/2018/HS-ST ngày 12/12/2018 của TAND huyện Đăk G’long, khoảng tháng 6/2013, Phạm Xuân Sáng biết Xí nghiệp Lâm nghiệp Đăk Ha (thuộc Công ty TNHHMTN Gia Nghĩa) lập dự án trồng lại rừng ở các khoảnh 1,2,5,7-Tiểu khu 1685 và khoảnh 1,3-Tiểu khu 1697. Sáng đã xin và được thuê đất để thực hiện trồng rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP về phủ xanh đất trống đồi trọc.

Ở Tiểu khu 1697,ngoài diện tích trồng keo, tiêu, bầu, chanh leo… thì còn xen kẽ nhiều diện tích cây bụi, một số đã chết khô do bị phá đốt. (Ảnh chụp ngày 17/4/2019) Ở Tiểu khu 1697,ngoài diện tích trồng keo, tiêu, bầu, chanh leo… thì còn xen kẽ nhiều diện tích cây bụi, một số đã chết khô do bị phá đốt. (Ảnh chụp ngày 17/4/2019)

Bản án nêu rõ: Từ giữa năm 2013 đến giữa tháng 3/2015, Sáng thuê Đào, Đào thuê Hưng, Hưng thuê một số người khác chặt phá, phát dọn 25,742ha thuộc khoảnh 1,3-Tiểu khu 1697 và khoảnh 2,7-Tiểu khu 1685 để trồng keo, muồng; trong đó có 12,637ha là diện tích rừng phải khoanh nuôi bảo vệ. Theo Kết luận giám định của Hạt Kiểm lâm huyện Đăk G’long, 12,637ha này thuộc loại rừng sản xuất, trạng thái tự nhiên lá rộng thường xanh núi đất nghèo, tổng thiệt hại về rừng hơn 337 triệu đồng.

Ngoài ra, khoảng đầu năm 2015, Sáng còn thuê một số đối tượng khác chặt phá, phát dọn, làm hủy hoại 8.404m2 rừng tại lô 3, khoảnh 1-Tiểu khu 1697. Theo giám định, diện tích rừng này thuộc rừng tự nhiên, loại rừng sản xuất; tổng thiệt hại ước tính hơn 84,5 triệu đồng.

Căn cứ vào quy định hiện hành, TAND huyện Đăk G’long đã tuyên phạt Phạm Xuân Sáng 7 năm tù, Hoàng Văn Đào 4 năm tù và bị cáo Vũ Việt Hưng 3 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giữ. Các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn là UBND huyện Đăk G’long. Trong đó, bị cáo Phạm Xuân sáng phải bồi thường gần 134,9 triệu đồng; bị cáo Hoàng Văn Đào tiếp tục bồi thường hơn 131,6 triệu đồng (trước đó đã bồi thường 3,2 triệu đồng); bị cáo Vũ Việt Hưng tiếp tục bồi thường hơn 62,4 triệu đồng (trước đó đã bồi thường 5 triệu đồng).

Nhiều dấu hiệu bất thường

Ngay trong phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Phạm Xuân Sáng khẳng định, không có hành vi phá rừng, nhưng không được Tòa xem xét. Sau khi bản án được tuyên, bị cáo Sáng tiếp tục kháng nghị phúc thẩm.

Còn với bị cáo Vũ Việt Hưng, sau khi chấp hành hình phạt tù thêm 1 ngày đã được trả tự do (án tù 3 năm, nhưng bị tạm giam từ ngày 13/6/2015, tính đến ngày 12/12/2018 thì chỉ còn thiếu 1 ngày). Nhưng với ông, 3 năm bị tạm giam cùng với tội danh “Hủy hoại rừng” đeo đẳng suốt đời là khó chấp nhận được. Là người con hiếu thuận, ông Hưng đang thấy có lỗi với người cha là một đảng viên, thương binh nặng, tuổi đã cao.

Dấu vết hào giao thông do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đăk Nông xây dựng khu diễn tập quân sự vẫn còn tại Tiểu khu 1697. (Ảnh chụp ngày 17/4/2019). Dấu vết hào giao thông do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đăk Nông xây dựng khu diễn tập quân sự vẫn còn tại Tiểu khu 1697. (Ảnh chụp ngày 17/4/2019).

Ngày 17/4/2019, trao đổi với phóng viên, ông Hưng cho biết, khi được Đào thuê phát dọn ở khoảnh 1,3-Tiểu khu 1697 và khoảnh 2,7-Tiểu khu 1685 thì ở đây làm gì còn rừng nữa. Theo ông, khu vực này (diện tích đất ông Hưng được thuê phát dọn-Pv) chỉ có cây bụi và một số cây gỗ nhỏ tái sinh.

Lần theo hồ sơ liên quan đến vụ án, chúng tôi nhận thấy nỗi ấm ức vì cho rằng bị oan sai của ông Hưng là có cơ sở, bởi có rất nhiều điểm bất thường trong vụ án. Theo Bản án số 62/2018/HS-ST ngày 12/12/2018 của TAND huyện Đăk G’long thì địa điểm các bị cáo phá rừng là khoảnh 1,3-Tiểu khu 1697 và khoảnh 2,7-Tiểu khu 1685. Nhưng đây là những diện tích đã bị phá, xâm canh, lấn chiếm trái phép từ trước đó.

Theo Văn bản số 997/BC-KL ngày 09/12/2014 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Nông, hầu hết diện tích rừng tại khoảnh 2,7-Tiểu khu 1685 và khoảnh 1,3-Tiểu khu 1697 đã bị phá trong các năm 2007-2008, với mức độ thiệt hại đều là 100%. Cũng theo Văn bản này, thì rừng ở các vị trí này đều thuộc loại rừng sản xuất, trạng thái trước khi bị phá là rừng thường xanh nghèo; tại thời điểm Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, một số diện tích đã trồng tiêu, cao su, khoai lang, sắn, keo; một số diện tích là đất trống, cây bụi…

Đó là chưa kể, khoảnh 2,7-Tiểu khu 1685 và khoảnh 1,3-Tiểu khu 1697 nằm trong tổng diện tích 175ha đất và rừng (thuộc các Tiểu khu 1685, 1686, 1697) được UBND tỉnh Đăk Nông tạm giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng khu vực diễn tập phòng thủ từ năm 2008. Theo Báo cáo số 1953/BC-SNN ngày 19/9/2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc “Kiểm tra, làm rõ trách nhiệm đối với diện tích rừng bị phá đối với 175ha đất và rừng giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh” có nêu rõ: Đến thời điểm kiểm tra ngày 26/5/2015, toàn bộ diện tích 175ha rừng tự nhiên IIIa1 đã bị mất (!).

Ngay trong Bản án số 62/2018/HS-ST ngày 12/12/2018, TAND huyện Đăk G’long cũng khẳng định, trong quá trình điều tra hồ sơ vụ án vẫn có những vi phạm, sai sót. Đặc biệt, bản án nêu rõ: Biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản xác minh hiện trường ghi lập tại lô 3, khoảnh 1-tiểu khu 1697 (là chi tiết quan trọng cấu thành tội hủy hoại rừng trong vụ án-Pv) nhưng trên thực tế được lập cách hiện trường 10km mà không nêu rõ lý do. Vậy mà, TAND huyện Đăk G’long lại cho rằng, vi phạm này không làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án, chỉ cần nêu ra để rút kinh nghiệm(!?).

Mặc dù có rất nhiều điểm bất thường nhưng TAND huyện Đăk G’long vẫn tuyên Phạm Xuân Sáng, Vũ Việt Hưng, Hoàng Văn Đào tội danh “hủy hoại rừng” mà không cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Việc kết án liệu rằng có quá vội vàng, và vì sao lại phải như vậy? Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO