Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những con đường nhân ái ở vùng khó Điện Biên

Song An - 12:35, 05/11/2022

Lần lượt đếm từng con đường số 1, số 2… rồi đến số 10 đã êm thuận, ông Bí thư xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) - Trần Hiến Giang không khỏi tự hào khoe “Tất cả đều không tốn một đồng từ ngân sách Nhà nước”.

Người dân bản Che Phai 1 đi trên “Con đường nhân ái” số 9 được trải bê tông thẳng tắp
Người dân bản Che Phai 1 đi trên “Con đường nhân ái” số 9 được trải bê tông thẳng tắp

Đường lầy “khoác áo” bê tông

Con đường nhân ái số 10 dẫn lên điểm trường mầm non bản Che Phai 1, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) được khánh thành vào đúng ngày khai giảng năm học mới. Con đường bê tông rộng 3,6m được hoàn thành, với tổng kinh phí gần 30 triệu đồng, phục vụ đi lại thường xuyên cho hơn 50 học sinh và 4 giáo viên điểm trường.

Hòa trong niềm phấn khởi của hàng trăm phụ huynh, học sinh, giáo viên nơi đây, ông Lò Văn Toán, Trưởng bản Che Phai 1 cũng không giấu được sự xúc động. Ông toán kể, đây là đoạn đường rẽ từ quốc lộ 279 lên điểm trường. Mặc dù chỉ dài gần 40m, song nhiều năm qua vì chưa được đầu tư đồng bộ nên gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.

“Hiện trạng đường cũ nền đất gồ ghề rất khó đi. Nhất là vào mùa mưa, trơn trượt, lầy lội, bọn trẻ khổ lắm. Tôi từng nhiều lần chứng kiến học sinh, giáo viên và cả phụ huynh trượt ngã hoặc lấm lem bùn đất khi đến lớp. Giờ được bê tông sạch đẹp, rộng rãi thế này mừng lắm”, ông Toán bộc bạch.

Tại bản Ta Cơn, “con đường nhân ái” số 5 được hô “biến” từ lối mòn ngoằn ngoèo, dốc ngược chỉ rộng chừng 50cm – 1m, quanh năm đi bộ. Sống gần hết đời người tại đây, ông Bạc Cầm Pánh (84 tuổi) là người hiểu hơn ai hết ý nghĩa của sự đổi thay này.

Ông Pánh tâm sự: “Cả đời tôi chỉ biết lội bùn trên con đường mòn này để đi từ nhà này sang nhà kia, rồi đi làm nương. Chỉ dám mơ có ngày đường được cải tạo thuận lợi hơn một chút và rộng hơn để xe máy có thể đi được. Thế mà giờ đây có hẳn đường bê tông to đẹp vào tận cổng nhà, xúc động lắm!”.

Còn theo ông Lò Văn Thiêm, Trưởng bản Ta Cơn thì ngay sau khi đường hoàn thành, bà con trong bản đã góp tiền, làm 30 mâm liên hoan tưng bừng. Rồi kể từ khi có đường đẹp, nhiều hộ dân chuyển xuống ở gần đường, làm nhà mới, khiến bản làng trở nên đẹp đẽ hơn. Ô tô chở hàng cũng vào được tận cuối bản đề thu mua nông sản và buôn bán các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm cho bà con.

Chia sẻ về cái tên đầy ý nghĩa, ông Trần Hiến Giang, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sinh cho hay, do đường thực hiện hoàn toàn từ nguồn huy động xã hội hóa, không sử dụng ngân sách. “Bất cứ ai có tấm lòng thì chung tay đóng góp. Từ công sức, tiền của, nguyên, vật liệu… nên chúng tôi gọi đây là đường nhân ái”.

Cũng theo ông Giang, phong trào này được triển khai từ năm 2019, trên cơ sở xã lên phương án thiết kế, tính toán giúp. Nhân dân là lực lượng trực tiếp thi công, tự giải ngân, có trách nhiệm với chính tuyến đường mình đi. Cán bộ xã hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát thi công, quán xuyến nhân lực để công trình đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Bà con bản Che Phai 1 đồng lòng tham gia làm đường nhân ái số 10 dẫn lên điểm trường mầm non
Bà con bản Che Phai 1 đồng lòng tham gia làm đường nhân ái số 10 dẫn lên điểm trường mầm non

Nối vòng tay lớn

Sau khi những con đường đầu tiên được hoàn thành, từ lợi ích thấy rõ, phong trào làm đường nội bản tại Chiềng Sinh diễn ra ngày càng sôi nổi. Tiêu biểu nhất là bản Ta Cơn, với 7 “con đường nhân ái” được hoàn thành. Theo Trưởng bản Thiêm chia sẻ, thì con đường đầu tiên được làm mới ở bản là nhờ sự kết nối của ông Nguyễn Khang Dũng, cán bộ xã (ngày đó làm Bí thư chi bộ bản).

