Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều bất cập phát sinh sau sắp xếp đơn vị hành chính vẫn chưa được xử lý

Thuý Hồng - 15:13, 25/05/2022

Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 37-NQ/ Tw của Bộ Chính trị và Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14, số lượng cơ quan, tổ chức, số biên chế đã giảm, góp phần thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên qua thực tế triển khai cũng đã bộc lộ nhiều bất cập cần sớm có biện pháp xử lý.

Nhiều trụ sở UBND xã sau sáp nhập dư thừa bị bỏ không
Nhiều trụ sở UBND xã sau sáp nhập dư thừa bị bỏ không

Thừa trụ sở…thiếu nơi làm việc

Sau sáp nhập, câu chuyện dư thừa và lãng phí trụ sở xã, tài sản công vẫn đang là bài toán nan giải của các địa phương, mãi chưa được giải quyết. Có những địa phương đành phải để không trụ sở xã, hoặc thuê người dân trông coi. Vì không thể sử dụng cho hoạt động giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính liên thông, khi các trụ sở cũ cách xa 3-5 km. Còn trụ sở sau sáp nhập xã, lại không đủ chỗ làm việc, buộc phải đầu tư xây dựng thêm. Đây cũng là sự lãng phí đầu tư công lớn.

Cụ thể như tại xã mới Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, Phú Thọ, được thành lập sau khi sắp nhập xã Yên Nội, xã Thanh Xá và Hoàng Cương cũ, thì trụ sở Hoàng Cương mới được đặt ở xã Thanh Xá cũ. Trụ sở xã Hoàng Cương cũ đành bỏ không hơn 1 năm qua, mặc dù mới xây dựng năm 2018. Ngay sau khi sáp nhập 3 xã thành 1, thì  2 trụ sở của xã Yên Nội và Hoàng Cương cũ cũng đã để không.

Theo ông Phạm Đức Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Cương, trong giai đoạn chờ tỉnh có hướng xử lý, xã đã cố gắng trích phần kinh phí để thuê người dân 2 triệu đồng/tháng trông coi 2 trụ sở xã cũ không sử dụng đến, nhưng đến nay đành bỏ cuộc vì không kham được nữa.

Sau sắp xếp đơn vị hành chính còn hàng ngàn cán bộ dôi dư
Sau sắp xếp đơn vị hành chính còn hàng ngàn cán bộ dôi dư

Không riêng gì Phú Thọ, mà có nhiều địa phương rơi vào cảnh “nơi thiếu, nơi thừa”. Thực tế, sau sáp nhập xã, nhiều công trình nhà UBND xã, hội trường, trạm y tế xã và cả nhà văn hoá xã, còn rất mới nhưng đều bị đóng cửa bỏ không. Những công trình không sử dụng đang bị xuống cấp và rất có thể không tái sử dụng.

Theo các địa phương phản ánh, do đặc thù công năng của các cơ sở nhà, đất đang dư thừa, nhất là trụ sở hành chính xã, khó chuyển đổi mục đích sử dụng cho nên gặp nhiều khó khăn khi kêu gọi đấu giá.

Ông Phạm Hữu Thịnh, Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi cho rằng, khó khăn lớn nhất là xử lý tài sản đất đai. Trong đó, phương án bán đấu giá mất nhiều thời gian vì phải theo quy trình, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đối với tài sản công của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cũng chưa có hướng xử lý.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, nguyên nhân do khi sắp xếp chưa lường hết các vấn đề, triển khai việc sắp xếp nhanh, có một phần do những thủ tục hành chính quản lý về tài sản công. "Chúng tôi đang có yêu cầu các địa phương, các bộ ngành có đơn vị sắp xếp, sáp nhập có báo cáo đầy đủ, cụ thể sau khi tiến hành sắp xếp", ông Tuấn nói.

Dôi dư cán bộ - câu chuyện chưa có hồi kết

Sau 3 năm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã, qua đó giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau sáp nhập số lượng cán bộ dôi dư khá lớn. Tính đến hết năm 2021, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư còn hơn 400 cán bộ cấp huyện, hơn 3.000 người ở xã và trên 400 cán bộ ở thôn thuộc diện bố trí, sắp xếp. Việc thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư còn có khó khăn, vướng mắc.

Như tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh là địa phương có số xã thực hiện sắp xếp nhiều nhất tỉnh, với 21 đơn vị hành chính, cho nên số lượng cán bộ dôi dư tại đơn vị hành chính cấp xã mới là  50 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách.

Cần có chính sách hỗ trợ riêng đối với đội ngũ cán bộ dôi dư để ổn định lâu dài.
Cần có chính sách hỗ trợ riêng đối với đội ngũ cán bộ dôi dư để ổn định lâu dài.

Theo lãnh đạo huyện Đức Thọ, khác với thời điểm trước ngày 31/12/2021, hiện nay việc trợ cấp tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, hưởng chế độ chờ hưu, phụ cấp chức vụ... cho cán bộ dôi dư theo chính sách của tỉnh Hà Tĩnh đã hết hiệu lực, cho nên vấn đề sắp xếp bộ máy sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, tuổi đời của phần lớn đội ngũ công chức hiện nay đang còn trẻ, thời gian tiến hành sắp xếp lại thực hiện trong một thời gian ngắn, khung vị trí việc làm tại các xã, phòng, ban cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ, nên rất khó sắp xếp đội ngũ dôi dư.

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 13/2019/TT-BNV, đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ 1 lần. Ngoài ra, các địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ riêng. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ, chính sách ở một số địa phương còn lúng túng, do các văn bản quy định chưa thật đầy đủ; chưa có cơ chế tài chính để khuyến khích các trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, hoặc có nhu cầu thôi việc để chờ nghỉ hưu. 

Chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách khi thôi việc, chưa đủ để hỗ trợ cho các đối tượng này ổn định cuộc sống hay bắt đầu công việc khác.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, giải quyết chính sách cho cán bộ, là rất quan trọng, tạo ổn định lâu dài. Hiện có tỉnh có chính sách riêng, có tỉnh không, …. vẫn chưa tạo ra sự đồng bộ chung. Do đó, rất cần phải có một chính sách chung để thực hiện, nội dung này cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và giải quyết triệt để.

Sau khi sáp nhập, các địa phương tăng quy mô về diện tích tự nhiên và dân số, thuận lợi cho việc hoạch định các định hướng phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư... Tuy nhiên, công tác sắp xếp cán bộ, dư thừa cơ sở hạ tầng cần sớm được khắc phục nhằm bảo đảm lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính đúng quy định và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong giai đoạn tiếp theo. Bởi đây chính là mấu chốt tạo sự ổn định của đơn vị sau sáp nhập.