Huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), nơi có tới 89,72% dân số là đồng bào DTTS, từng đối mặt với khó khăn lớn về giao thông, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm khắc phục khó khăn về giao thông, địa phương đã ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu, trong đó trọng tâm là giao thông đường bộ. Đây cũng là nhiệm vụ chiến lược trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.
Những tuyến đường, như: Đà Bắc - Thanh Sơn, Cao Sơn - Trung Thành, Vầy Nưa - Tiền Phong, hay các dự án nâng cấp liên xã Nánh Nghê đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, mở ra cơ hội phát triển mới. Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đến trung tâm các xã ở Đà Bắc đạt 100%; 99% đường đến các xóm được cứng hóa, trong khi đường trục ngõ xóm đạt 79% và đường trục chính nội đồng đạt 50%.
Trên quy mô của tỉnh Hòa Bình, việc phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông được đẩy mạnh nhằm kết nối vùng và thực hiện các dự án trọng điểm. Theo Sở Giao thông Vận tải, tỉnh có 10.990km đường bộ, với hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, xã, ngõ xóm cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa. Tỷ lệ nhựa hóa đường trục xóm đạt 71,6%; đường ngõ xóm đạt 60,53%; và đường trục chính nội đồng là 18,8%.
Với 74% dân số là đồng bào DTTS, tỉnh Hòa Bình coi phát triển vùng đồng bào DTTS là chiến lược trọng tâm, gắn liền với mục tiêu giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng sống. Việc ưu tiên nguồn lực từ các Chương trình MTQG đã giúp địa phương đạt được những kết quả rõ nét, đặt nền tảng phát triển cho giai đoạn 2020 - 2030.
Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân
Tại thành phố Hòa Bình, sự phát triển kinh tế đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng. Giai đoạn 2020 - 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 18,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với sự tăng trưởng mạnh của thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng. Nông nghiệp được phát triển theo định hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất an toàn thực phẩm. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được triển khai, giúp người dân hình thành tư duy sản xuất hàng hóa.
Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện với hệ thống giao thông, thủy lợi đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và sản xuất. Các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ nông thôn được xây dựng khang trang, góp phần nâng cao chất lượng sống. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 90 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2024 đạt 100 triệu đồng/người/năm, trong khi tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại thành phố Hoà Bình đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Người dân không chỉ nâng cao nhận thức mà còn tích cực tham gia, góp phần xây dựng kinh tế địa phương. Những mô hình tiêu biểu như "Ngày thứ 7 xanh - sạch - đẹp", "Tuyến đường nông dân tự quản", hay "Nhà sạch - vườn đẹp" đã tạo dấu ấn rõ nét. Đặc biệt, xã hội hóa trong các chương trình như “Thắp sáng đường quê” hay mô hình nuôi cá lồng VietGAP đã thúc đẩy kinh tế bền vững.
Trong giai đoạn 2025, thành phố Hòa Bình phấn đấu có thêm một xã đạt chuẩn NTM nâng cao và một xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trên cơ sở quy hoạch sản xuất hợp lý, địa phương đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, gắn sản xuất với công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị. Những nỗ lực này hướng tới xây dựng nông thôn hiện đại, thân thiện môi trường, giàu bản sắc văn hóa, và đáp ứng nhu cầu sống ngày càng cao của người dân.
Hòa Bình đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/năm, trong đó các xã đạt 60 triệu đồng/người/năm. Tỉnh cũng tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn giá trị tự nhiên và văn hóa.
Việc phát huy tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, cùng với chiến lược xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa, là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sống, giảm nghèo bền vững, và bảo đảm phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn.