Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều giải pháp hiệu quả tạo đầu ra cho nông sản ở Sơn La

Thúy Hồng - 19:54, 14/06/2021

Cũng như các địa phương khác, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh Sơn La. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nông dân về thị trường đầu ra, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các địa phương tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; vận động các danh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân đưa giống cây có năng suất, chất lượng vào thâm canh…

Các đơn vị chức năng của tỉnh Sơn La luôn hỗ trợ người dân trong việc xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm
Các đơn vị chức năng của tỉnh Sơn La luôn hỗ trợ người dân trong việc xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm

Xây dựng vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu

Từ thực tiễn dịch bệnh năm 2020, dự báo về thị trường tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là các sản phẩm trái cây, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Sơn La và UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức mời gọi các doanh nghiệp đến khảo sát vùng nguyên liệu, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trái cây trên địa bàn, rà soát các điều kiện tiêu chuẩn mở rộng diện tích nông sản cấp mã số vùng trồng… 

Theo số liệu thống kê, năm 2021, tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh Sơn La ước đạt 87.520ha; đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 181 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.700ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và có 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cùng 21 sản phẩm sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ.

Như đối với sản phẩm xoài tròn Yên Châu, được áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến, quy trình sản xuất an toàn như VietGAP, GlobalGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ. Từ khi xoài ra hoa, đậu quả, đến quá trình quả sinh trưởng, tất cả đều được người nông dân giám sát chặt chẽ.

Theo ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, chia sẻ: Hiện nay quy trình sản xuất xoài của HTX thực hiện theo hướng hữu cơ, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và đúng quy trình mã vùng trồng để phục vụ xuất khẩu.

Đối với sản phẩm nhãn, cũng đã cấp mã số vùng trồng, cấp mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, nhãn Sông Mã đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia. với trên 19.200ha hiện nay, sản lượng nhãn toàn tỉnh Sơn La trong năm 2021, ước đạt 98.500 tấn. Nhãn được trồng tập trung tại các huyện Yên Châu, Mai Sơn và nhất là ở Sông Mã.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên cập nhật, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thu gom sơ chế chế biến, xuất khẩu để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tăng năng suất cây trồng
Người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tăng năng suất cây trồng

Liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân

Cùng với việc phát triển sản xuất, địa phương này cũng đã có nhiều giải pháp căn cơ để giúp người dân tiêu thụ nông sản. Ngay từ khi bắt đầu bước vào vụ thu hoạch các loại nông sản, tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến quốc tế xúc tiến tiêu thụ nông sản, hỗ trợ tập huấn cho trên 100 doanh nghiệp, HTX về công tác thương mại điện tử; phối hợp với các đơn vị liên quan đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử…

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, trước những thách thức rất lớn do tác động của dịch Covid-19, để tiêu thụ nông sản cho nông dân, bằng các giải pháp cụ thể, quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La quyết tâm tiêu thụ hết nông sản cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Quan điểm của tỉnh là, bằng mọi giá phải tiêu thụ hết nông sản cho người dân với giá cả hợp lý.

Bên cạnh việc xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm, Sơn La liên tục đẩy mạnh hoạt động kết nối với các nhà máy chế biến nông sản ngoài tỉnh, để hỗ trợ thu mua, chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo.

Điển hình như, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã ký cam kết thu mua tiêu thụ 20.000 tấn xoài của tỉnh Sơn La theo giá thị trường, và không thấp hơn giá thành sản xuất. Hiện, đang thu mua khoảng 200 tấn xoài/ngày để vận chuyển về nhà máy ở tỉnh Ninh Bình sấy lạnh xuất khẩu.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La, tính từ đầu vụ đến nay, toàn tỉnh đã tiêu thụ được gần 19.000 tấn xoài, trên 52.000 tấn mận. Trong đó, đã xuất khẩu gần 4.500 tấn xoài, 20 tấn mận sang thị trường Trung Quốc. Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt gần 1,1 triệu USD...

 Hiện nay, các HTX Đảo Ngọc, HTX Đoàn Kết (Mường La), HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc (Yên Châu), Công ty TNHH TM&DV Trường Mai (Mai Sơn) và một số thương nhân ngoài tỉnh… đang tích cực thu mua, sơ chế, đóng gói xoài để tiêu thụ.

Có thể thấy, với sự quan tâm, chủ động vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng tỉnh thông qua những giải pháp cụ thể, thiết thực đã giúp người dân vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19 để tiêu thụ nông sản đảm bảo được mùa, được giá, được thu nhập cho người dân.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...