Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những cây cầu thấm đẫm nghĩa tình

Thanh Nguyễn - 18:02, 15/04/2021

Ba cây cầu kiên cố lần lượt được xây dựng tại các bản làng vùng sâu huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An). Những cây cầu được xây dựng, là dấu ấn của sự sẻ chia thấm đẫm tình người, là cầu nối quan trọng để bà con dân tộc Thái nơi đây thông thương, buôn bán và hoà nhập với bên ngoài.

Khánh thành cầu bản Quẹ
Khánh thành cầu bản Quẹ

Nối những bờ vui

Bản Quẹ xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông (Nghệ An), một thời được gọi vui là “bản cô đơn”. Nguyên nhân cũng bởi, khi mùa mưa lũ đến, bản thường xuyên bị cô lập, thậm chí nếu nước rút chậm, còn bị chia cắt nhiều ngày. Dù không nói ra thì cũng rất dễ hiểu về một thực tế khó khăn, vất vả trong sinh hoạt hàng ngày, cũng như phát triển sản xuất của 97 hộ dân  với gần 400 nhân khẩu đồng bào Thái nơi đây.

Thế rồi, ngày trọng đại của bản làng đã đến, khi có một cây cầu cứng 3 nhịp dài 29m, rộng 1,8m bằng bê tông vững chãi được dựng lên, bắc qua con suối nối con đường độc đạo dẫn vào bản. Bản Quẹ chấm dứt những năm tháng “cô đơn” vì bị cô lập trong mỗi mùa mưa lũ

Ngày khánh thành  và đưa cầu vào sử dụng (17/1/2021), dân bản bỏ hẳn một ngày đi nương, đi rẫy để ăn mừng. Trước đó, bà con bản Quẹ đã hồ hởi góp gạo, thực phẩm tặng tổ công nhân xây dựng cầu. Có hộ gia đình, chưa đến “lịch” tặng thực phẩm, thì cầu đã xây dựng xong. 

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng bản Quẹ, xã Bình Chuẩn,  rạng rỡ: "Kể từ ngày đưa cây cầu vào sử dụng đầu năm Tân Sửu, bản ta vui lắm. Ai cũng hồ hởi, phấn khởi. Giờ đây nông sản làm ra dễ bán hơn, bà con đi lại thuận tiện, an toàn". 

Một ngày cuối tháng Giêng năm Tân Sửu, những bản làng dọc hai bên bờ con suối Nặm Kai, thuộc bản Kẻ Trai, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông rộn rã tiếng cồng, tiếng chiêng như mùa lễ hội. Ấy là vì người Thái ở Kẻ Trai tổ chức lễ mừng cây cầu mới đang được xây dựng.

Nhìn dòng Nặm Kai trơ toàn sỏi đá, không ai nghĩ nó lại hung dữ khi được tiếp thêm nước, gầm gào suốt mùa lũ. Mỗi mùa lũ về, bản Kẻ Trai trở nên biệt lập, như một ốc đảo giữa mênh mông nước dữ. 

Gắn bó hơn nửa đời người với bản Kẻ Trai, lớn lên bên dòng Nặm Kai, già Lê Thị Hương kể lại rằng, mùa mưa lũ nước dâng cuồn cuộn, chảy xiết cuốn trôi nhiều ngô, lúa của dân làng rồi. Năm nào cùng làm cầu tạm, được ít bữa lại bị trôi mất. Có năm làm cầu đến 2 lần nhưng học sinh vẫn phải nghỉ học vì nước dâng cao quá, không thể qua suối.

Cũng ở xã Thạch Ngàn, một cây cầu cứng đã được động thổ xây dựng bắc qua dòng Khe Xan, nối giữa bản Tổng Xan và bản Kẻ Tre đầu năm Tân Sửu. Hiện nay, mới chỉ có đường giao thông từ trung tâm huyện đến bản Tổng Xan. 

Còn bản Kẻ Tre, với 88 hộ dân, hơn 400 nhân khẩu nằm phía bên kia bờ con suối Khe Xan chảy giữa hai bên núi đồi. Mọi giao thương đi lại của người dân Kẻ Tre được kết nối với các vùng khác bằng chiếc cầu tạm duy nhất, làm bằng tre, mét, gỗ do người dân đóng góp.

