Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Quảng Bình: Lan tỏa phong trào hiến đất làm đường nông thôn

PV - 09:55, 03/09/2019

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân tỉnh Quảng Bình hăng hái ủng hộ, đặc biệt là phong trào hiến đất và tài sản trên đất để làm đường giao thông NTM.

Tại xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), đến nay, xã có hơn 760 hộ dân hiến đất để làm đường, với diện tích gần 25.000m2. Giờ đây, những con đường trở nên rộng rãi, thông thoáng đã thay thế cho những con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội.

Ông Lê Văn Ngọc, Trưởng thôn Mai Hạ cho biết: thôn có khoảng 280 hộ, với hơn 1.000 khẩu, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ. Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng từ khi có chủ trương hiến đất làm đường giao thông, Nhân dân trong thôn đã tích cực hưởng ứng. Đến nay, trong thôn đã có trên 100 hộ dân hiến đất, tài sản để làm đường với diện tích gần 4.000m2.

Không chỉ hiến đất, người dân còn góp công sức xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Không chỉ hiến đất, người dân còn góp công sức xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.

“Sau khi các hộ dân trong thôn hiến đất để mở rộng đường, các tuyến đường đều thoáng đãng, hoa được trồng 2 bên đường tạo cảnh quan nông thôn đẹp đẽ, bà con thấy vui lắm”, ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Thủy chia sẻ: Nhờ có sự tuyên truyền, vận động của các ban ngành, đoàn thể, địa phương, kể từ khi có chủ trương mở đường, người dân trong xã đã nhiệt tình hưởng ứng, hiến đất làm đường.

Tại xã miền núi Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình xây dựng NTM như, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, nhiều thôn bản sống ở các vùng thung lũng, đời sống Nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều…Song, phong trào hiến đất xây dựng NTM ở đây vẫn sôi nổi và tích cực.

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, ban đầu chỉ có 2 hộ người dân tộc Bru-Vân Kiều là ông Hồ Phong ở bản Khe Ngang và ông Hồ Soa ở bản Khe Dây hiến trên 2.000m2 đất thổ cư để xây dựng điểm trường mầm non và nhà văn hóa bản. Việc làm của hai ông đã tác động đưa phong trào hiến đất xây dựng NTM ở Trường Xuân ngày càng được lan tỏa.

Tương tự, người dân xóm Mít, bản Lâm Ninh cũng đã hiến 1.300m2 đất xây dựng tuyến đường bê tông dài 650m, tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt, vừa qua, 22 hộ gia đình ở thôn Quyết Thắng đã hiến 11.660m2 đất rừng và tài sản trên đất để mở tuyến đường giao thông mới, với tổng trị giá tài sản khoảng 300 triệu đồng.

Bình quân mỗi hộ hiến từ 500 đến 700m2 đất, điển hình như hộ ông Trần Quốc Cảm đã hiến trên 1.000m2 và 50 cây trầm dó khoảng 3-5 năm tuổi để xây dựng tuyến đường chiều dài trên 1,5km, rộng 3m, với tổng dự toán 2,9 tỷ đồng.

Ông Trần Quốc Cảm, thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân chia sẻ: “Khi hiểu rõ lợi ích, ý nghĩa của việc hiến đất để xây dựng NTM, nhiều người dân chúng tôi không ngại đóng góp, người góp công, người góp của. Chỉ cần có lợi ích cho dân, chúng tôi sẵn sàng tự nguyện hiến đất. Nhìn sự thay đổi của quê hương cũng khiến chúng tôi vui mừng và tự hào vì mình làm được việc ý nghĩa”.

Tại thị xã Ba Đồn, trong 10 năm thực hiện xây dựng NTM, nhờ làm tốt phong trào “Dân vận khéo”, Nhân dân trên địa bàn đã tự nguyện hiến 5.255m2 đất, 2.200m hàng rào, 128 cổng hàng rào, 13.100 cây trồng các loại và 15.300 ngày công, với tổng trị giá lên đến hơn 44 tỷ đồng.

Theo đó, đến nay, thị xã có 6 xã về đích xây dựng NTM. Số xã còn lại bình quân đạt 17,7 tiêu chí/xã. Bộ mặt nông thôn nhờ vậy đã “thay da, đổi thịt”, đời sống nhân dân được nâng lên.

QUỲNH CHI