Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhận diện khó khăn đặc thù của những dân tộc rất ít người: Rào cản từ tập quán sản xuất (Bài 3)

Cù Hương - Sỹ Hào - 14:44, 06/11/2023

Cùng với hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi thì Nhà nước sẽ hỗ trợ nâng cao trình độ năng lực sản xuất, tổ chức lớp tập huấn cho các hộ gia đình về kiến thức sản xuất tại thôn, bản và tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm…cho cộng đồng các dân tộc có khó khăn đặc thù. Đây là nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế thuộc Tiểu dự án 1 – Dự án 9 của Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), được quy định rất cụ thể để tháo gỡ “điểm nghẽn” về năng lực sản xuất, thúc đẩy phát triển bền vững các dân tộc có dân số dưới 10.000 người.

Chính sách phải được triển khai bằng những cách làm rất cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng dân tộc. (Trong ảnh: BĐBP Lai Châu hướng dẫn bà con dân tộc Mảng, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn trồng lúa nước - Ảnh: Đức Duẩn)
Chính sách phải được triển khai bằng những cách làm rất cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng dân tộc. (Trong ảnh: BĐBP Lai Châu hướng dẫn bà con dân tộc Mảng, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn trồng lúa nước - Ảnh: Đức Duẩn)

Trở ngại trong sản xuất

Từ nhiều năm nay, hầu hết các chương trình, dự án của Nhà nước triển khai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đều tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp đến thúc đẩy phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế, từ đó thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, một trở ngại trong việc thực hiện mục tiêu này là tập quán sản xuất của đồng bào, nhất là ở một số cộng đồng DTTS rất ít người, chưa bắt kịp tư duy sản xuất hàng hóa, vẫn sản xuất theo thói quen.

Đơn cử dân tộc Mảng, trong bài viết “Cần thay đổi hình ảnh dân tộc Mảng và La Hủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu” đăng trên Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Lai Châu, ông Lê Đức Dục – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu, cho rằng, cùng với dân tộc La Hủ (thuộc nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn) thì hiện dân tộc Mảng đang có tỷ lệ nghèo và nguy cơ tái nghèo tương đối cao. Một trong những nguyên nhân là do đồng bào còn hạn chế về năng lực sản xuất.

“Đồng bào Mảng rất ít kinh nghiệm trong việc chọn nương mới để sản xuất. Họ chặt cây, đốt cây, thu dọn nương, chọc lỗ tra hạt giống như nhiều dân tộc khác; khoảng ba năm sau, khi nương đó bạc màu, họ lại đi tìm nơi mới. Nương cũ bỏ lại thành rừng thưa, dăm bảy năm sau được khai thác trở lại, nhưng cũng lại một hai năm sau thì bỏ hoang”, ông Dục viết.

Hiện hầu hết các hộ DTTS sản xuất và lựa chọn sinh kế phù hợp với bối cảnh chung của cộng đồng thôn, bản, họ hàng, dòng tộc. (Ảnh minh họa)
Hiện hầu hết các hộ DTTS sản xuất và lựa chọn sinh kế phù hợp với bối cảnh chung của cộng đồng thôn, bản, họ hàng, dòng tộc. (Ảnh minh họa)

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu, nguyên nhân của tình trạng trên là do phong tục tập quán lâu đời, trong đó có nhiều hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu đã sâu gốc, bén rễ trong tâm lý, suy nghĩ của đồng bào. 

Đây cũng là nhận định của ông Nguyễn Duy Dũng (Học viện Dân tộc) trong bài viết “Tâm lý, nhận thức của các tộc người trong xây dựng nông thôn mới vùng DTTS và miền núi hiện nay” đăng trên Trang Thông tin điện tử của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông Dũng cho rằng, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình trong quá trình sống, lao động và sản xuất không thể tự tách mình ra khỏi cộng đồng.

