Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những câu hỏi từ công tác giảm nghèo

PV - 09:22, 26/09/2018

Trong những năm qua, nguồn lực dành cho Chương trình giảm nghèo là rất lớn. Cả xã hội cùng chung tay vì người nghèo với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” nhưng các báo cáo cho thấy, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao, không hợp lý giữa các vùng miền, số hộ nghèo người có công tương đối lớn. Những thách thức trong công cuộc giảm nghèo và thúc đẩy thịnh vượng của Việt Nam còn ở phía trước. Cần tìm giải pháp hữu hiệu để giảm nghèo bền vững.

Bài 3: Giải pháp nào để giảm nghèo bền vững?

Cần nhận diện chính xác, công bằng tình trạng nghèo

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra trong công tác giảm nghèo thời gian qua. Trong khi cơ chế chính sách, con người, nguồn lực như nhau, nhưng có nơi tốc độ giảm nghèo nhanh, có nơi rất chậm, thậm chí số người nghèo phát sinh rất lớn. Có hay không tình trạng trục lợi chính sách?. Liệu chính sách có đến đúng đối tượng, đúng mục đích đặt ra hay không? Vì sao số huyện thoát nghèo lại ít hơn số huyện bổ sung vào danh sách huyện nghèo? Những câu hỏi này cần phải tìm được lời giải chính xác.

Cần nhận diện công bằng và chính xác tình trạng nghèo để có bước đi hiệu quả. Cần nhận diện công bằng và chính xác tình trạng nghèo để có bước đi hiệu quả.

Ngoài yếu tố khách quan là thiên tai, bão lũ, cần đánh giá nguyên nhân chủ quan một cách chính xác. Cần xác định rõ trách nhiệm của từng địa phương trong công tác giảm nghèo, chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp chính quyền trong công tác này. Cần giảm nghèo tập trung từng đối tượng. Cần đánh giá khen thưởng các điạ phương làm tốt, xử lý nghiêm các địa phương làm chưa tốt trong công tác giảm nghèo.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, cần tích hợp, thu gọn đầu mối quản lý chính sách dân tộc, tập trung vào những vấn đề căn cốt nhất như: hạ tầng, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, tạo sinh kế, đất đai, vốn, sinh kế. Nên tính đến địa bàn đặc thù, dân tộc đặc thù cho từng vùng miền cụ thể. Thời gian tới, việc phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi phải tính toán hợp lý, khoa học, đảm bảo khách quan, công bằng hơn để làm cơ sở triển khai chính sách dân tộc, đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu: các cấp chính quyền cần nhận diện chính xác, công bằng tình trạng nghèo của địa phương mình để tìm ra giải pháp phù hợp. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội và các cấp chính quyền, không thể trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách của nhà nước; làm rõ nguyên nhân của tình trạng nhiều hộ không muốn thoát nghèo; cần nhân rộng các mô hình thoát nghèo hiệu quả…

Nhân rộng các mô hình giảm nghèo theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là rất quan trọng. Đơn cử như mô hình “3 công chức giúp một hộ thoát nghèo” ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là cách làm đầy sáng tạo, hiệu quả. Cái hay là các hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Từ đầu năm 2015, huyện Nam Trà My triển khai cuộc vận động “3 công chức, lao động giúp một hộ thoát nghèo”. Trong năm 2015, có gần 400 hộ ở 10 xã đăng ký thoát nghèo và có 150 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo vượt trên chuẩn cận nghèo. Với sự hỗ trợ của chính quyền huyện và sự hướng dẫn có trách nhiệm của các công chức, viên chức, trong năm 2015, toàn huyện đã có 435 hộ thoát nghèo… Năm 2018, huyện Nam Trà My đặt ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7-8% trên toàn huyện và đã có 244 hộ đăng ký thoát nghèo trong đợt I.

Can thiệp có mục tiêu

Cùng với những giải pháp trên, Việt Nam cần tranh thủ sự hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Những khuyến nghị của cộng đồng quốc tế là bài học quý cho Việt Nam trong công tác giảm nghèo.

Xóa nghèo cùng cực và thúc đẩy sự thịnh vượng chung là hai mục tiêu của Ngân hàng Thế giới nhằm hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo Báo cáo cập nhật về đói nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam năm 2018 được công bố bởi Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị: Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì việc làm và tăng lương mà không giảm khả năng cạnh tranh; thực hiện cải cách giáo dục nhằm đảm bảo sự công bằng trong các cơ hội và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thông qua thay đổi mô hình sử dụng đất nông nghiệp; tăng cường quyền sử dụng đất và nâng cao kỹ năng cho nông dân nghèo…

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã chỉ ra: Chương trình giảm nghèo đang thay đổi chứ không đứng yên. Khi thoát nghèo, khát vọng của người dân thay đổi, chuyển trọng tâm từ chỗ chỉ đơn thuần là ăn no mặc ấm, đến mục tiêu kiếm đủ tiền để đảm bảo về kinh tế và sống cuộc sống của tầng lớp trung lưu. Điều này lại đòi hỏi thu nhập trong tương lai thậm chí phải tăng với tốc độ cao hơn. Chương trình nghị sự không chỉ là tạo công ăn việc làm, mà tạo việc làm và cơ hội kinh tế tốt hơn. Cần hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế tư nhân, sáng tạo và công nghệ, có thể giúp đánh thức tiềm năng. Ngay cả khi đa số mối quan tâm của người dân chuyển sang nâng cao chất lượng cuộc sống, nên phải lưu tâm hỗ trợ người nghèo những gì thật cần thiết và thực hiện các can thiệp có mục tiêu, đem lại hy vọng và tạo cơ hội để người nghèo cũng có thể hưởng lợi từ những tiến bộ chung trong xã hội.

Đồng thời, thực hiện những đầu tư cơ sở hạ tầng để kết nối người nghèo với các cơ hội kinh tế tốt hơn. Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp để người nghèo ở nông thôn, đặc biệt là ở miền núi, có thể trồng trọt hoặc tham gia các hoạt động nông nghiệp mang lại giá trị cao nhất ở đó. Cần tạo cơ hội để trẻ em từ mọi thành phần có cơ hội được học tập vui chơi và vươn lên phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học tốt và xây dựng các kỹ năng để sinh viên ra trường có công việc tốt trong tương lai…

Công cuộc giảm nghèo còn dài và không ít những gian nan. Khi cả hệ thống chính trị chung tay cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần nhận diện chính xác tình trạng nghèo để có bước đi hiệu quả…

Các cấp chính quyền cần nhận diện chính xác, công bằng tình trạng nghèo của địa phương mình để tìm ra giải pháp phù hợp. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội và các cấp chính quyền, không thể trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách của nhà nước; làm rõ nguyên nhân tình trạng nhiều hộ không muốn thoát nghèo; cần nhân rộng các mô hình thoát nghèo hiệu quả…” (Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân)

THANH HUYỀN