Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhìn lại Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Tháo gỡ khó khăn, tập trung nguồn lực (Bài 3)

T.Nhân - H.Trường - 08:27, 27/05/2024

Để hoàn thành mục tiêu và duy trì các tiêu chí nông thôn mới (NTM) theo Bộ tiêu chí hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, không để rớt chuẩn các tiêu chí NTM; tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt được. Đồng thời, tập trung các nguồn lực từ các Chương trình MTQG ưu tiên đầu tư, xây dựng NTM ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Những mô hình kinh tế hiệu quả giúp cho làng quê ngày càng khởi sắc
Trồng cây ăn quả, là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần để làng quê ngày càng khởi sắc

Tháo gỡ khó khăn đối với các tiêu chí nguy cơ “rớt chuẩn”

UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện kế hoạch xây dựng NTM, đồng thời sẽ tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác duy trì các tiêu chí. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp, phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng các khu sản xuất tập trung.

Để nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm nông nghiệp, chủ trương của tỉnh áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, xây dựng các vùng nguyên liệu nông nghiệp gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến. Đẩy mạnh, nhân rộng các thôn NTM kiểu mẫu, phấn đấu 100% xã đạt chuẩn NTM có 100% thôn xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Tăng cường cải tạo cảnh quan môi trường, hình thành các giá trị văn hóa cộng đồng NTM…nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương đẩy mạnh huy động các nguồn lực khác để xây dựng NTM, nhất là huy động các nguồn lực từ vận động từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đăng ký hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng NTM và sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư, người dân trên tinh thần tự nguyện.

Ông Ngô TấnPhó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam cho biết: UBND tỉnh yêu cầu các địa phương đẩy mạnh huy động các nguồn lực khác để xây dựng NTM, nhất là huy động các nguồn lực từ vận động từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đăng ký hỗ trợ các địa phương, thực hiện xây dựng NTM và sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư, người dân trên tinh thần tự nguyện.

Riêng đối với các tiêu chí nguy cơ “rớt chuẩn”, UBND tỉnh cũng đã có những hướng dẫn để địa phương triển khai. Như đối với tiêu chí về quy hoạch, HĐND tỉnh đã bố trí nguồn lực rà soát quy hoạch trong chương trình NTM theo Nghị quyết 21/2022/NQ-HDND, dự kiến tiêu chí này sẽ duy trì vào tháng 6/2024. 

Đối với tiêu chí 2 giao thông, các địa phương lồng ghép Đề án giao thông nông thôn, nguồn chương trình NTM và ngân sách địa phương để đầu tư. Đối với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, các địa phương lồng ghép các chính sách cũng như kinh phí duy trì chuẩn để thực hiện.

Còn các tiêu chí tăng thêm của Bộ Tiêu chí mới về giảm nghèo đa chiều, thu nhập, lao động; UBND tỉnh đề nghị các địa phương lồng ghép hai chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để thực hiện duy trì chuẩn. Các tiêu chí khác như y tế, văn hóa, địa phương cần tăng cường vận động người dân cài đặt sổ khám bệnh và tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn mình”.

“Nhìn chung, công tác chỉ đạo duy trì chuẩn được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và đã bố trí nguồn lực để đảm bảo duy trì chuẩn, các tiêu chí chưa duy trì chuẩn chủ yếu rơi vào các tiêu chí “mềm”, phấn đấu đến tháng 6/2024 sẽ đảm bảo 100% xã đạt chuẩn duy trì theo Bộ Tiêu chí mới”, ông Tấn cho biết thêm.

Các xã miền núi Quảng Nam đang tập trung xây dựng các mô hình kinh tế mới giúp người dân cải thiện thu nhập
Các xã miền núi Quảng Nam đang ưu tiên xây dựng các mô hình kinh tế mới giúp người dân cải thiện thu nhập

Đẩy mạnh xây dựng NTM ở miền núi

Tây Giang là một trong những huyện miền núi của Quảng Nam đang nỗ lực triển khai lồng ghép các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tiêu chí NTM. Những năm qua, ngoài nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719, UBND huyện đã lồng ghép các nguồn vốn khác để hỗ trợ cho người dân cải thiện kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, ngoài 3 xã đã chuẩn NTM là Anông, Atiêng và Lăng, địa phương đang phấn đấu đưa 2 xã là Axan và Bhalêê về đích NTM vào năm 2025.

Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: Năm 2024, huyện Tây Giang đã phân bổ và giao chủ đầu tư 9 công trình khởi công mới; thanh toán khối lượng cho 15 công trình chuyển tiếp với tổng vốn đầu tư bố trí 10,6 tỷ đồng, trong đó vốn cần giải ngân 15,8 tỷ đồng, đến thời điểm này giải ngân đạt 13,09%.

“Để duy trì chuẩn đối với 3 xã đã về đích NTM và hai xã đang phấn đấu, huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm về nguồn lực, ưu tiên sử dụng nguồn tăng thu, vượt thu, tiết kiệm chi hỗ trợ cho huyện thực hiện ở xã không còn dưới 15 tiêu chí, thôn NTM kiểu mẫu, tuyến đường cây xanh bóng mát…”, ông Lượm chia sẻ thêm.

Xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước vừa về đích NTM và đăng ký NTM nâng cao vào năm 2025. Vốn là địa phương có nhiều khó khăn, để đạt được những tiêu chí trong xây dựng NTM, một mặt địa phương sử dụng hiệu quả các nguồn vốn được phân bổ, mặt khác Tiên Lãnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để chung tay thực hiện các mục tiêu chung.

Ông Bùi Sang, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh cho hay: Nhờ tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất, hiến cây trồng, đóng góp tiền của, công sức làm đường, xây dựng các công trình dân sinh, phát triển kinh tế… Xã đặt mục tiêu giữ vững và nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt và phấn đấu xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.

Tương tự xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức cũng đang rất nỗ lực để xây dựng NTM. Hiện xã đã hoàn thành 7/19 tiêu chí, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sẽ đạt được thêm 2 tiêu chí mới trong Bộ Tiêu chí NTM. 

Theo ông Đinh Văn Lượng, cán bộ địa chính xã Phước Trà, địa phương với đa phần là người đồng bào DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn nên việc thực hiện các tiêu chí NTM cũng rất khó. Xã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành các tiêu chí NTM. 

“Để thực hiện mục tiêu, trong thời gian qua, xã đã ưu tiên sử dụng lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ người dân, trong đó đã có hai đợt hỗ trợ bò và heo giống để người dân tăng gia sản xuất. Địa phương cũng sử dụng các nguồn kinh phí để sửa sang các công trình nhà văn hóa, đường giao thông, công trình nước sạch….”, ông Lượng thông tin.

Trao đổi thêm thông tin với phóng viên về mục tiêu xây dựng NTM ở miền núi Quảng Nam, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam cho hay: Việc xây dựng NTM ở các xã miền núi, vùng cao đang được tỉnh và các cấp hết sức quan tâm. Những năm qua, ngoài nguồn lực từ các chương trình MTQG, Quảng Nam cũng đã có nhiều chính sách với nhiều nguồn hỗ trợ để các xã miền núi, vùng cao từng bước xây dựng các tiêu chí NTM. HIện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đã cam kết, phấn đấu đến giữa năm 2025 sẽ cơ bản đảm bảo các tiêu chí theo Bộ tiêu chuẩn giai đoạn 2022-2025.

“Với mục tiêu, đến cuối năm 2025, Quảng Nam có ít nhất 154/193 đạt chuẩn NTM (80%), Quảng Nam sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét, đạt mục tiêu theo từng nhóm xã, huyện, thôn. Trong đó, chú trọng các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2024; tập trung chỉ đạo, duy trì nâng chuẩn các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM theo Bộ Tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025. Tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng NTM kiểu mẫu, đây được xem như giải pháp trọng tâm đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu”, ông Ngô Tấn cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.