Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhọc nhằn con chữ trên bản Tà Ry

Khánh Ngân - 11:39, 09/11/2021

Chúng tôi đã có chuyến đồng hành cùng các thầy cô giáo vượt đèo dốc vào bản Tà Ry để cảm nhận nỗi nhọc nhằn và tình yêu con trẻ của những người mang sứ mệnh "gieo chữ" nơi đây.

Hành trình vượt dốc Ta Ty 2 của Thầy Đinh Văn Minh, dạy Tiểu học ở điểm trường Ra Ty
Hành trình vượt dốc Tà Ty 2 của Thầy Đinh Văn Minh, dạy Tiểu học ở điểm trường Ra Ty

Hành trình đi “gieo chữ”

Từ thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đi xe máy đến bản Tà Ry, xã Húc (huyện Hướng Hóa) dừng lại gửi xe ở nhà người dân bên đường, chúng tôi cùng cô giáo Hoàng Thị Loan bắt đầu cuộc hành trình đi bộ vào điểm trường Mầm non Ra Ty, xã Hướng Lộc (Hướng Hóa).

Theo hướng dẫn kèm theo lời cảnh báo, tôi mang cho mình đôi ủng để bắt đầu theo chân cô giáo Loan vào điểm trường Ra Ty. Không quên khoác riêng cho mình chiếc áo mưa tiện lợi chấm bi xanh chống sương, cô Loan giục tôi nhanh chân. Con đường mà cô Loan vẫn thường ngày đến trường hun hút phía trước. Chưa được chục bước chân, đã thấy phía trước lầy lội, nhão nhoẹt bùn đất. Vượt con dốc trơn trượt như muốn đứt hơi, như hiểu cô Loan cười nói: Đây là dốc Tà Ty 2, một trong những “cửa ải” cam go trong hành trình của chúng ta, cố lên!

Cô Hoàng Thị Loan trên “hành trình” thường ngày đến điểm trường Mầm non Ra Ty
Cô Hoàng Thị Loan trên “hành trình” thường ngày đến điểm trường Mầm non Ra Ty

Đến đoạn đường như khô hơn, bằng hơn, cô Loan chia sẻ, gần 7 năm gắn bó với mảnh đất Hướng Lộc, đây là năm thứ 2 cô vào giảng dạy ở bản Ra Ty, điểm trường khó khăn nhất của Trường Mầm non xã Hướng Lộc.

Sau gần 1 giờ đồng hồ bì bõm đi bộ qua cung đường trơn trượt và bùn đất, vượt dốc, chúng tôi cũng đến được điểm trường Mầm non Ra Ty. Điểm trường  là ngôi nhà khang trang, có nhà nội trú cho giáo viên vừa mới được xây dựng sau trận lũ năm 2020. Trường có 24 trẻ, các cháu đều là con em đồng bào Bru Vân Kiều. Không thể ra trường chính để học do đường đi quá khó khăn, lại xa, ngành Giáo dục đã bố trí điểm mầm non và điểm tiểu học ở Ra Ty, để các em tiện đến lớp. Và thế là, các thầy giáo, cô giáo lại ngược đường lên đỉnh Trường Sơn “gieo chữ”.

Vừa tới trường, cũng là lúc cô giáo Lê Thị Thúy An, cũng ở điểm trường, đứng ở cửa lớp để đón các em học sinh đến sớm.

“Tôi nhận công tác ở Trường Mầm non xã Hướng Lộc đến nay tròn 3 năm. Và đây cũng là năm thứ 2, tôi cùng với cô Loan xung phong lên điểm trường Mầm non Ra Ty. Mặc dù cơ sở vật chất, bàn ghế lớp học ở điểm trường đã được xây dựng, đầu tư khá hơn trước kia. Nhưng cái khó khăn nhất mà hầu hết thầy cô gặp phải là, đường vào các điểm trường lẻ vô cùng vất vả gian nan. Cứ sau mỗi ngày đi dạy về nhà, đêm đến nằm nghe tiếng mưa rơi ngoài trời là chúng tôi lại lo lắng về cung đường đến trường ngày mai", cô An tâm sự.

Điểm trường tiểu học Thôn Tri (xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị)
Điểm trường tiểu học Thôn Tri (xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị)

Ở thôn Ra Ty, ngoài điểm trường Mầm non, còn có một điểm trường Tiểu học. Tất cả các thầy giáo, cô giáo đều phải trải qua hành trình vào điểm trường đầy vất vả như cô Loan, cô An. Bởi yêu nghề mến trẻ, các giáo viên vẫn miệt mài ngược dốc để “gieo chữ” như vậy.

“Cắm bản” cùng học sinh Bru Vân kiều

Điểm trường Tiểu học thôn Tri, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa có 25 học sinh, từ lớp 1 - 4. Tất cả đều là con em đồng bào Bru Vân Kiều. Trường học chỉ có 1 phòng học được ngăn làm đôi, 2 cô giáo phụ trách. Có 4 lớp mà chỉ có 2 cô, một phòng học ngăn làm đôi… đó là nỗi nhọc nhằn của những giáo viên cắm bản để những âm, vần “ê, a…” luôn  được vang vọng trên đỉnh Trường Sơn.

Cô giáo “cắm bản” Trần Thị Hằng miệt mài “gieo chữ” cho học sinh Bru Vân Kiều
Cô giáo “cắm bản” Trần Thị Hằng miệt mài “gieo chữ” cho học sinh Bru Vân Kiều

Là giáo viên trẻ, cô Trần Thị Hằng chọn cho mình cách “cắm bản” mà không đi về trong ngày, vì quãng đường 75km từ nhà đến điểm trường thôn Tri là quá xa. Kết thúc vào chiều thứ Sáu, với hành trình ngược lại, chỉ cần mưa nhỏ là phải ở lại trường…

Cô Hằng được phân công dạy lớp ghép 1 và 4, trong cùng một không gian (nửa phòng học), bảng được chia thành 2 phần, một phần dành cho các em học sinh lớp 1, một phần dành cho học sinh lớp 4. Cứ thế, giảng bài cho học sinh lớp 4 một lúc, cô lại tất tưởi quay sang phần bảng của học sinh lớp 1.

“Cắm bản” cùng cô Hằng tại điểm Tiểu học thôn Tri còn có cô Dương Thị Mỹ Hạnh. Cô Hạnh phụ trách nửa phòng học còn lại, được ngăn cách bởi tấm la phông khung sắt, với các em học sinh lớp 2 và lớp 3. Phần lớp học của cô Hạnh có phần rộng hơn, được chia 2 dãy bàn, 1 dãy cho học sinh lớp 2, dãy còn lại là học sinh lớp 3 ngồi. 

Cũng như cô Hằng, vừa tất bật với học sinh lớp 2 xong, cô Hạnh lại quay sang giảng dạy cho các em học sinh lớp 3. Công việc cứ thế ngày này qua ngày khác. Cuối tuần, nếu không có mưa thì cô mới được về với gia đình. Vào mùa mưa lũ, gần như các cô ở lại suốt với bà con dân bản, vì đường về qua cầu, qua tràn rất nguy hiểm.

Lớp học ghép 1, 4 ở điểm trường thôn Tri
Lớp học ghép 1, 4 ở điểm trường thôn Tri

Đêm xuống, trong màn sương mù trên đỉnh Trường Sơn, ánh điện trong điểm trường thôn Tri trở nên le lói. Những học sinh ở gần, học sinh yếu được các cô thông báo đến trường để các cô dạy kèm, phụ đạo thêm. Đêm giữa núi rừng trở nên ấm áp bỡi tiếng  đọc bài ê, a...