Người dân hưởng lợi
Gia đình bà Bùi Thị Ken ở xóm Hông Thọng (xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) là một trong những hộ khó khăn được hưởng lợi từ Dự án 3, Tiểu dự án 1, Chương trình MTQG. Khi tiếp cận dự án, gia đình bà Ken được Nhà nước hỗ trợ vốn, cây giống, phân bón; được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây keo sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, chống chịu được với các hiện tượng thời tiết.
“Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc vườn keo, để có nguồn thu giúp kinh tế khấm khá hơn" - bà Ken chia sẻ.
Không chỉ riêng gia đình bà Ken được hưởng lợi từ Dự án 3, Tiểu dự án 1, Chương trình MTQG mà năm 2023, xã Nhân Mỹ được Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phân bổ trên 460 triệu đồng thực hiện Tiểu dự án 1.
Trên cơ sở nhu cầu của người dân, xã đã họp bình chọn, ưu tiên các hộ khó khăn có đất sản xuất, để hỗ trợ cây giống, phân bổ phù hợp điều kiện tự nhiên, canh tác của địa phương. Trong những năm qua, các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn, nhất là được Chương trình hỗ trợ về cây, con giống nên cuộc sống của người dân đã có nhiều cải thiện, điều kiện kinh tế dần tốt lên so với thời gian trước.
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Lạc phối hợp các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện; thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ” trong phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về cách trồng, chăm sóc rừng. Từ đó, người dân hiểu được ý nghĩa của việc trồng rừng và phát triển rừng, chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ, phát triển rừng.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh
Huyện Tân Lạc có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 1 thị trấn, trong đó có 5 xã và 24 xóm đặc biệt khó khăn; diện tích tự nhiên trên 530 nghìn ha, dân số trên 90 nghìn người, với nhiều dân tộc cùng chung sống.
Ông Bùi Văn Chánh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc, cho biết: "Trong 2 năm 2023 - 2024, thực hiện Dự án 3, Tiểu dự án 1 "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện được giao kinh phí trên 9 tỷ đồng, số kinh phí có thể giải ngân và thực hiện được trên 5,57 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 4,693 tỷ đồng, đạt 84,2%.
Về chính sách hỗ trợ cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển kinh tế, năm 2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Lạc đã triển khai cho 5.364 lượt khách hàng là đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi với tổng doanh số cho vay là 201.509 triệu đồng, trong đó có: 2.609 khách hàng thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn với doanh số cho vay là 111.419 triệu đồng.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo huyện Tân Lạc đã giảm từ 12,53% xuống còn 9,40% vượt chỉ tiêu được giao.
Trong thời gian tới, huyện Tân Lạc tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giúp cho người nghèo nâng cao nhận thức, ý chí nghị lực vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và xã hội. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tư vấn về học nghề, giới thiệu việc làm để người lao động có cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định nâng cao cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại các xã, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp cho cơ sở thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Tập trung phối hợp với các ngành, đoàn thể các cấp thực hiện tốt những giải pháp giảm nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo giảm bớt khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm, đánh giá đúng chất lượng hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.