Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những “cột mốc sống” nơi biên cương

Hoài Dương - 10:54, 22/04/2020

Trong suốt nhiều năm qua, bằng những việc làm cụ thể, đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín tại các bản làng biên giới đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn sự bình yên nơi biên cương. Họ được ví như những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền nơi biên giới.

Người có uy tín vận động người thân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. (Ảnh internet)
Người có uy tín vận động người thân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. (Ảnh internet)

Bắc Xa là một xã khó khăn nhất của huyện Đình Lập (Lạng Sơn). Xã có 33km đường biên giới, 5 thôn giáp biên giới Trung Quốc, 98% dân số là đồng bào dân tộc Nùng. Trong đó, thôn Tắp Tính cách cột mốc 1288 khoảng 10km. 

Là Bí thư Chi bộ, Người có uy tín trong cộng đồng người Nùng ở thôn Tắp Tính, ông Vi Văn Rick thường xuyên tuyên truyền để bà con trong thôn tham gia bảo vệ đường biên cột mốc; thông tin với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và chính quyền địa phương khi có người lạ xuất hiện, hoặc có tình huống xấu xảy ra tại khu vực biên giới.

Ông Rick cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, được sự hỗ trợ của BĐBP Bắc Xa, tôi đã tổ chức được 25 buổi tuyên truyền, vận động với trên 530 lượt người tham gia. Tôi cũng đã trực tiếp đến từng hộ dân, gặp từng người để nhắc nhở bà con mỗi lần lên rừng, lên nương là phải lên đến cột mốc quan sát tình hình ngoại biên, nội biên, nếu thấy có gì khác thường thì phải báo cáo kịp thời cho BĐBP”. 

 Hằng tuần, ông Rick còn phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Bắc Xa đi tuần tra, phát quang bụi rậm ở đường biên, cột mốc để bảo đảm đi lại dễ dàng. 

 “Từ đầu năm đến nay, tôi đã có 3 lần phối hợp với Trưởng thôn vận động bà con cùng cán bộ, chiến sĩ ĐBP Bắc Xa lên cột mốc 1288 phát quang và kiểm tra tuyến biên giới. Vì đây là thời điểm rất nhiều người dân đi làm ăn bên Trung Quốc về để tránh dịch bệnh Covid-19”, ông Rick cho hay. 

 Tương tự, ông Ly A Sa, dân tộc Hà Nhì, ở bản Tỷ Phùng, xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cũng tích cực vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp thông tin liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn cho lực lượng BĐBP. Gia đình ông cũng đã ký cam kết với ĐBP Sì Lờ Lầu tự quản đường biên dài gần 11km. 

 Ông Sa chia sẻ: “Hằng ngày, cùng với việc lên nương chăm sóc thảo quả gần đường biên, tôi và người nhà đều không quên thăm cột mốc, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động xấu từ bên ngoài ảnh hưởng tới đường biên, cột mốc”. 

Với những nỗ lực trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ từ các già làng, trưởng bản, Người có uy tín như ông Vi Văn Rick và ông Ly A Sa… đến nay ý thức của người dân về việc bảo vệ đường biên, cột mốc ngày càng được nâng lên. Đồng thời cũng hạn chế được tối đa các hành vi vi phạm quy chế biên giới, không xảy các điểm nóng về an ninh trật tự.