Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhìn lại công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS: Có chiều rộng, chưa có chiều sâu (Bài 1)

Thúy Hồng - 18:21, 10/09/2021

Trong nhiều năm qua, ngành Văn hóa đã có những nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS). Tuy nhiên, việc bảo tồn mới giải quyết được “chiều rộng” mà chưa có “chiều sâu” . Do đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trong giai đoạn tiếp theo, cần có những giải pháp căn cơ, phù hợp thực tiễn hơn.

Nhiều lễ hội văn hóa đã được phục dựng, bảo tồn nhưng việc bảo tồn mới chỉ dừng lại ở “chiều rộng” chưa thực sự đi vào “chiều sâu”. (Trong ảnh: Tái hiện Tết Gơ rơ của đồng bào Khơ Mú ở Nghệ An, tại Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam).
Nhiều lễ hội văn hóa đã được phục dựng, bảo tồn nhưng việc bảo tồn mới chỉ dừng lại ở “chiều rộng” chưa thực sự đi vào “chiều sâu”. (Trong ảnh: Tái hiện Tết Gơ rơ của đồng bào Khơ Mú ở Nghệ An, tại Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam).


Biến đổi văn hóa truyền thống

Dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền đang có xu hướng lấn át, làm mờ nhạt văn hóa bản địa. Một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS không còn lưu giữ được, hoặc bị biến đổi, không đúng nguyên gốc của nó.

Sơn La là vùng đất vốn nổi tiếng với nhà sàn truyền thống của người Thái… Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội và tốc độ đô thị hóa, nét kiến trúc văn hóa này đang có nguy cơ mai một. Điển hình như ở Bản Lầu, phường Chiềng Lề, TP. Sơn La có gần 300 hộ, phần lớn là đồng bào Thái sinh sống, nhưng giờ không còn hộ dân nào ở nhà sàn, mà phần lớn đều xây nhà ống, cao tầng.

Ông Ca Chung, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái ở Sơn La cho biết: Nguyên nhân chính, là do tốc độ phát triển đô thị, quỹ đất thu hẹp, bà con cũng phải làm nhà ở  phù hợp và tiện lợi cho sinh hoạt hằng ngày. Mặt khác, những nếp nhà sàn trước đây đã xuống cấp, muốn làm nhà sàn thay thế cần phải có nhiều gỗ, trong khi bây giờ gỗ không còn nhiều và không được phép khai thác.

Bên cạnh đó, không gian văn hóa bị tác động, xáo trộn, sự xâm nhập văn hóa ngoại lai, dẫn đến thế hệ trẻ ít quan tâm đến việc bảo tồn các phong tục, tập quán, các lễ nghi tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống... Hệ lụy của nó dẫn đến việc thế hệ trẻ có xu hướng “thờ ơ” với văn hóa truyền thống, đối diện với nguy cơ bị xâm lấn, đồng hóa bởi nhiều yếu tố văn hóa khác.

Điển hình như một số lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng của người La Ha ngày càng bị ảnh hưởng, pha trộn lai tạp với bản sắc văn hóa của người Thái, do sống đan xen với cộng đồng người Thái. Xu hướng “Thái hóa” cộng với sự tác động mạnh mẽ của đời sống hiện đại đang bào mòn một số di sản văn hóa còn sót lại của đồng bào dân tộc ít người này.

Đáng lo ngại hơn, một số phong tục tập quán đều là những nét đẹp văn hóa của đồng bào các DTTS vùng cao đang bị biến tướng một cách phản cảm, không phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào, như tục “bắt vợ” của đồng bào Mông, hay tục uống rượu “khát vọng”, “tắm tiên” của đồng bào Thái…

Công tác bảo tồn chưa đạt đến “chiều sâu”

Mặc dù trong những năm qua, từ chủ trương, các chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, các cấp chính quyền, ngành Văn hóa, cộng đồng các DTTS cũng đã triển khai, nỗ lực bảo tồn, nhờ đó đến nay, đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS được Bộ VHTT&DL hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc; hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn, gắn phát triển du lịch với khai thác, phát huy giá trị bản sắc văn hóa. Từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hóa - du lịch, điểm văn hóa du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, việc bảo tồn bản sắc văn hóa, nhất là phục dựng lại các lễ hội truyền thống của các DTTS vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu, đảm bảo tính hiệu quả lâu dài.

Nghệ thuật vẽ sáp ong của đồng bào Mông được cộng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật vẽ sáp ong của đồng bào Mông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Như lễ hội Ðua thuyền đuôi én ở TX. Mường Lay (Điện Biên) được khôi phục và duy trì tổ chức thường niên từ năm 2015, là ví dụ điển hình. Trong lễ Kin Pang Then và Lễ tế thần sông nước (những nghi lễ nằm trong lễ hội Đua thuyền), cần có những người “thầy” hội đủ cả khả năng và uy tín. Ðó là những nhân vật đặc biệt, có yếu tố tâm linh và quyết định thành công của nghi lễ. Tuy nhiên nhiều năm qua, TX. Mường Lay vẫn chưa tìm được người có đủ khả năng đảm nhiệm vai trò chủ lễ trong phần Lễ tế thần sông nước. Do vậy, mỗi lần tổ chức lễ hội đều phải mời thầy từ tỉnh Lai Châu hoặc Sơn La đến làm chủ lễ…

Hay như năm 2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam”, với tổng kinh phí là 222,9 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc kiểm kê các trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS.

Theo ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng Lạng Sơn, thời gian qua Lạng Sơn mới  triển khai thực hiện sưu tầm, kiểm kê các trang phục. Sau khi kiểm kê, và nghiên cứu thì mới có thể thực hiện công tác khôi phục lại trang phục truyền thống của đồng bào.

Đối với công tác bảo tồn, truyền dạy văn hóa phi vật thể, phục dựng nghề truyền thống, xây dựng mô hình câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian, từ năm 2011 - 2020, cả nước cũng chỉ mới triển khai xây dựng 5 CLB văn hóa văn nghệ dân gian cho các DTTS rất ít người, và thành lập được 10 CLB dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch…

Việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020", bước đầu cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên trên thực tế, việc bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS còn không ít những khó khăn, bất cập nêu trên; đặc biệt là việc chúng ta vẫn chưa có một luật riêng về công tác dân tộc để cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, làm căn cứ pháp lý điều chỉnh chính sách về vấn đề văn hóa các DTTS. 

Cùng với đó, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương vùng này và của chính bản thân đồng bào trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vẫn còn hạn chế. Một số đơn vị, địa phương, cơ sở còn coi nhẹ vị trí, vai trò của công tác văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, kinh phí đầu tư hạn hẹp…

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS là vấn đề cần thiết và cấp bách. Trong đó, công tác quản lý và thực hành lễ hội cần tuân thủ nguyên tắc phổ quát giữa việc nghiên cứu thấu hiểu - thẩm định bảo tồn - thực hành phát triển - quảng bá truyền thông;  Bên cạnh đó, là những giải pháp bảo tồn gắn với phát triển kinh tế - xã hội để mang lại kết quả lâu dài...