Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở

Hoàng Sa - 08:30, 05/12/2022

Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã được ngành tư pháp, cũng như các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Qua đó, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những cách làm sáng tạo, hiệu quả.

(CĐ Bộ Tu Pháp- HThanh): Nhiều cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở
Ngành Tư pháp tỉnh Lạng Sơn thường xuyên tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở cho đối tượng là lãnh đạo UBND và công chức tư pháp – hộ tịch các xã, thị trấn; tổ trưởng, thành viên tổ hòa giải thôn, khu phố trên địa bàn huyện.

Một trong những cách làm hay được ghi nhận trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đó là xây dựng các tổ hòa giải điển hình tiên tiến. Theo đó từ năm 2018, Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch xây dựng tổ hòa giải điển hình tiên tiến.

Theo đó, 11/11 UBND huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn đã lựa chọn ít nhất 2 đơn vị cấp xã để chỉ đạo điểm về công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó tập trung vào các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tại mỗi đơn vị cấp xã lựa chọn 2 tổ hòa giải để xây dựng tổ hòa giải điển hình tiên tiến. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 44 tổ hòa giải điển hình tiên tiến. Mỗi tổ hòa giải diển hình tiên tiến có từ 5 tổ viên trở lên (có đủ đại diện các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở tham gia). Hòa giải viên có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Ông Phùng Mạnh Hùng, Tổ trưởng Tổ hòa giải điển hình tiên tiến khối 1, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ khi triển khai mô hình tổ hòa giải điẻn hình tiên tiến, chúng tôi càng thêm trách nhiệm để hòa giải thành các mâu thuẫn ngay từ cơ sở. Đối với những vụ việc khó liên quan đến đất đai, chúng tôi thường tham khảo ý kiến hoặc chủ động mời cán bộ địa chính phường cùng tham gia giải quyết. Đồng thời, gặp gỡ, làm công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư từng bên tranh chấp để đưa ra những phương án giải quyết thấu tình đạt lý. Nhờ đó, hằng năm, tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 95 đến 100%.

Nhờ cách làm sáng tạo này, đến nay tỷ lệ hòa giải thành công của các tổ hòa giải điển hình tiên tiến tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt trên 90%, các tổ hòa giải điển hình tiên tiến trên địa bàn các địa phương đã phát huy vai trò, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, góp phần đoàn kết thôn, xóm, hạn chế khiếu nại tố cáo, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

(CĐ Bộ Tu Pháp- HThanh): Nhiều cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở 2
Các tổ hòa giải trên địa bàn phường 9, thành phố Cà Mau kịp thời nắm bắt, giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở.

Trong khi đó, tại khu vực các tỉnh miền Tây Nam bộ, mô hình "tổ hòa giải cơ sở 5 tốt" cũng đang là một trong những cách làm sáng tạo, hiệu quả của địa phương. Cụ thể, năm 2020, phường 9, thành phố Cà Mau là 1 trong 3 đơn vị trong tỉnh Cà Mau được chọn triển khai thí điểm mô hình “Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt” (mô hình).

 Để thực hiện mô hình, các tổ hòa giải trên địa bàn phường đảm bảo đáp ứng đầy đủ 55 tiêu chí: Phát hiện vụ việc kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức hòa giải tốt. Bên cạnh đó, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên; giao ban định kỳ để trao đổi kinh nghiệm trong hòa giải.

Hiện, trên địa bàn phường 9 có 6 tổ hòa giải, thu hút các hội đoàn thể và Người có uy tín, cán bộ hưu trí tại cơ sở tham gia. Ông Nguyễn Thế Nguyên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi kiêm phụ trách các tổ hòa giải phường 9, thành phố Cà Mau cho biết: “Cán bộ ở cơ sở, hòa giải viên trên địa bàn đều là những Người có uy tín lâu năm ở địa phương và có nhiều kinh nghiệm trong công tác hòa giải. 

Đội ngũ hòa giải viên trong quá trình làm nhiệm vụ, đã tham gia rất hiệu quả vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư. Nhờ đó, tỷ lệ hòa giải thành công trên địa bàn phường mỗi năm đều đạt trên 90%.

Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện thí điểm mô hình tổ hòa giải cơ sở 5 tốt đã cho thấy những hiệu quả thiết thực, kịp thời giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở, không để kéo dài, hạn chế khiếu kiện vượt cấp. Qua đó, góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó trong Nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Được biết, thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh để công tác hòa giải cơ sở đạt hiệu quả tốt hơn…

Mô hình “tổ hòa giải điển hình tiên tiến”; tổ hòa giải cơ sở 5 tốt” trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Cà Mau chỉ là hai trong số nhiều cách làm sáng tạo của các địa phương trên cả nước trong triển khai công tác hòa giải ở cơ sở. Theo Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), thời gian tới, để công tác hòa giải cơ sở ngày càng đạt hiệu quả cao thì các địa phương cần tiếp tục phát huy những cách làm sáng tạo. 

Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cần quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở một cách thực chất và hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác này…