Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhạc sĩ Trần Viết Bính: Người “thắp lửa” dân ca

PV - 15:24, 11/07/2021

Suốt gần 30 năm qua, có một người đàn ông cứ lặng lẽ, miệt mài đi đến nhiều miền đất để sưu tầm, nghiên cứu dân ca của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai. Tính đến nay, ông đã sưu tầm, nghiên cứu được gần 200 bản dân ca của 5 tộc người gồm: Châu Mạ, Chơ Ro, S’tiêng, Kơ Ho, Chăm Islam. Người đàn ông đó là nhạc sĩ quê lúa Thái Bình Trần Viết Bính, tác giả ca khúc nổi tiếng “Hạt gạo làng ta” (phổ thơ Trần Đăng Khoa).

Nhạc sĩ Trần Viết Bính và một già làng người dân tộc Chơ Ro. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhạc sĩ Trần Viết Bính và một già làng người dân tộc Chơ Ro. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Do tình hình dịch Covid-19 mà nhạc sĩ Trần Viết Bính tạm hoãn ra Bắc, tôi cũng không vào Nam để gặp gỡ, nên chúng tôi thường trao đổi với nhau qua điện thoại và gmail. Qua điện thoại, lúc nào tôi cũng nghe được giọng người đàn ông xấp xỉ tuổi 90 nhưng vẫn thật lạc quan, yêu đời và tràn đầy sức sống. Đặc biệt, tôi cảm nhận được tình yêu lớn mà ông dành cho công việc sưu tầm, nghiên cứu dân ca các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai - một công việc vất vả, gian truân mà không đem lại thu nhập cho ông. 

Qua những cuộc trò chuyện cả qua gmail lẫn điện thoại, tôi đều thấy ông nhắc nhiều đến công việc thú vị này bằng chất giọng hào sảng của người đàn ông từng trải. Có những hôm tôi gửi gmail cho ông lúc 2 giờ sáng thì cũng ngay lập tức ông phản hồi lại. Tôi có cảm tưởng lúc ấy ông đang trăn trở trong “đống tài liệu” về dân ca thu được từ những ngày điền dã ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Nai. Có lần, ông bảo với tôi, ông cảm thấy bực tức vì dịch Covid-19 mà từ đầu năm đến giờ ông chưa có chuyến đi điền dã nào, chắc bà con dưới đó nhớ mình lắm, mong mình lắm!

Nhạc sĩ Trần Viết Bính luôn ý thức được rằng, tuổi của mình ngày càng cao và tuổi của các già làng, trưởng bản cũng vậy, ai cũng như ngọn đèn dầu leo lắt trong đêm tối và có thể tắt bất cứ lúc nào. Với suy nghĩ ấy mà ông luôn cố sức vun vén cho những chuyến đi xa, những mong có thể gặp được nhiều già làng, trưởng bản hơn, được sưu tầm, thu thập nhiều bài dân ca hơn. Nhạc sĩ cho biết: “Là con người sinh ra trên đời, ai cũng phải có niềm đam mê và bằng mọi cách nuôi dưỡng niềm đam mê ấy. Từ năm 1993, khi bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu dân ca thì tôi đã bị cuốn hút theo nó và tôi nghĩ, đó chính là phần đời còn lại của tôi - phần đời luôn được sống với niềm đam mê của chính mình”.

Tôi cũng rất xúc động khi được ông cho xem bức thư mà Giáo sư, Tiến sĩ nhạc sĩ Tô Vũ (nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc cơ sở 2 thành phố Hồ Chí Minh) gửi cho ông khi đọc tuyển tập “Sưu tầm dân ca Châu Mạ” vào năm 1999 - công trình đầu tiên của ông.

Trong thư, vị Giáo sư đáng kính viết: “Với một sự nhiệt tình, sôi nổi, với niềm say mê, chân thực qua một quá trình điền dã nhiều tháng ngày, lội suối trèo đèo, đổ mồ hôi sôi nước mắt, bằng phương pháp dân tộc nhạc học đúng bài bản trong lĩnh vực sưu tầm, nhạc sĩ Trần Viết Bính đã giới thiệu với chúng ta những điệu dân ca thật dễ thương, hồn nhiên, trong sáng của tâm hồn người vùng cao có cấu trúc và âm điệu thật độc đáo, được trình bày với đầy đủ yêu cầu khoa học cần thiết: Phiên âm và phiên dịch lời ca, ký âm chuẩn xác. Đây có thể là công trình sưu tầm dân ca một sắc tộc miền núi với tham vọng quán triệt xuất hiện đầu tiên đối với các sắc tộc Tây Nguyên...”.

Hay trong cuốn sách “Dân ca Mạ, Chơ Ro, S’tiêng, Kơ Ho ở Đồng Nai” của tác giả Trần Viết Bính, Nguyễn Thị Tuyết Hồng (Công trình sưu tầm được Giải B (không có Giải A) Giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2011), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai có viết lời tựa: “Còn nhớ năm 1990, cùng đoàn sưu tầm văn nghệ dân gian lặn lội đến với đồng bào dân tộc Mạ, S’tiêng ở Tà Lài, Bù Cháp (huyện Tân Phú), tôi có trao đổi với nhạc sĩ Trần Viết Bính về ý tưởng “Đánh thức tiếng hát của đồng bào dân tộc thiểu số”. Vậy mà, dù rất bận rộn nhưng nhạc sĩ của “Hạt gạo làng ta” đã âm thầm thu dọn việc riêng, từ năm 1993 đã chuyển sang chuyên tâm lo việc sưu tầm, nghiên cứu dân ca các dân tộc bản địa ở địa phương...”.

Vậy là, cùng với cảm nhận của Giáo sư Tô Vũ và Phó Giáo sư Huỳnh Văn Tới, có thể hình dung ra rõ hơn về công việc, sự say mê, tâm huyết của người nhạc sĩ luôn hết lòng vì dân ca Đồng Nai - nhạc sĩ Trần Viết Bính. Suốt gần 30 năm sinh sống ở Đồng Nai, ông đã coi mảnh đất ấy như quê hương thứ hai của mình và điều đó càng thôi thúc ông phải làm thật nhiều điều tốt đẹp và có ý nghĩa cho nơi này. Công bằng mà nói, chừng ấy năm sinh sống tại đây, nhạc sĩ Trần Viết Bính đã tạo dựng cho một sự nghiệp đồ sộ, một tên tuổi lớn trong làng âm nhạc Việt Nam, sau sự thành công với công việc phụ trách đội ca hát thiếu nhi Vàng Anh nức tiếng Thành Nam một thời. Ông chính là người làm sáng lên, làm đẹp hơn cho dân ca Đồng Nai - nơi có nhiều bài dân ca đang bị “ngủ quên” suốt nhiều năm qua.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...