Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhìn lại chính sách cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS

TS. Lý Thị Thu - 22:27, 08/06/2024

Người có uy tín trong đồng bào DTTS là những người tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội,... Đóng góp của đội ngũ Người có uy tín trong vùng DTTS được Đảng, Nhà nước ghi nhận; chính sách cho Người có uy tín cũng đã được ban hành, triển khai kịp thời. Để phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này, việc điều chỉnh chính sách cho Người có uy tín là hết sức cần thiết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh trao quà mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024 đến Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ ngày 10/4/2024. Ảnh: N.Tâm
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh trao quà mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024 đến Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ ngày 10/4/2024. Ảnh: N.Tâm

Động viên kịp thời

Tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh Người có uy tín trong đồng bào DTTS ngày 12/12/2023, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã khẳng định, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ưu tiên nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đặc biệt là nguồn lực từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã góp phần giảm tỷ lệ nghèo ở vùng DTTS và miền núi bình quân 2 - 3%/năm; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, lao động - việc làm,… cũng đạt được những thành tựu to lớn; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS được gìn giữ, phát huy.

“Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn 51 tỉnh, thành vùng đồng bào DTTS và miền núi trên cả nước”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Nhiều chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã được triển khai, qua đó kịp thời hỗ trợ, động viên Người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò của mình.

Thực tế, xuất phát từ đặc điểm, vị trí, vai trò và những đóng góp của đội ngũ Người có uy tín, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi trọng lực lượng quần chúng đặc biệt này trong thực hiện chính sách dân tộc. Nhiều chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã được triển khai, qua đó kịp thời hỗ trợ, động viên Người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò của mình.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, thực hiện Quyết định 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ “về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS” (Quyết định 12), các địa phương đã tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến, cung cấp thông tin cho gần 90.000 lượt Người có uy tín; tổ chức 3.631 cuộc thăm hỏi, tặng quà cho 149.796 lượt Người có uy tín nhân dịp tết Nguyên đán và 1.648 cuộc với 29.943 lượt Người có uy tín nhân dịp Tết truyền thống của các DTTS…

Ngoài ra, các địa phương đã tổ chức 10.359 cuộc thăm hỏi, hỗ trợ cho 13.704 lượt Người có uy tín khi ốm đau, bệnh tật; thăm hỏi 2.315 cuộc và trợ cấp cho 5.860 trường hợp gia đình 2.315 cuộc gặp khó khăn; tổ chức 3.104 cuộc thăm viếng Người có uy tín và thân nhân qua đời; 433 cuộc thăm hỏi, hỗ trợ khác cho 6.138 lượt Người có uy tín; cung cấp thông tin, cấp phát báo Dân tộc và Phát triển và báo địa phương cho Người có uy tín.

Cần điều chỉnh để hợp nhất chính sách

Trong quá trình thực hiện Quyết định 12, có một số nội dung chưa thực sự phù hợp với thực tế nên triển khai chưa hiệu quả. Vì vậy, ngày 23/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg (Quyết định 28) “về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/03/2018. Với Quyết định số 28, chế độ chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS về cơ bản đã hoàn chỉnh và đầy đủ.

Tuy nhiên, một bất cập hiện nay là chính sách với Người có uy tín trong đồng bào DTTS ngoài quy định tại Quyết định 12 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 28) thì còn được quy định tại Tiểu Dự án 1 - Dự án 10 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Nhiều năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn phát huy tốt vai trò đối với cộng đồng nơi cư trú. Ảnh: Khánh Ngân
Nhiều năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn phát huy tốt vai trò đối với cộng đồng nơi cư trú. Ảnh: Khánh Ngân

Trong Quyết định 12 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 28), chính sách cho Người có uy tín có 4 loại chế độ đã khá đầy đủ. Nhưng trong Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 10 của Chương trình MTQG, nội dung không được đầy đủ như Quyết định số 12, nhưng nội hàm chính sách và đối tượng thụ hưởng rộng hơn, đó là “biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Theo chị Sầm Thị Dương, Chánh Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, trong Tiểu Dự án 1 của Dự án 10 có chia làm 2 mảng liên quan đến Người có uy tín. Trong khi Quyết định 12 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 28) đang còn có hiệu lực, nếu như viết cho giai đoạn sau (2026 - 2030) thì nên hợp nhất. Vì cùng một đối tượng nhưng lại có nhiều chính sách cho cùng một nội dung mà lại không đồng nhất.

Đồng thời, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên nghiên cứu thực tế các tỉnh có đặc thù khác nhau để thực hiện chính sách cho phù hợp. Với những tỉnh có số lượng Người có uy tín đông thì có thể thực hiện chính sách độc lập, còn một số tỉnh có số lượng Người có uy tín ít chưa đến 100 người (như Vĩnh Phúc hoặc một số tỉnh khác) thì vận dụng chính sách cho Người có uy tín theo Tiểu Dự án 1 trong Dự án 10 thuộc Quyết định 1719/QĐ-TTg rất hợp lý.

Như vậy, có thể nói thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã nảy sinh nhiều vấn đề mới cần được nghiên cứu, thống nhất nhận thức. Trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách cho Người có uy tín, cần lưu tâm đến sự phù hợp hay không phù hợp. Nói một cách khác là cần có tính phổ quát và cũng cần có những trường hợp đặc thù nhằm tạo động lực phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này.