Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người có uy tín với sự bình yên vùng biên

Quỳnh Trâm - 11:23, 12/02/2020

Tỉnh Thanh Hóa có 213,6km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), 92 mốc quốc giới/88 vị trí, 13 cọc dấu biên giới; 102km bờ biển thuộc 11 huyện, thành phố với 59 xã, phường, thị trấn.

Lực lượng BĐBP Thanh Hóa và BĐBP nước bạn Lào tại cột mốc biên giới Việt Lào thuộc địa bàn huyện Mường Lát.
Lực lượng BĐBP Thanh Hóa và BĐBP nước bạn Lào tại cột mốc biên giới Việt Lào thuộc địa bàn huyện Mường Lát

Theo Thượng tá Lê Văn Toản, Trưởng ban Vận động quần chúng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thanh Hóa, hiện nay 16/16 xã biên giới của tỉnh Thanh Hóa đã có 151 già làng, trưởng bản, Người có uy tín tự nguyện đăng ký bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Đồng thời, trên địa bàn cũng đã thành lập 768 tổ an ninh trật tự thôn bản, với 2.415 thành viên tham gia, 100% các thôn, bản khu vực biên giới đất liền, biên giới biển có tổ hòa giải.

20 năm qua, già làng Lục Văn Quý (dân tộc Thái), bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát tình nguyện cùng các cán bộ chiến sĩ Biên phòng Đồn Biên phòng Trung Lý không quản ngày đêm khi có thông tin là băng rừng, vượt suối canh giữ, bảo vệ cột mốc, phát quang đường biên. Hằng tháng, ông đều lên kiểm tra mốc giới, khi phát hiện có vấn đề gì sẽ báo cáo cho BĐBP để kịp thời xử lý.

Ông luôn tâm niệm, bảo vệ mốc giới biên cương cũng là bảo vệ chính ngôi nhà của mình. Dù năm nay ông đã hơn 80 tuổi, sức khỏe đang yếu dần đi, nhưng tinh thần của ông thì không hề suy chuyển. Ông luôn dặn dò con cháu và rất có trách nhiệm trong việc tuyên truyền vận động bà con trong bản nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ biên giới, không nghe lời xúi giục của kẻ xấu, đề cao cảnh giác với các loại tội phạm.

Gần 3 năm nay, cứ mỗi tháng 2 lần, anh Lâu Văn Lâu, dân tộc Mông ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát lại có mặt trên đỉnh núi Đá Đỏ cao gần 2.000m so với mặt nước biển để kiểm tra, bảo vệ cột mốc G8, nay là mốc 304. Đây cũng chính là cột mốc mà cha anh - già làng Lâu Văn Hự, năm nay 95 tuổi, đã tình nguyện bảo vệ, chăm sóc trong suốt hơn 30 năm qua. Năm 2016, khi tuổi cao, sức yếu, già làng Hự đã báo cáo Đồn Biên phòng Quang Chiểu xin trao lại nhiệm vụ thiêng liêng này cho anh Lâu.

Đại tá Nguyễn Văn Thú, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa cho biết, ở các tuyến biên giới tỉnh Thanh Hóa còn có rất nhiều các già làng, trưởng bản, Người có uy tín điển hình trong tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên cương khác như: Già làng Phan Văn Xiết ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát; già làng Vi Văn Dong ở bản Cháo, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa; trưởng bản Lò Văn Thọ ở bản Xắng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh...

Điều đáng trân trọng, ghi nhận từ những việc làm của Người có uy tín, già làng, trưởng bản đã tác động đến nhận thức tư tưởng, trách nhiệm của con cháu, các thế hệ thanh niên về ý nghĩa, trách nhiệm tiếp nối truyền thống của cha ông bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, minh chứng như cha con nhà ông Lâu Văn Hự.

Theo đó, những năm qua, lực lượng BĐBP cùng với Người có uy tín, Nhân dân trên tuyến biên giới đã tổ chức được hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm soát, phát quang đường biên, bảo vệ mốc giới. Quần chúng Nhân dân đã cung cấp được cho lực lượng hàng trăm lượt thông tin, trong đó có nhiều thông giá trị, nhờ đó BĐBP đã kịp thời phá nhiều vụ án lớn, góp phần giữ gìn ổn định an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cho vùng biên giới của Tổ quốc.


Tin cùng chuyên mục