Ông Võ Đình Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn  nhớ lại: Vào mùa mưa lũ, nhiều lần dân bản bị chia cắt cả nửa tháng trời do nước dâng quá cao, lại không có cầu cứng. Mọi sinh hoạt, giao thương, đi lại của người dân, học hành của con em đều bị đình trệ. Hai cây cầu mới sẽ kết nối, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con, để những đứa trẻ đến trường bình yên hơn…

Ông Phạm Trọng Bình (ngoài cùng bên trái) cùng người dân bản Quẹ thăm cây cầu mới
Ông Phạm Trọng Bình (ngoài cùng bên trái) cùng người dân bản Quẹ thăm cây cầu mới

Những người thầm lặng sau mỗi cây cầu

Đến Bình Chuẩn, Thạch Ngàn, thật vui khi nghe bà con dân bản mách rằng, có một cán bộ huyện tên Bình đứng ra kêu gọi, kết nối các nhà hỏa tâm xây tặng Nhân dân huyện Con Cuông 3 cây cầu trị giá nhiều tỷ đồng.

Tôi đã tìm gặp người cán bộ ấy. Hóa ra, anh là Phạm Trọng Bình, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông. 

Anh Bình khiêm tốn: "Kinh phí là của nhà hảo tâm; tập thể cơ quan Huyện ủy, UBND huyện ra lời kêu gọi… còn tôi chỉ có công kết nối mà thôi". 

Rồi anh Bình cho biết thêm, anh có người bạn làm thiện nguyện ở Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ Xuân Mai (Hà Nội). Năm nào họ cũng quyên góp quà trao tặng đồng bào nghèo dịp Tết. Anh đề nghị họ nên hỗ trợ một công trình nào đó, như cầu hoặc nhà ở vì nó sẽ bền lâu hơn, còn quà tặng chỉ có ý nghĩa ở một thời điểm. Anh bạn đồng ý và báo cáo về cơ quan. Một thời gian ngắn sau đó, cây cầu đầu tiên ở bản Quẹ được khởi công và hoàn thành sau 13 ngày.

Từ những cuộc kết nối, những người bạn lại giới thiệu để anh Phạm Trọng Bình gặp gỡ những nhóm thiện nguyện khác. Anh Bình hớn hở báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy rồi xin chủ trương. Được cấp trên đồng ý, anh cùng một số người ra Hà Nội gặp nhóm thiện nguyện và được họ “gật đầu” hỗ trợ 2 cây cầu đang xây dựng ở Thạch Ngàn.

Phụ trách lĩnh vực Dân vận và Mặt trận đã giúp anh Phạm Trọng Bình có cơ hội, điều kiện tiếp cận với các nhà hảo tâm trên mọi miền Tổ quốc. Từ những trăn trở, khát khao của bà con về một cây cầu vững chãi, anh Bình đã mang trọn nỗi niềm ấy truyền đến các nhà hảo tâm, thuyết phục được tấm lòng nhân ái, sẻ chia của họ. Ba cây cầu cứng ở Bình Chuẩn, Thạch Ngàn là minh chứng rõ nét nhất cho sự đồng cảm vì dân, vì trách nhiệm với lĩnh vực được giao phụ trách, và bên cạnh anh Bình là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị huyện Con Cuông.

Ba bản Quẹ, Kẻ Trai, Kẻ Tre có tỉ lệ hộ nghèo tương đối cao, đời sống người dân đa số còn gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền cũng như một số tổ chức, cá nhân đã về trao tặng quà cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách bằng tặng tiền và hiện vật. Anh Bình nêu quan điểm: Những món quà ấy chỉ giúp cho các hộ gia đình trong một thời điểm. Rồi họ lại vẫn cứ nghèo, vẫn chưa thể có nguồn lực để tự vươn lên. Việc xây cầu là sự hỗ trợ lâu dài, cốt lõi có tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống người dân những nơi được thụ hưởng. Vì vậy, tất cả người dân đều đón nhận rất phấn khởi.

Tạm biệt những người Thái ở bản Quẹ, Kẻ Trai, Kẻ Tre; trong tôi vẫn còn chộn rộn một niềm vui lớn. Những chiếc cầu ở ba bản vùng sâu huyện Con Cuông không chỉ gieo lên niềm tin về cuộc sống mới, lắng đọng bao xúc cảm của tình người; mà trước hết có cầu, học sinh không phải nghỉ học, người dân có thể đi lại thuận tiện để phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Câu hát năm nào chợt văng vẳng bên tai: “Nhịp cầu nối những bờ vui…".