Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lũ trên sông Cả đang lên, người dân tiếp tục chạy lũ

Thanh Hải - 11 giờ trước

Sau một đêm thức trắng chạy lũ, sáng 23/7, nước trên sông Cả ở vùng miền núi Nghệ An vẫn đang lên. Vùng hạ du các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Cả, lại tất bật, khẩn trương di dời người dân và tài sản.

Nằm kề liền sông Cả (sông Lam), xã Tương Dương đang hứng chịu những tác động trực tiếp, khủng khiếp từ việc xả lũ của các nhà máy thủy điện phía trên. Ngay trong đêm 22/7, các bản làng dọc sông đã phải tất bật chạy lũ, chính quyền đã phải họp khẩn trong đêm để chỉ đạo công tác ứng phó.

Hàng ngàn hộ dân xã Tương Dương ngập sâu trong lũ (Ảnh: CTV)
Hàng ngàn hộ dân xã Tương Dương ngập sâu trong lũ. (Ảnh: CTV)

Theo báo cáo nhanh của xã này, đến sáng 23/7 đang có 21 thôn bản bị ngập lũ và cô lập, 2.210 hộ buộc phải di dời tránh lũ và trong số đó 1.738 hộ bị ngập 100%. Lũ cũng đã cuốn trôi 3 cầu treo dân sinh là cầu treo Đền Vạn Cửa Rào, cầu treo bản Chắn, cầu treo bản Lau. Giao thông qua địa bàn xã, trong đó có quốc lộ 7A tắc cứng, vì có những đoạn ngập sâu chừng 2m.

Xã Tương Dương nhìn từ trên cao (Ảnh: CTV)
Xã Tương Dương nhìn từ trên cao. (Ảnh: CTV)

Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương Lê Văn Lương cho biết: Lũ trên sông Cả được dự báo đang tiếp tục lên do thủy điện bản Vẽ dự kiến tiếp tục tăng lưu lượng xả lũ. Lại phải tiếp tục chạy lũ lên chỗ cao hơn. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn về người, còn về tài sản thì khó mà đảm bảo được vì rất nhiều nhà cửa đã bị cuốn trôi rồi.

Đêm 22/7, người dân xã Mường Xén cũng tất bật chạy lũ, nhưng vẫn không kịp. Đến quá 23h, nước lũ lên nhanh, người dân bất lực nhìn dòng nước nhấn chìm tài sản. Sáng 23/7, nước sông Nậm Mộ vẫn tiếp tục dâng, cùng với nước các khe suối đổ về nên mực nước chưa có dấu hiệu dừng lại. Qua thống kê nhanh, đã có 528 hộ dân buộc phải di dời.

Quốc lộ 7A lên các xã miền núi Nghệ An bị chia cắt hoàn toàn do lũ (Ảnh: CTV)
Quốc lộ 7A lên các xã miền núi Nghệ An bị chia cắt hoàn toàn do lũ. (Ảnh: CTV)

Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén Nguyễn Viết Hùng thông tin: Tính đến sáng 23/7, đã có 9 khối, bản thuộc vùng lòng hồ và khu vực hạ du thủy điện Nậm Mô bị ngập sâu trong nước từ 1m - 3,5m. Nhiều bản hiện vẫn đang bị cô lập do sạt lở trên các tuyến đường giao thông và do nước lũ dâng cao ngập mặt đường,… Ngành điện đã ngừng cấp điện trên toàn xã để đảm bảo an toàn, thông tin liên lạc cũng đang bị gián đoạn do mưa lũ.

Cũng theo ông Hùng, cả hệ thống chính trị và lực lượng tại chỗ đang tỏa đi các bản làng, căng mình sơ tán người và tài sản giúp dân vì dự báo nước sẽ còn dâng cao do thủy điện dự báo sẽ tăng lưu lượng xả lũ.

Người dân xã Mường Xén đã có một đêm không ngủ (Ảnh: CTV)
Người dân xã Mường Xén đã có một đêm không ngủ. (Ảnh: CTV)

Trong một thông báo khẩn phát đi trong đêm 22/7, tỉnh Nghệ An đã hỏa tốc thông báo về việc xả lũ hồ chứa thủy điện Bản Vẽ. Tại thời điểm 21h đếm 22/7, lưu lượng về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m3/s (tần suất 0,02%, tức là 5.000 năm xảy ra một lần). Hồ đang tiến hành cắt, giảm lũ với lưu lượng xả xuống hạ du là 1.727m3/s và sẽ tăng trong thời gian tới.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, thủ trưởng các đơn vị, địa phương các vùng hạ du thủy điện Bản Vẽ khẩn trương huy động mọi lực lượng hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc (Ảnh CTV)
Các lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc. (Ảnh CTV)

Công tác ứng phó với lũ lụt ở các xã miền núi Nghệ An đang rất khẩn trương, cấp bách. Khó khăn hiện tại là đường giao thông vẫn tắc nghẽn khiến cho việc tiếp cận các bản, làng không thực hiện được. Thêm vào đó, điện lưới nhiều xã cũng đã bị cắt tạm thời, thông tin liên lạc gián đoạn… càng gây khó khăn cho công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả.

Sáng 23/7, Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã cắt cử các tổ công tác, khẩn trương lên các xã vùng miền núi để chỉ đạo địa phương, hỗ trợ Nhân dân di chuyển người và tài sản, cũng như sẵn sàng các phương án cần thiết khi các nhà máy thủy điện tăng lưu lượng xả lũ.

Có một điều rất đang ghi nhận, hiện chưa có thông tin thiệt hại về người. Đó là điều rất đáng mừng, thể hiện sự chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt trong ứng phó với thiên tai ở các xã miền núi Nghệ An.

Tin cùng chuyên mục
Gặp lại ở Phìn Sư

Gặp lại ở Phìn Sư

Tôi lên Phìn Sư, thăm lại gia đình Min Seo Thế, dân tộc Cơ Lao, vào một buổi sớm mùa hè. Mùa này, nước trời ào ạt đổ về từ các khe núi, chảy rậm rịch suốt ngày đêm vào các ô ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì (cũ) nay là thôn Phìn Sư, xã Tân Tiến. Phía xa xa, Seo Thế phăm phăm sải bước, hai tay nắm chặt đốc cày, khéo léo điều khiển con trâu phía trước theo đường cong như mảnh trăng lưỡi liềm của thửa ruộng. Một mình Thế, một con trâu, một thửa ruộng mà thấy cả mùa vàng đã bắt đầu nảy nở dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh.