Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Khóc giữa trời xanh: Sức hút của vở kịch lịch sử mang tính thời sự

PV - 19:48, 08/01/2022

Là tác phẩm hiếm hoi về đề tài lịch sử, Khóc giữa trời xanh của Công ty Sử Việt vừa công diễn tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 tại TP. Hồ Chí Minh đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc nơi người xem. Bên cạnh đó, với trang phục đẹp, thuần Việt, dàn diễn viên "chín nghề", nội dung chuyện kịch thời sự đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ tại Liên hoan.

Trang phục vở diễn được đánh giá sang trọng, tinh tế và thuần Việt
Trang phục vở diễn được đánh giá sang trọng, tinh tế và thuần Việt

Sân khấu sang trọng, mỹ thuật

Dự kiến ra mắt vào tháng 5/2021, thế nhưng dịch Covid-19 ập đến, Khóc giữa trời xanh đành lỡ hẹn với công chúng yêu kịch. Do đó, sự trở lại lần này, tác phẩm trở thành một trong những vở mới toanh, thu hút sự quan tâm của khán giả. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chật kín người xem, đã cho thấy sức hút của một tác phẩm lịch sử được đầu tư chỉn chu, nghiêm túc.

Vở diễn do Nguyên Phùng đạo diễn, là kịch bản lịch sử mượn điển cố xưa để nói chuyện nay, được Lê Chí Trung cảm tác từ nỗi oan khuất và thân phận bi thương của Thái sư Lê Văn Thịnh thời nhà Lý. Đây là nhân vật đã cùng với Lý Thường Kiệt làm nên “hai cánh tay văn - võ song toàn” cho vua Lý Nhân Tông. Ông đỗ Nho học tam trường năm 25 tuổi (tương đương Trạng nguyên sau này) và làm Thái sư ở tuổi 35. Ông từng đi sứ sang nhà Tống, đòi lại 6 huyện bị chiếm giữ chỉ bằng tài biện luận. Có nhiều công trạng nhưng kết cục cuộc đời ông lại rất bi thảm. Tên nhân vật trong vở được thay đổi so với tên trong chính sử. Vở có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Phạm Thục, Anh Đức, Á hậu Coco Thùy Dung... NTK Sĩ Hoàng tham gia với 3 vai trò: Nhà sản xuất, thiết kế phục trang và đặc biệt là vai chính Lê Văn Thịnh.

Cùng với NSƯT Tuyết Thu, vai Thái sư Lê Văn Thịnh của Sĩ Hoàng có thể xem là khá nặng ký, vì có nhiều trường đoạn với tâm lý khác nhau. Đài từ tốt cộng với nét diễn tự nhiên, khoan thai, lành nghề, NTK Sĩ Hoàng đã phác họa thành công phong thái của một vị trung quân, hết lòng vì dân vì nước… Các nhân vật khác cũng diễn khá tròn vai, bộc lộ được tính cách và gắn kết tạo nên thành công cho tác phẩm. Thêm vào đó, sự xuất hiện Á hậu Coco Thùy Dung trong vai công chúa cũng tạo sự mới mẻ, hấp dẫn cho vở diễn.

Điểm cộng lớn nhất trong tác phẩm có lẽ phải dành cho thiết kế sân khấu của họa sĩ Lê Định và nhà thiết kế phục trang tài ba Sĩ Hoàng. Các nghệ sĩ đã mang đến một không gian vô cùng đẹp mắt và sang trọng, đầy tính nghệ thuật. Xem kịch, nhiều khán giả ngỡ ngàng vì sân khấu đẹp như bức họa. Các diễn viên được đầu tư trang phục ấn tượng với những kiểu dáng, chất liệu, họa tiết tinh tế, thuần Việt. Các hình khối, màu sắc được họa sĩ sử dụng nhuần nhuyễn, mang tính ẩn dụ cao để làm rõ hơn nội dung câu chuyện…

Âm nhạc và ánh sáng trong Khóc giữa trời xanh cũng làm hài lòng khán giả. Duy chỉ có nhịp kịch hơi chậm, có lẽ đó là đặc trưng riêng của loại hình kịch lịch sử hoặc là ý đồ của tác giả, nhằm để cho người xem dễ nắm bắt mạch cảm xúc của câu chuyện.

