Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhạc kịch Việt trên hành trình chinh phục công chúng

PV - 09:46, 21/03/2022

Tận dụng thế mạnh của sân khấu kết hợp âm nhạc, lời thoại, diễn xuất, vũ đạo, nhiều dự án nhạc kịch ra mắt thời gian qua đã góp phần mang đến hơi thở mới vừa tươi trẻ vừa gần gũi cho nền nghệ thuật nước nhà.


Cảnh trong vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” của Nhà hát Tuổi trẻ
Cảnh trong vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” của Nhà hát Tuổi trẻ

Kể từ khi vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam -“Cô Sao” (kịch bản, âm nhạc: Đỗ Nhuận) được dàn dựng, công diễn lần đầu năm 1965, nhạc kịch Việt đã có hơn nửa thế kỷ phát triển. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là loại hình sân khấu mới mẻ bởi người yêu nghệ thuật trong nước chưa có nhiều cơ hội tiếp cận, thưởng thức nhạc kịch.

Cho tới khoảng năm, bảy năm gần đây, hàng loạt dự án nhạc kịch ra đời, thu hút sự chú ý, hưởng ứng của đông đảo người xem. Tiêu biểu phải kể tới dự án HOPE của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh với ba vở nhạc kịch: “Góc phố danh vọng”, “Đêm hè sau cuối”, “Mộng ước không xa vời” đã làm nên 35 đêm diễn liên tục tại khán phòng L’Espace. Đặc biệt, không thể không nói tới nhạc kịch “Những người khốn khổ” được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng dựa trên tác phẩm cùng tên của đại văn hào Pháp V.Hugo đã làm nên “hiện tượng” với nhiều đêm diễn “cháy vé” tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Điều đáng nói là bên cạnh việc dàn dựng những vở nhạc kịch có kịch bản nước ngoài như “Bầy chim thiên nga” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Chuyện người lính” (Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp Xưởng kịch và nghệ thuật ATH)..., nhiều đơn vị, người làm nghệ thuật trong nước còn mạnh dạn thử sức với những vở nhạc kịch thuần Việt, có thể kể đến: “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh); “Tiên Nga” (Sân khấu kịch Idecaf); “Tuyết Sài Gòn”, “Tấm Cám”, “Thủy Tinh - Đứa con thứ 101” (Nhóm kịch Buffalo); “Hà Nội xưa và nay”, “Tôi đọc báo sáng nay” (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long); “Trại hoa vàng” (Nhà hát Tuổi trẻ)..., và mới đây nhất là “Sóng”-vở nhạc kịch của Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt giữa tháng 3/2022 đang thu hút sự chú ý của đông đảo người yêu sân khấu khi khai thác câu chuyện tình yêu của vợ chồng thi sĩ Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ.

Dù mức độ thành công khác nhau, song sự xuất hiện của những vở nhạc kịch do người Việt sáng tác, biểu diễn và ít nhiều được công chúng đón nhận đã mang đến một bầu sinh khí đầy sôi động cho nhạc kịch nước nhà, đồng thời cho thấy nhiều tiềm năng phát triển của nhạc kịch Việt.

Tuy nhiên, từ thực tế dàn dựng, công diễn nhạc kịch thời gian qua, nhiều chuyên gia sân khấu cho rằng, để nhạc kịch trong nước có thể đi đường dài, vẫn còn nhiều “lỗ hổng” cần lấp. Còn nhớ, khi chia sẻ về quyết định dàn dựng nhạc kịch “Những người khốn khổ”, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly trên cương vị Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam từng chia sẻ: “Nếu không dựng lúc này thì không biết lúc nào mới có thể làm nổi”.

Ấy là bởi ở thời điểm đó, chị nhìn thấy những nhân tố sáng trong đội ngũ diễn viên có thể đảm đương sức nặng của những vai diễn kinh điển, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ ekip đạo diễn, biên đạo là những tên tuổi tài năng được đào tạo từ các nền nghệ thuật tiêu biểu trên thế giới như đạo diễn Triều Dương, biên đạo múa Linh An. Đây là những yếu tố mà không phải lúc nào cũng có. Nói thế để thấy, một trong những thách thức lớn nhất khi thực hiện nhạc kịch là phải tìm được đội ngũ nhân lực đủ khả năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu vở diễn, nhất là khi nước ta hầu như chưa có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp về nhạc kịch.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Tổng đạo diễn nhạc kịch “Sóng”, diễn viên nhạc kịch cần đáp ứng đòi hỏi “ba trong một”, vừa phải biết ca hát, vừa phải biết diễn xuất và thể hiện vũ đạo. Trong khi đó, rất ít diễn viên Việt Nam hội đủ những yêu cầu này. Để tìm được đội ngũ vài chục người tham gia một vở nhạc kịch là cả hành trình gian nan.

Đó là lý do vì sao Nhà hát Tuổi trẻ quyết định tổ chức nhiều đợt tuyển chọn diễn viên trên diện rộng để lựa chọn nhân lực vào các vai diễn. Trong số những người được lựa chọn, có những ca sĩ chuyên nghiệp, có những diễn viên kịch và cả những diễn viên múa. Họ buộc phải trải qua quá trình đào tạo kéo dài nhiều tháng để hoàn thiện thêm các kỹ năng khác mới có thể đáp ứng yêu cầu vở diễn. Nghệ sĩ Ưu tú Cao Ngọc Ánh cho biết, thông qua tuyển chọn diễn viên, chị và nhà hát còn mong muốn tạo ra một cộng đồng những người yêu thích nhạc kịch ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung...

Cùng với khoảng trống lớn về lực lượng biểu diễn, sự thiếu vắng đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên kịch trong nước thật sự hiểu về nhạc kịch cũng là rào cản phát triển loại hình sân khấu này. Đó là chưa kể, nhạc kịch luôn đòi hỏi sự khắt khe về âm nhạc, phục trang, ánh sáng cùng nhiều kỹ thuật bổ trợ khác nên cần sự đầu tư kinh phí, thời gian, công sức lớn hơn rất nhiều so với các loại hình nghệ thuật khác. Do đó, đây vẫn đang là lãnh địa dành cho những người thật sự muốn dấn thân khai mở.

Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả dành cho một số dự án nhạc kịch thời gian qua đã khẳng định nhạc kịch không phải loại hình quá kén người xem như lâu nay vẫn tưởng. Tính nghệ thuật xen lẫn giải trí giúp nhạc kịch đang dần hình thành chỗ đứng trong lòng công chúng. Và đây chính là cơ sở để sự phát triển của nhạc kịch Việt Nam cần được quan tâm hơn nữa, đặc biệt trong khâu đào tạo để từng bước chuyên nghiệp hóa nhạc kịch nước nhà.