Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhìn lại mô hình cộng đồng tham gia quản lý rừng: Hiệu quả từ sự chung tay (Bài 1)

Sỹ Hào - 10:00, 22/06/2023

Cộng đồng tham gia quản lý rừng là một trong những hình thức quản lý rừng đã và đang được thực hiện tại một số địa phương. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và phù hợp với tập quán sản xuất truyền thống của cộng đồng các DTTS. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản cả về hành lang pháp ý cũng như cơ chế, chính sách để nhân rộng và làm tăng thêm hiệu quả của mô hình này.

Cộng đồng tham gia bảo vệ rừng thuộc KBTTN Bát Xát, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: TL)
Cộng đồng tham gia bảo vệ rừng thuộc KBTTN Bát Xát, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: TL)

Được triển khai bằng nhiều hình thức, mô hình quản lý rừng cộng đồng đã mang lại hiệu quả, không chỉ bảo vệ và phát triển rừng mà còn đem lại thu nhập cho cộng đồng, người dân trực tiếp tham gia. Từ mô hình này, tài nguyên rừng đã gia tăng giá trị, góp phần phát triển bền vững cho các địa phương có rừng.

Chung tay bảo vệ tài nguyên

Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Bát Xát, tỉnh Lào Cai có diện tích 18.637 ha (trong đó hơn 15.000 ha là rừng tự nhiên) trải rộng trên địa bàn 5 xã: Y Tý, Dền Sáng, Sảng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và Nậm Pung. Đây là KBTTN có hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Qua khảo sát, điều tra sơ bộ, Khu bảo tồn hiện có trên 976 loài thực vật rừng, trong đó có 137 loài thực vật rừng nguy cấp quý hiếm cần được bảo vệ, có 44 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và trên thế giới; trên 173 loài động vật, trong đó có 52 loài là loài đặc hữu quý hiếm cần được bảo vệ.

Theo ông Ngô Kiên Trung - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm kiêm Trưởng Ban quản lý (BQL) KBTTN Bát Xát, để quản lý tốt tài nguyên thiên nhiên quý giá này, công tác bảo vệ rừng được đơn vị triển khai thực hiện nghiêm ngặt. Riêng năm 2022, BQL KBTTN Bát Xát đã tổ chức trên 800 đợt tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, theo ông Trung, do có địa hình chia cắt mạnh, nhiều núi cao, vực sâu hiểm trở và lực lượng khu bảo tồn mỏng so với diện tích được giao quản lý nên công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại KBTTN Bát Xát gặp nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là nhận thức của người dân bản địa về giá trị đa dạng sinh học của khu bảo tồn còn hạn chế; nhiều hộ dân trong khu vực đã trồng cây thảo quả và sấy khô thảo quả ngay tại lõi rừng dẫn tới nguy cơ cháy rừng cao…

Một chuyến tuần rừng thuộc KBTTN Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: baothuathienhue.vn)
Một chuyến tuần rừng thuộc KBTTN Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Để tăng cường bảo vệ rừng đặc dụng, bảo vệ đa dạng sinh học, BQL KBTTN Bát Xát đã trực tiếp ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho các thôn bản trên địa bàn 5 xã. Người dân các thôn bản bầu ra Tổ bảo vệ rừng; các tổ thực hiện tuần tra bảo vệ rừng định kỳ hằng tháng (ít nhất 2 lần/tháng). Hiện, đơn vị đã ký hợp đồng giao khoán cho 32 Tổ bảo vệ rừng ở tất cả các thôn trên địa bàn, với tổng diện tích giao khoán là hơn 16.000 ha, nhờ đó, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt.

Ông Lý A Xóa, thành viên Tổ Bảo vệ rừng thôn Pờ Chồ Cao (xã Trung Lèng Hồ) cho biết, mỗi đợt tuần rừng, tổ đi vào sâu trong những cánh rừng nhằm phát hiện sớm những vi phạm trong công tác bảo vệ rừng; đồng thời tuyên truyền để Nhân dân địa phương hiểu rõ ý nghĩa của việc bảo vệ rừng.

“Chúng tôi tuyên truyền cho dân không chặt phá rừng, chú ý phòng chống cháy rừng. Trong rừng có gấu, lợn rừng, nai rừng, sóc… hay các loại thú rừng khác nên cũng tuyên truyền cho bà con phải bảo vệ động vật hoang dã”, ông Xóa chia sẻ.

Nhiều hình thức bảo vệ rừng

Việc BQL KBTTN Bát Xát ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho các thôn bản là một trong những hình thức triển khai mô hình quản lý rừng cộng đồng được Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thí điểm thực hiện trong thời gian qua ở một số địa phương. Đây là hình thức hợp tác giữa chủ rừng là các BQL rừng, các công ty lâm nghiệp với các cộng đồng, nhóm hộ gia đình hoặc hộ gia đình; là hình thức hợp tác quản lý rừng giữa các tổ chức Nhà nước với người dân địa phương.

Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp, cả nước hiện có 167 BQL rừng đặc dụng, 216 BQL rừng phòng hộ, 112 công ty lâm nghiệp. Hằng năm, các BQL rừng đã khoán trên 1,3 triệu ha rừng cho cộng đồng; các công ty lâm nghiệp cũng khoán hàng nghìn ha cho cộng đồng, mang lại hiệu quả cao trong bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Cùng với diện tích rừng được hợp đồng giao khoán cho cộng đồng bảo vệ thì một hình thức khác cũng mang lại hiệu quả cao là giao rừng cho cộng đồng quản lý và sử dụng. Số liệu trích dẫn tại Quyết định số 2869/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/7/2022 về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021 của Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước đã có trên 10.000 cộng đồng đang quản lý, sử dụng 989.827 ha rừng; trong đó có 524.477 ha đã giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng cho cộng đồng.

Nhiều diện tích rừng được cộng đồng quản lý, bảo vệ trử thành điểm du lịch hấp dẫn. (Trong ảnh: Rừng đặc dụng cảnh quan Săng Lẻ tại bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An được nhóm 11 hộ gia đình nhận khoán bảo vệ là điểm “check in” lý tưởng trên Quốc lộ 7)
Nhiều diện tích rừng được cộng đồng quản lý, bảo vệ trở thành điểm du lịch hấp dẫn. (Trong ảnh: Rừng đặc dụng cảnh quan Săng Lẻ tại bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An được nhóm 11 hộ gia đình nhận khoán bảo vệ là điểm “check in” lý tưởng trên Quốc lộ 7)

Với việc giao rừng cho cộng đồng, các thành viên cộng đồng tự hợp tác với nhau thành lập hệ thống tổ chức quản lý rừng, xây dựng hương ước, cơ chế hưởng lợi, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” tổ chức ngày 4/4/2023 tại Đăk Lăk, quản lý rừng cộng đồng từng bước được thừa nhận là một trong các phương thức quản lý rừng hiệu quả.

Tại Hội thảo này, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, ngoài các hình thức nêu trên, công tác quản lý rừng còn được thực hiện bằng hình thức tuần tra bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng, bắt đầu từ năm 2004 ở một số BQL rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đây là cách thức thu hút cộng đồng, sử dụng kiến thức bản địa, gắn kết trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng cùng tuần tra bảo vệ rừng. Các BQL rừng hỗ trợ cộng đồng phát triển sinh kế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; phổ biến kỹ thuật canh tác…

“Ngoài ra, còn hình thức đồng quản lý rừng bằng cơ chế thành lập Hội đồng quản lý rừng. Đây là một trong các cách thức hợp tác quản lý rừng giữa BQL rừng hoặc công ty lâm nghiệp với cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và chia sẻ lợi ích từ rừng, bắt đầu được thí điểm từ năm 2012”, ông Bảo cho biết.

Gắn trách nhiệm và quyền lợi

Để công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, thì việc bảo đảm quyền lợi của cộng đồng được ngành Lâm nghiệp đặc biệt quan tâm thực hiện. Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ; các cộng đồng có thêm nguồn thu nhập, từ đó tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng.

Đơn cử tại thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), cộng đồng thôn được giao quản lý, bảo vệ gần 560 ha rừng tự nhiên thuộc vùng đệm KBTTN Phong Điền, đã được chi trả 516 triệu đồng tiền DVMTR. Nguồn kinh phí này được sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR, có xác nhận của chính quyền địa phương. Hay tại Bát Xát (Lào Cai), 32 Tổ bảo vệ rừng của KBTTN Bát Xát, từ nguồn quỹ chi trả DVMTR, bình quân mỗi năm BQL KBTNT chi trả khoảng 6 tỷ đồng cho hàng nghìn hộ đồng bào trên địa bàn 5 xã tham gia nhận khoán, bảo vệ rừng…

Trong điều kiện lực lượng chức năng còn mỏng thì việc huy động cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng là rất cần thiết. (Ảnh minh họa)
Trong điều kiện lực lượng chức năng còn mỏng thì việc huy động cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng là rất cần thiết. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp, giai đoạn 2017 - 2022, cả nước đã có 5.892 cộng đồng, thôn bản, nhóm hộ được nhận 2.029 tỷ đồng tiền DVMTR. Các cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng được chi trả bình quân 50 triệu đồng/cộng đồng/năm. Ngoài ra, trong giai đoạn này có 259.139 hộ gia đình, cá nhân đã nhận được 943 tỷ đồng tiền DVMTR.

“Tiền DVMTR chiếm bình quân khoảng 20% thu nhập hằng năm của khoảng 250 nghìn hộ gia đình, cá nhân làm nghề rừng, góp phần cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế, thúc đẩy phát triển sản xuất cho đồng bào miền núi”, báo cáo của Cục Lâm nghiệp khẳng định.

Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, với việc chia sẻ lợi ích từ rừng, hiện cả nước có hàng trăm mô hình quản lý rừng cộng đồng có hiệu quả. Các mô hình này đã góp phần phát triển cộng đồng, nâng cao nhận thức và năng lực quản lý, bảo vệ rừng, tạo mối liên kết giữa cộng đồng với các đơn vị lâm nghiệp, giảm xung đột lợi ích từ rừng. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Cục Lâm nghiệp, mỗi hình thức quản lý rừng cộng đồng có những thành công ở mức độ khác nhau và có những rào cản riêng; các vấn đề về pháp lý, cơ chế, chính sách cần được rà soát, sửa đổi để hợp tác quản lý rừng hiệu quả hơn.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Số liệu trích dẫn tại Quyết định số 2869/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/7/2022 về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021 của Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước hiện có trên 14,745 triệu ha rừng; trong đó rừng tự nhiên là gần 10,172 triệu ha, rừng trồng là hơn 4,573 triệu ha; có gần 2,2 triệu ha rừng đặc dụng và gần 4,7 triệu ha rừng phòng hộ. Tính đến 31/12/2021, diện tích rừng cộng đồng dân cư được giao quản lý, sử dụng là 989.827 ha, chiếm 6,7% tổng diện tích rừng của cả nước; trong đó có 920.827 ha là rừng tự nhiên, rừng trồng là 69.486 ha.