“Ông Dũng đã nhờ các mối quan hệ quen biết để xin kinh phí mua nguyên vật liệu làm đường. Sau đó vận động người dân hiến đất và bỏ công sức thực hiện. Ban đầu, một số hộ dân còn lo ngại vì thấy vất vả. Đa phần đường leo lên, leo xuống nhiều nên phải hạ độ cao, giảm quanh co, nhiều đoạn gánh, vác từng bao xi măng, cát, sỏi lên”, ông Thiêm kể.

Thế rồi, những cán bộ, đảng viên đầu tiên gương mẫu đứng ra trực tiếp làm. Ông Bạc Cầm Pánh nằm trong số những người tiên phong, tích cực làm theo. Nhìn cụ ông lưng còng vác cuốc lao động hăng say, thanh niên trong bản không thể đứng nhìn. Họ kéo nhau “xắn tay” vào việc.

“Vất vả lắm, gần như là làm mới hoàn toàn từ việc cào nền đường, tạo mặt bằng… đến trộn, đổ bê tông. Vừa làm, vừa tự giám sát nhau. Cứ xin, nhờ máy móc hỗ trợ được khâu nào thì tốt khâu đó. Còn lại chúng tôi trực tiếp thực hiện. Khối lượng lớn, việc của chung nên tôi huy động hết con cháu, ai rảnh là tham gia làm cùng”, ông Pánh nói.

Những con đường êm thuận, láng mịn đầu tiên được khởi công đã tạo hiệu ứng mạnh với bà con trong xã. Phong trào làm đường nhân ái cũng từ đó mà lan tỏa ra khắp các bản, như: Dửn, Kép, Che Phai 1... Nhiều tuyến, kinh phí làm đường lên tới gần 100 triệu đồng và gần 1.000 ngày công lao động.

Sau 3 năm, phong trào đã triển khai, làm mới được 10 tuyến đường nhân ái và đang hoàn thiện đường số 11. Qua đó, nâng số đường nội bản được bê tông hóa lên 80%. Theo Bí thư Đảng ủy xã, thì điều này đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn mới. Đáng mừng hơn cả, là qua đây, tinh thần đoàn kết, sẻ chia của bà con trong cụm, trong bản, trong xã ngày càng được thắt chặt. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại dần được xóa bỏ, thay thế vào đó là sự chủ động, ý chí vươn lên trong mỗi người dân.

Bà con bản Ta Cơn tham gia làm đường nhân ái số 5
Bà con bản Ta Cơn tham gia làm đường nhân ái số 5

“Bên cạnh nguồn vốn được cấp hàng năm, tới đây, chúng tôi sẽ khuyến khích và phát huy tốt hơn nữa các hoạt động xã hội hóa và huy động sức dân để khoác áo mới cho những con đường. Làm sao phấn đấu đến năm 2024 cơ bản hoàn thành bê tông hóa tất cả các tuyến đường nội bản trên địa bàn”, ông Giang cho hay.

Ông Trìu Hải Dương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuần Giáo cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, thời gian qua, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các cơ sở Hội trong toàn huyện. Đồng thời, gắn cuộc vận động xây dựng NTM với phong trào hiến đất mở đường của địa phương. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, ý Đảng hợp lòng dân, tin rằng phong trào hiến đất mở đường tiếp tục được lan tỏa trong mỗi người dân, góp phần đưa Tuần Giáo có kết cấu hạ tầng giao thông phát triển.

Đến nay sau hơn 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Tuần Giáo đã đạt nhiều thành tựu đáng mừng. Phát huy kết quả đạt được, bước vào nhiệm kỳ mới (2020 - 2025) huyện Tuần Giáo phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ xã đạt trên 10 tiêu chí xây dựng NTM chiếm 77,8%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20%... Ðể đạt được mục tiêu trên, huyện Tuần Giáo tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Trong đó ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Ðồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham gia, đóng góp công sức hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM theo đúng lộ trình đề ra.