Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều “lỗ hổng” trong trợ giúp trẻ em dân tộc thiểu số

PV - 10:56, 10/04/2019

Thời gian qua, chính sách trợ giúp xã hội đối với đồng bào DTTS nghèo, sinh sống ở địa bàn ĐBKK đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mức trợ giúp của các chế độ chính sách còn thấp, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu, nhất là trợ giúp xã hội đối với trẻ em.

Nhiều nguy cơ rình rập

Bắc Lý là xã biên giới vùng sâu ĐBKK của huyện rẻo cao 30a Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Dù chỉ cách trung tâm huyện khoảng 70km nhưng trước đây, vào Bắc Lý phải tính bằng ngày; nay đường đã mở nên chỉ còn tính bằng giờ.

Nhưng đây vẫn là xã khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn. Toàn xã có 854 hộ (chủ yếu là dân tộc Khơ-mú) thì có tới 577 hộ nghèo. Cũng vì xã có nhiều gia đình nghèo nên trẻ em ở Bắc Lý ngay từ nhỏ đã trở thành lao động của gia đình. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, hầu hết trẻ em ở Bắc Lý đã được đến trường; nhưng mỗi dịp hè đến, các em lại trở về với công việc quen thuộc của mình trên nương, trên rẫy.

Trẻ em DTTS ở địa bàn ĐBKK phải mưu sinh từ nhỏ. (Ảnh minh họa) Trẻ em DTTS ở địa bàn ĐBKK phải mưu sinh từ nhỏ. (Ảnh minh họa)

Em Cụt Thị Thu, dân tộc Khơ-mú, 14 tuổi, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Bắc Lý là một trường hợp như vậy. Từ nhiều năm nay, Thu phải “cất” niềm mong ước được thoải mái vui chơi trong những dịp nghỉ hè để giúp đỡ gia đình. Khi kỳ nghỉ hè đến cũng là lúc mùa làm rẫy bắt đầu; Thu phải cùng mẹ và chị đi phát nương, gieo hạt cho mùa trồng lúa mới.

Nhưng Thu đâu phải là trường hợp cá biệt. Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK trên cả nước, việc trẻ em vừa học vừa tham gia lao động cùng gia đình không có gì lạ, bởi cha mẹ nghèo không làm không được.

Như trường hợp hai chị em Bế Thị Phượng và Bế Thị Tấm, dân tộc Tày, ở thị trấn Hà Quảng (Hà Quảng, Cao Bằng) mồ côi bố, nhà nghèo nên đã sớm phải lao động giúp mẹ. Sáng đi học, trưa về ăn vội bát cơm, Phượng phải lùa 2 con trâu đi ăn. Ông bà của các em đều đã hơn 80 tuổi, bà nội lại bị liệt phải nằm một chỗ, mẹ bận ruộng nương nên khi chị đi chăn trâu thì Tấm dù mới lên 5 tuổi cũng phải ở nhà trông nom ông bà, cho đàn gà ăn, nấu cơm…

Thực ra, việc phải tham gia lao động từ rất sớm chỉ là một trong những thiệt thòi của trẻ em DTTS thuộc hộ nghèo, ở vùng sâu, vùng xa. Về lý thuyết, những thiệt thòi của trẻ em DTTS được đánh giá chung trong “túi nghèo” đa chiều (tức là đánh giá theo góc độ từng hộ gia đình). Nhưng trên thực tế, trẻ em DTTS thuộc hộ nghèo, sinh sống ở địa bàn ĐBKK là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương nhất.

Theo các báo cáo về phát triển ở Việt Nam của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), cứ 10 trẻ em DTTS thì có tới 8 em thiếu thốn các nhu cầu cơ bản; và hầu hết đang phải sống tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK, được biết đến là những “túi nghèo”. Các em không chỉ phải tham gia lao động từ rất sớm mà còn thường xuyên đối diện với nhiều nguy cơ khác. Đó là việc các em thường phải kết hôn sớm (tảo hôn), là nạn nhân của buôn bán người,…

Thiết lập chính sách phù hợp

Phải khẳng định, nước ta đã đạt được những bước tiến bộ gần như chưa từng có tiền lệ trong tăng trưởng và giảm nghèo. Mặc dù vậy, cái nghèo vẫn tái diễn ở những nút thắt, mà chủ yếu tại các xã và thôn bản có đặc điểm điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK, nơi tập trung nhiều đồng bào DTTS. Chiếm dưới 15% tổng dân số nhưng đồng bào DTTS chiếm khoảng hơn 53% tổng dân số nghèo trên cả nước, trẻ em chắc chắn là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong những “túi nghèo” đa chiều này.

Để trợ giúp trẻ em DTTS, những năm qua, chúng ta đã phát triển hệ thống an sinh xã hội có thể xem là khá phong phú. Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện hệ thống chính sách bảo trợ xã hội gồm 5 nhóm chính là: Trợ giúp khẩn cấp (trợ giúp đột xuất); trợ cấp tiền mặt; nhận chăm sóc thay thế; chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở chăm sóc xã hội và chăm sóc xã hội tại cộng đồng.

Ngoài các chính sách của Nhà nước, các địa phương và nhà trường đã chủ động xây dựng các phong trào quyên góp, ủng hộ học sinh thuộc diện chính sách. Phong trào bảo đảm “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ đồ dùng học tập) được xã hội đồng thuận và tham gia tích cực. Các tổ chức kinh tế, các đoàn thể và phụ huynh học sinh đã tự nguyện ủng hộ xây dựng các quỹ khuyến học, nhà trường động viên kịp thời học sinh nghèo vượt khó…

Tuy nhiên, theo đánh giá, dù đã vươn đến các nhóm DTTS nhưng hệ thống trợ giúp xã hội của nước ta mới chỉ áp dụng một chương trình thống nhất nên không đáp ứng được nhu cầu cụ thể của từng nhóm; còn bỏ sót đối tượng do áp lực hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo; các nhóm DTTS, nhất là trẻ em còn gặp nhiều khó khăn.

Một vấn đề cần lưu ý là, trẻ em thường là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do thiên tai. Sau một trận bão lũ, nhiều gia đình thường mất nhà cửa, tài sản, thậm chí tính mạng; trẻ em trở thành yếu thế nhất khi chưa thể “tự lực cánh sinh”. Do thiên tai, các em có thể bị mất đi những cơ hội trong lĩnh vực giáo dục, dinh dưỡng, y tế và bảo trợ, bị ảnh hưởng khi các dịch vụ xã hội cơ bản bị gián đoạn… Tuy nhiên, chính sách bảo trợ đột xuất cho trẻ em trước, trong và sau thiên tai vẫn còn nhiều khoảng trống.

Đây rõ ràng là những nút thắt cần tháo gỡ để hỗ trợ phát triển toàn diện trẻ em DTTS sinh sống ở địa bàn ĐBKK, vùng sâu, vùng xa. Một trong những giải pháp quan trọng, cần triển khai nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách trợ cấp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng; nghiên cứu, xây dựng mức chuẩn trợ cấp xã hội và các hệ số trợ cấp xã hội dựa trên nhu cầu tối thiểu của con người, theo vòng đời và bảo đảm hội nhập quốc tế.

SỸ HÀO