Sân khấu “Khóc giữa trời xanh” với thiết kế bài bản, mang tính ước lệ cao
Sân khấu “Khóc giữa trời xanh” với thiết kế bài bản, mang tính ước lệ cao

Đưa sử học đến với giới trẻ thông qua nghệ thuật

Đó là khát khao của NTK Sĩ Hoàng khi anh đầu tư dàn dựng vở kịch lịch sử Khóc giữa trời xanh với mong muốn góp phần hình thành một lớp khán giả trẻ biết yêu kịch, hiểu sân khấu và lịch sử nước nhà... 

“Hiện nay phần lớn giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên ít có cơ hội được tiếp cận với sân khấu, nên từ lâu tôi và các cộng sự vốn là cán bộ, giảng viên, diễn viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh mong muốn có một sân khấu để tiếp cận với họ, nhưng mãi cho đến nay mới thực hiện được. Ước mong của những người làm nghệ thuật, làm sư phạm như chúng tôi là tạo ra thế hệ khán giả trẻ, có nhu cầu đến nhà hát để xem sân khấu, xem kịch”, NTK Sĩ Hoàng chia sẻ và cho hay, cùng với đó, BGH Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết mong muốn có được những vở kịch như vậy để tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa. 

Được biết, ngoài là NTK, Sĩ Hoàng hiện là giảng viên thỉnh giảng của một số trường đại học, đồng thời cũng đã có nhiều vai diễn trên các sân khấu.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc sân khấu nói chung hiện gặp nhiều khó khăn, lại ở vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, nhưng anh vẫn quyết định đầu tư vào lĩnh vực này liệu có mạo hiểm? Sĩ Hoàng tỏ ra không lo ngại: Ở đây mọi người không đặt nặng vấn đề lợi nhuận kinh tế, cũng không nghĩ đến chi phí tổn hao mà nghĩ đến cái lợi lớn nhất là muốn hình thành ở giới trẻ một thói quen lành mạnh, ngoài giải trí trên các thiết bị thông minh còn phải hiểu sân khấu, yêu kịch để bổ trợ cho việc học của mình... Bên cạnh đó, phần lớn diễn viên tham gia vở diễn đều hoạt động trong lĩnh vực sư phạm nên rất thấu hiểu, chia sẻ với mục tiêu chung mà dự án này hướng đến. 

“Rất mừng là dù trải qua thời gian dài khó khăn vì dịch bệnh nhưng ê kíp đã gắn bó, nỗ lực để đợi đến ngày ra mắt khán giả. Tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc lần này, tôi nhận thấy số lượng vở diễn và diễn viên tham gia khá cao, điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của các sân khấu, của nghệ sĩ và điều này làm cho tôi rất cảm động. Tôi tin vào thành công của Liên hoan, dù ở mức độ nào cũng là điều đáng quý”, Sĩ Hoàng bày tỏ.

Theo NTK, sắp tới anh sẽ làm việc với các trường THCS và THPT, hợp đồng diễn cho học sinh tại hai nơi là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Thành phố, với mục tiêu mong muốn đặt ra là đạt được 100 suất diễn cho các trường trung học. “Sử là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc. Tôi mong muốn góp sức để đẩy mạnh hơn nữa các dự án liên quan về nghệ thuật gắn với lịch sử dân tộc, dùng ngôn ngữ nghệ thuật chuyển tải văn học và lịch sử, để từ đó giúp các em thêm yêu văn hóa dân tộc, không quên nguồn cội…”, NTK Sĩ Hoàng chia sẻ.

Được biết, NTK Sĩ Hoàng là người sáng lập Bảo tàng Áo dài, sau đó anh cùng với nhà Nghiên cứu sử học Nguyễn Khắc Thuần thành lập Viện Nghiên cứu trang phục Việt và mới đây là Công ty CP Sử Việt, với tâm huyết đưa lịch sử nước nhà đến với học sinh thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...