Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhu cầu được hỗ trợ nhà ở - Vấn đề cấp bách của người dân miền núi Nghệ An

An Yên - 11:06, 04/07/2023

Hiện nay, ở vùng DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An vẫn còn hàng ngàn hộ dân đang canh cánh nỗi lo, vì đang sống trong những căn nhà tạm, dột nát, trong khi mùa mưa bão đã cận kề...

Nhà ở của cha con ông Mạc Văn Thìn ở bản Ang, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương
Nhà ở của cha con ông Mạc Văn Thìn ở bản Ang, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương

Theo nội dung số 2, Dự án 1, Chương trình MTQG 1719 thì, đối tượng được hỗ trợ nhà ở là hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Hiện nay, việc thực hiện nội dung này vẫn đang được các địa phương quyết liệt triển khai. Tuy nhiên, mùa mưa bão năm 2023 đã cận kề, nhưng số lượng hộ dân có nhu cầu xây dựng mới, cũng như sửa chữa nhà ở rất nhiều, đang đặt ra không ít thách thức cho chính quyền các địa phương ở vùng DTTS và miền núi Nghệ An.

Tại huyện Kỳ Sơn, ngoài chương trình hỗ trợ nhà ở do Bộ Công an thực hiện, thì qua khảo sát, nhu cầu cần hỗ trợ nhà ở của người dân trên toàn huyện trong năm 2023 là 1.039 hộ. Ông Phạm Văn Hòa - Phó phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện được bố trí hơn 5 tỷ đồng để thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở theo Dự án 1.

Nhà sàn của gia đình ông Lương Văn Quế ở xã Quang Phong huyện Quế Phong đã xuống cấp
Nhà sàn của gia đình ông Lương Văn Quế ở xã Quang Phong, huyện Quế Phong xuống cấp xập xệ

Về tiến độ thực hiện, ông Hòa cho rằng, với nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở được Trung ương giao vốn đầu tư, thì định mức hỗ trợ thấp. Mỗi căn nhà làm mới được hỗ trợ 40 triệu đồng và sửa chữa được hỗ trợ 20 triệu đồng nên khó thực hiện. Chưa kể, quá trình thực hiện phải theo thủ tục đầu tư như lập dự án, thẩm định, phê duyệt, mở mã số dự án... rất phức tạp và khó xây dựng được những ngôi nhà phù hợp với phong tục tập quán, cũng như tình hình nội lực của các hộ gia đình được thụ hưởng. Họ là hộ nghèo thì lấy đâu ra tiền, vay vốn thì lấy đâu để trả lãi ngân hàng. Thêm vào đó, một số hộ đơn thân, già cả thì còn khó khăn hơn nữa.

Cùng quan điểm nay, ông La Văn Thái - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tương Dương bày tỏ: Mức hỗ trợ làm mới 40 triệu đồng và sửa chữa 20 triệu đồng là quá thấp. Việc thực hiện tại địa phương đang gặp khó khăn do lực lượng lao động trẻ đi làm ăn xa, ở nhà chỉ người già và trẻ em nên triển khai chậm.

Tại huyện Tương Dương, nhu cầu về nhà ở của hộ nghèo và cận nghèo năm 2023 trên địa bàn huyện là 2.913 hộ; trong đó, 1.749 có nhu cầu xây mới và 1.164 có nhu cầu sửa chữa (đã trừ những căn nhà theo kế hoạch hỗ trợ của Bộ Công an). 

Nhu cầu lớn là vậy, nhưng kế hoạch phê duyệt theo nội dung 2, Dự án 1, Chương trình MTQG 1719 dành cho huyện Tương Dương lại quá “khiêm tốn”. Ông Nguyễn Phùng Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương xác nhận: Kế hoạch năm 2022, huyện có 10 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở, với suất đầu tư mỗi hộ 40 triệu đồng. 

Hiện nay, 10 hộ này đã đủ điều kiện hỗ trợ nên huyện đã ban hành quyết định phê duyệt và đã chuyển tiền cho xã Lượng Minh thực hiện (bản Minh Phương 6 hộ, bản Lả 3 hộ, Xốp Mạt 1 hộ). Nhưng năm 2023, huyện không được phê duyệt hỗ trợ cho hộ nào.

Nhà ông La Văn Tiến ở bản Cánh TRáp xã Tam Thái huyện Tương Dương
Bao năm qua, cứ đến mùa mưa bão, gia đình ông La Văn Tiến ở bản Cánh Tráp, xã Tam Thái, huyện Tương Dương lại canh cánh nỗi lo

Một thực tế hiện nay, việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đang có sự chồng chéo giữa một số chủ trương. Theo nội dung số 2, Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, thì hỗ trợ làm nhà mới là 40 triệu đồng/hộ. Nhưng, một số chương trình hỗ trợ khác (chương trình hỗ trợ nhà ở do Bộ Công an hỗ trợ) lại là 50 triệu đồng/hộ, dẫn đến người dân băn khoăn và các địa phương thì khó khăn trong triển khai thực hiện cũng như giải thích cho người dân.

Không chỉ định mức hỗ trợ thấp, mà tiến độ thực hiện tại các địa phương đang rất chậm so với kế hoạch. Hiện tại, số hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở trên địa bàn huyện Quỳ Châu là 1.112 hộ. Trong kế hoạch vốn giao cũng như kết quả giải ngân thì, vốn đầu tư phát triển giao giai đoạn 2021 - 2025 là 2,52 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển giao năm 2022 - 2023 là 1,32 tỷ đồng (trong đó: Năm 2022: 440 triệu đồng; Năm 2023: 880 triệu đồng). 

Về tiến độ, kết quả thực hiện của năm 2022, huyện Quỳ Châu đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách hộ gia đình thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở năm 2022 (là 11 hộ) còn đối với nguồn vốn kế hoạch năm 2023, thì vẫn chưa triển khai thực hiện.

Qua khảo sát, tỉnh Nghệ An đang có 15.300 hộ nghèo, hộ đang gặp khó khăn về nhà ở; trong đó có 9.200 hộ có nhu cầu xây mới nhà ở và hơn 6.100 hộ có nhu cầu sửa chữa nhà ở. Theo kế hoạch, chương trình hỗ trợ nhà ở của Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ xây dựng 2.420 nhà ở cho 2.420 hộ nghèo, người có khó khăn về nhà ở tại 6 xã biên giới của tỉnh Nghệ An là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong. Dự kiến 19/8/2023, những căn nhà cuối cùng nằm trong chương trình này sẽ hoàn thành. Thêm vào đó, những căn nhà đầu tiên theo chương trình MTQG 1719 cũng đang gấp rút hoàn thiện.

Người dân và lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn đang hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, người có khó khăn về nhà ở
Người dân và lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn đang hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, người có khó khăn về nhà ở

Theo tính toán, nếu trừ những hộ đã được hỗ trợ nhà từ các chương trình (Chương trình MTQG 1719, chương trình hỗ trợ của Bộ Công an và tỉnh Nghệ An…), thì hiện trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn có khoảng 12.000 hộ nghèo, hộ đang gặp khó khăn về nhà ở cần được quan tâm, hỗ trợ.

Điều trăn trở là, những hộ có nhu cầu về nhà ở, đa phần họ đang phải sinh sống trong những căn nhà tạm, dột nát, hư hỏng hoặc ở nhờ nhà người thân quen rất bất tiện, hoặc ở trên những phần đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng... Nhu cầu của người dân về nhà ở là rất cấp bách, đặc biệt mỗi khi mùa mưa bão cận kề, bà con phải sống trong sự bất an với nỗi lo canh cánh.