Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam

Hồng Phúc - 16:39, 23/11/2022

Sáng 23/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin báo chí về thực trạng, thách thức, giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tại Việt Nam, khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

“Thuốc lá rất có hại có sức khỏe. Hằng năm, WHO đã thống kê tỷ lệ tử vong do thuốc lá là 8 triệu người, có thêm 1 triệu người tử vong do thuốc lá thụ động. Ở Việt Nam, cứ 7 người thì có 1 người tử vong do thuốc lá gây ra”, ông Hồ Hồng Hải thông tin.

Bên cạnh đó, gánh nặng về kinh tế do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam rất lớn, 49.000 tỷ đồng/năm (tiền mua thuốc lá - ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020). Cùng với đó là chi phí điều trị 5 nhóm bệnh: Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra. Trên thế giới, chi phí liên quan đến thuốc lá khoảng 1 - 2% GDP, tại Việt Nam khoảng 1% GDP.

Nhờ những chính sách về phòng chống tác hại thuốc lá, nên trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020, các con số có xu hướng giảm, nhưng không đáng kể so với mục tiêu của Chiến lượng phòng chống tác hại thuốc lá. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm so với năm 2015 (21,7% năm 2020 so với 22,5% năm 2015). Nam giới hút thuốc là 42,3%, giảm so với năm 2015 (45,3%) và tỷ lệ nữ giới hút thuốc là 1,7%, tăng so với năm 2015 (1,1%). Giảm tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm so với năm 2015, như nơi làm việc, giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà, giảm từ 59,9% xuống 56,0%, tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar/cà phê/trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%. Tăng tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế (40,5% năm 2015 và 72,2% năm 2020). Nhận thức về tác hại của thuốc lá ngày càng cao trên 95%.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đang gặp một số khó khăn, thách thức, như thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển.

Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ quan điểm, định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế. Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì: Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ.

“Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường… Việc cho phép thêm thuốc lá mới là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá”, Ths. Trần Thị Trang nói.