Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Giải pháp tích cực cho tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

Thúy Hồng - 16:17, 03/06/2021

Tác động của dịch bệnh Covid-19, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trong điều kiện hiện nay, việc phân phối tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả trong tiêu thụ nông sản.

Vải thiều Bắc Giang được bán trên gian hàng của sàn TMĐT Vỏ Sò.
Vải thiều Bắc Giang được bán trên gian hàng của sàn TMĐT Vỏ Sò.

Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đang vào vụ thu hoạch một số loại trái cây như: Mít, dưa hấu, thanh long,... Đặc biệt là vải thiều, nhãn, theo đánh giá, với điều kiện thời tiết thuận lợi, vụ vải, nhãn năm 2021 tiếp tục được mùa. Dự kiến tổng sản lượng vải đạt khoảng 340.000 tấn; sản lượng nhãn phía Bắc ước đạt 300.000 tấn, tăng hơn 13% so với năm 2020.

Tại Bắc Giang, hàng năm có đến 70% sản lượng vải Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua khiến cho vải Bắc Giang có thể rơi vào tình trạng ứ đọng, khó tìm đầu ra.

Để giải quyết những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vnpost) triển khai Chương trình hỗ trợ bà con nông dân, chủ trang trại trên cả nước bán nông sản hàng hoá, nông sản thực phẩm an toàn theo hình thức trực tuyến (livestream).

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công Thương, Sàn TMĐT Vò sò (Voso.vn) của Viettel Post đã đưa sản phẩm vải đặc sản Bắc Giang lên sàn vào ngày 28/5/2021, với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày. Đồng thời, sàn TMĐT Vỏ Sò cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo và đồng hành cùng bà con nông dân tại Bắc Giang tạo gian hàng và chủ động đăng bán các sản phẩm trên sàn. Một ngày sau khi vải Bắc Giang được đưa lên sàn TMĐT Vỏ Sò, đơn vị này cho hay đã có hơn 1 tấn vải được khách đặt mua trước. 

Còn tại tỉnh Sơn La, với các giải pháp tương tự, các mặt hàng nông sản như: mận hậu và xoài tròn Yên Châu (Sơn La) đã chính thức lên sàn TMĐT Shopee để phân phối tại thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào chiều ngày 28/5/2021. Nông sản, đặc sản của tỉnh Sơn La đã chính thức được bàn giao cho các sàn TMĐT để ra mắt người tiêu dùng. Các sản phẩm lên sàn TMĐT, đều được Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.

Việc đưa nông sản lên chợ trực tuyến không chỉ là “phao cứu sinh” mà còn là kênh tiêu thụ lâu dài so với cách bán hàng truyền thống
Việc đưa nông sản lên chợ trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch mà còn là kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả trong tương (Ảnh TL)

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, nhận định trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử là hết sức quan trọng. Bộ Công Thương đã đẩy mạnh kênh này để hỗ trợ các địa phương, với sự tham gia của nhiều sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, việc bán nông sản qua sàn thương mại điện tử cũng sẽ vấp phải một số khó khăn như, vấn đề cung ứng. Hiện nay, quả từ vườn đến tay người tiêu dùng phải qua một loạt bên trung gian như thương lái thu mua, nhà vận chuyển, rồi sàn thương mại điện tử. Để  giữ được độ tươi ngon như khi mới thu hái đòi hỏi quy trình bảo quản nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng lâu nay là mua trực tiếp, nhằm kiểm tra thực tế nông sản. Nếu mua online qua các sàn thương mại điện tử, người mua cần sự kiểm định của cơ quan chức năng, cam kết của các đơn vị trong chuỗi cung ứng, cũng như từ chính các hợp tác xã, người nông dân.

Tuy nhiên, rào cản khó nhất là kiến thức của nông dân về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế, nếu bán bằng phương pháp này, họ sẽ mất thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức sao cho hấp dẫn người mua. Do vậy, chính quyền địa phương cần có những chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Theo ông Phú, hiện Cục đã phối hợp với VNpost, đào tạo tập huấn bà con nông dân, chủ trang trại kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng livestream,... Đồng thời, hỗ trợ áp dụng hệ thống truy suất nguồn gốc, nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, hiểu và nắm bắt rõ hơn về xu hướng và yêu cầu thị trường, từ đó, sẽ tổ chức sản xuất được hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc đưa nông sản lên chợ trực tuyến (online) không chỉ là “phao cứu sinh” mà còn là kênh tiêu thụ lâu dài tạo kết nối chặt chẽ trong chuỗi cung ứng nông sản Việt.

(Nội dung thông tin tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)