“Trong mối quan hệ dòng họ, gia đình, làng bản, những việc làm mới, những thay đổi khác với thói quen hay tập quán truyền thống thường nhận được nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là những phản ứng tiêu cực. Do vậy, hầu hết các hộ gia đình DTTS sản xuất và lựa chọn sinh kế phù hợp với bối cảnh chung của cộng đồng thôn, bản, họ hàng, dòng tộc, ít có hộ gia đình dám vượt lên bứt phá để tìm những hướng đi mới”, ông Dũng viết.

Gắn bó với môi trường thiên nhiên, tâm lý sản xuất “nhờ trời” khá phổ biến ở nhiều cộng đồng DTTS. (Ảnh minh họa)
Gắn bó với môi trường thiên nhiên, tâm lý sản xuất “nhờ trời” khá phổ biến ở nhiều cộng đồng DTTS. (Ảnh minh họa)

Hỗ trợ có chọn lọc

Theo ông Nguyễn Duy Dũng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo vẫn là chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, muốn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi thì phải coi trọng mô hình phát triển truyền thống đã được đúc kết qua nhiều thế hệ, phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hoá và xã hội của đồng bào.

“Việc đưa giống mới và kỹ thuật khác vào cần phải tuỳ  từng vùng, từng nhóm hộ xem có phù hợp hay không. Quá trình đưa vào cần có thử nghiệm và có đánh giá, bởi người dân, đặc biệt là những thay đổi này không đơn giản chỉ là thay đổi về mặt kỹ thuật, mà có thể còn liên quan đến văn hoá và tâm linh của các cộng đồng”, ông Dũng khuyến nghị.

Cùng quan điểm, trong bài viết của mình, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu - ông Lê Đức Dục, cho rằng, ở mỗi xã, mỗi bản, bà con có những tập quán, cách thức sinh hoạt, lao động sản xuất khác nhau nên không thể áp dụng một cách làm. Tuy nhiên, hiện quy trình triển khai các chương trình, dự án lại phải giống nhau để đảm bảo thuận lợi cho việc quản lý ngân sách, chưa kể đến một số cán bộ triển khai thực hiện ở địa phương, thiếu kinh nghiệm, thậm chí thiếu trách nhiệm nên không ít chương trình, dự án thực hiện không đến nơi đến chốn, dẫn đến bà con có tâm lý ỷ lại vào Nhà nước hoặc chưa thực sự tin tưởng làm theo.

Theo ông Dục, để phát triển đồng bào dân tộc Mảng nói riêng, các DTTS nói chung, chính sách phải được triển khai bằng những cách làm rất cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng dân tộc, từng địa bàn theo nguyên tắc “chính sách như nhau, cách làm khác nhau” hay “chính sách 1, cách làm 10”. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải có kế hoạch dài hạn, chi tiết đến từng địa bàn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những bất hợp lý trong chính sách và thực hiện chính sách.

Các DTTS có khó khăn đặc thù sẽ được hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ tiêm vắc-xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm. (Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của phụ nữ dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy )
Các DTTS có khó khăn đặc thù sẽ được hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ tiêm vắc-xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm. (Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của phụ nữ dân tộc Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy )

Những bất cập trong thực hiện hỗ trợ sản xuất cho các DTTS rất ít người được tháo gỡ - đầu tiên trên phương diện quy định, ở Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719. Theo đó, các DTTS có khó khăn đặc thù sẽ được hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ tiêm vắc-xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất, tổ chức lớp tập huấn cho các hộ gia đình về kiến thức sản xuất tại thôn, bản và tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm cho cộng đồng; hỗ trợ xây dựng mô hình, tổ hợp tác liên kết theo chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động phát triển sản xuất khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với việc tăng năng lực sản xuất thì việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, tập trung vào nhóm ngành có thế mạnh ở miền núi cũng là một giải pháp căn cơ để để phát triển các DTTS rất ít người. Thực tế hiện nay, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao, chủ yếu làm công việc giản đơn, thu nhập bấp bênh,… đang là khó khăn đặc thù của các dân tộc có dân số dưới 10.000 người.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này bài báo tiếp theo.