Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghệ nhân trăm tuổi Mỗ Thị Kịt và hành trình đến với then Tày

Thanh Hà - 15:02, 24/05/2021

“Mẹ là tượng đài trong trái tim chúng con, là tấm gương ngời sáng về tình nhân ái, đức hi sinh, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu. Cả đời mẹ tần tảo vượt qua biết bao gian khó để chúng con có ngày hôm nay. Con tự hào được làm con của mẹ”. Bà Nông Thị Phượng, 67 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Bảo tồn dân ca huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn nghẹn ngào khi nói về người mẹ của mình-Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt trong cảm xúc chất chứa tin yêu và niềm tự hào sâu sắc.

Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt biểu diễn đàn tính.
Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt biểu diễn đàn tính.

Vươn lên trong gian khó

Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt vừa được Chủ tịch nước tặng quà khi cụ tròn 100 tuổi. Mặc dù tuổi cao nhưng cụ luôn bận rộn với nghề làm then giải hạn cầu an, cầu sức khỏe, tài lộc cho con cháu và bà con xa gần. Để hẹn gặp cụ, tôi phải thông qua con trai cụ là ông Nông Ngọc Tăng xin lịch hẹn, vậy mà vẫn phải đến tận nhà gia chủ và tranh thủ phỏng vấn khi cụ đang hành lễ…

Gặp phóng viên, Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt rất vui. Nhìn thẳng vào mắt người đối diện, cụ bình tĩnh, minh mẫn trả lời rành rọt từng câu hỏi và không quên cảm ơn khi được tặng quà. Cụ bảo, quê cụ ở thôn Phai Danh, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia. Cha của cụ là Mỗ Văn Tam (dân tộc Nùng) và mẹ Nguyễn Thị Thao (dân tộc Tày) rất yêu thương nhau nhưng đã lần lượt qua đời khi cụ mới lên 7-8 tuổi. Mỗ Thị Kịt phải ở nương nhờ trong nhà của anh trai, nhưng một năm sau đó, anh trai cũng mất tích trong một chuyến đi buôn gặp cướp dọc đường. Tuổi thơ lớn lên trong mất mát, đau thương, chính hoàn cảnh ấy đã dạy cho bà Mỗ Thị Kịt phải vươn lên mạnh mẽ, kiên cường như cây hồi, cây quế giữa núi rừng Bình Gia xa xôi này.

Lớn lên, bà  Kịt lấy chồng, 8 lần sinh nở nhưng chỉ giữ lại được 6 người con. Chồng đi công tác vắng nhà triền miên, một mình bà gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Ngày làm ruộng, làm nương, tối thu vén nhà cửa, xay ngô, xay thóc, bữa cơm độn sắn, độn ngô, nhà vách lá lụp xụp muốn đổ… trong gian khó, mẹ Kịt vẫn động viên các con: “Nhà mình nghèo, các con phải cố gắng học hành cho nên người!”

Thương mẹ tảo tần vất vả, các con của cụ Kịt đều nỗ lực học hành đỗ đạt, đến nay đều đã lên ông, lên bà. Hạnh phúc của cụ ngập tràn khi con cháu thành đạt, quây quần hiếu thảo.

Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt năm nay tròn 100 tuổi
Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt năm nay tròn 100 tuổi

Đam mê và thành công

Thời thiếu nữ, cụ Mỗ Thị Kịt sống trong ưu tư thầm lặng, nhưng rồi cô gái ấy bỗng quan tâm đặc biệt đến các làn điệu then của dân tộc mình. Cô tham gia nhiều hơn các buổi giao lưu, nghe người già nói chuyện và tập hát những làn điệu đầu tiên.

Cô chủ động tìm đến thầy then Triệu Thị Chứ ở xã Tô Hiệu để học. Xinh đẹp, nết na, thông minh sáng dạ, Mỗ Thị Kịt được thầy dạy yêu quý, tận tâm truyền dạy những làn điệu then và trao cả bí quyết nghề. Sau 10 năm miệt mài học then theo thầy Chứ, Mỗ Thị Kịt trở thành con dâu thảo hiền của thầy. Ba năm sau, khi thầy then tạ thế, cô đã kế nghiệp thầy, trở thành “thủ lĩnh then” của cả một vùng rộng lớn.

Đến nay đã 77 năm trôi qua, cụ Mỗ Thị Kịt không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu hội thi, hội diễn, phục dựng, sưu tầm bao nhiêu làn điệu then cổ, cầu lộc, cầu an cho bao nhiêu gia đình. Từ lâu, áo then bằng lụa của cụ là trang phục biểu diễn của các đội văn nghệ. Ở tuổi 100, cụ vẫn chăm chỉ khâu mũ tướng then cho học trò, dẫn dắt nhiều đệ tử trở thành thầy then giỏi. Danh sách học trò xin làm con nuôi của cụ cũng dày lên theo năm tháng, trong đó có cả người từ nước Pháp xa xôi. Không gian văn hóa then Tày của cụ được vinh danh, lưu giữ trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Đạt đến đỉnh vinh quang của nghệ thuật, Nghệ nhân Mỗ Thị Kịt được đón nhận nhiều danh hiệu cao quý. Năm 2015, cụ được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và năm 2019, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. 

Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt biểu diễn then Tày cầu an cho gia chủ
Nghệ nhân Nhân dân Mỗ Thị Kịt biểu diễn then Tày cầu an cho gia chủ

Nhìn bàn tay nhăn nheo, những ngón tay lướt trên phím đàn tính một cách điêu luyện của cụ Kịt, càng hiểu thêm cái giá trị của điệu then trong đời sống cộng đồng các dân tộc nơi đây. Tiếng đàn của cụ nghe như âm thanh của núi rừng, có khi là tiếng suối chảy thầm thì, tiếng vó ngựa phi dũng mãnh. Trên hai vạn câu thơ Tày Nôm pha lời Việt, từng chữ từng câu, từng chương đoạn của hành trình then cụ hát không lẫn, không trùng, không bỏ sót, đủ cho chúng ta ngưỡng mộ hơn trí tuệ uyên thâm, minh mẫn của cụ già trăm tuổi. Lời then cũng lên bổng xuống trầm như cuộc đời cụ lên rừng xuống biển, qua khe qua suối, cực nhọc lắm, gian truân lắm để có được thành công và hạnh phúc tuooie già như hôm nay. Thành công ấy, hạnh phúc ấy được dệt nên bởi nghị lực, niềm tin và ý chí quyết tâm của một nghệ nhân đã tám thập niên gắn bó với cây đàn tính, điệu then.

Tin cùng chuyên mục
Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Trong 2 ngày 19 và 20/12, Phòng Dân tộc thị xã Ayun Pa (UBND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS năm 2024.