Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nguy cơ “quả bom nợ Evergrande” phiên bản Việt Nam

PV - 10:48, 29/09/2021

Các chuyên gia cho rằng, câu chuyện của Tập đoàn Evergrande cũng như một lời cảnh báo đối với thị trường bất động sản Việt Nam.

Tập đoàn Evergrande
Tập đoàn Evergrande

Tuần qua, những vấn đề tài chính của Evergrande - Tập đoàn bất động sản khổng lồ của Trung Quốc, đã làm rung chuyển thị trường thế giới do những lo ngại về nguy cơ doanh nghiệp này phá sản. Khối nợ hơn 300 tỷ USD mất khả năng thanh khoản của Evergrande sẽ ảnh hưởng lớn đối với hệ thống tài chính và thị trường bất động sản không chỉ riêng của Trung Quốc, mà còn lan ra nhiều nền kinh tế của các quốc gia liên quan.

Theo các chuyên gia, câu chuyện của Tập đoàn Evergrande cũng như một lời cảnh báo đối với thị trường bất động sản Việt Nam để tránh việc hình thành những "quả bom nợ Evergrande" phiên bản Việt Nam.

Tiến sỹ Bùi Đức Hưng - Trường Đại học Mở Hà Nội nhận xét, nếu so sánh gói nợ của Evergrande với GDP Trung Quốc năm 2020 (khoảng 15.380 tỷ USD) thì giá trị khoản nợ này chỉ chiếm khoảng 2% nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Trung Quốc nói chung, nhưng có tác động nhất định đến quyền lợi người mua nhà, thị trường chứng khoán cũng như nhà đầu tư đại chúng của tập đoàn này.

Thời gian qua, thị trường bất động sản Trung Quốc luôn trong tình trạng tăng trưởng nóng, dựa trên vay vốn, điển hình là Tập đoàn Evergrande. Việc Tập đoàn này nếu có sụp đổ cũng chưa thể tạo hiệu ứng dây chuyền cho thị trường bất động sản bởi đặc điểm của hệ thống tài chính của Trung Quốc rất mạnh và có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước.

Mặt khác, quy mô thị trường chứng khoán Trung Quốc quá lớn, đủ để hấp dẫn các giao dịch quy mô lớn đến cực lớn cho nên không thể đổ vỡ chỉ do sự mất khả năng thanh khoản của Evergrande, Tiến sỹ Bùi Đức Hưng phân tích.

Tầm cỡ như Evergrande với "núi nợ" 300 tỷ USD, tỷ lệ nợ trái phiếu lớn thì cho dù có sụp đổ cũng chưa chắc đã ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế và thị trường bất động sản Trung Quốc. Do đó, lo lắng về các "rung chấn" đối với thị trường bất động sản Việt Nam sẽ không xảy ra.

Theo phân tích của Tiến sỹ Bùi Đức Hưng, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam chưa có các khoản nợ quốc tế bằng USD đáng kể và không phổ biến. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam vẫn trong tiến trình tăng trưởng. Đầu tư hạ tầng và quá trình đô thị hóa vẫn tiếp diễn mạnh mẽ là chỗ dựa vững chắc cho thị trường bất động sản khi vẫn có nền tảng kinh tế - xã hội để phát triển. Ngoài ra, với đặc điểm đầu tư tại Việt Nam, bất động sản chiếm có ưu thế hơn một số kênh khác nên vẫn được nhà đầu tư chọn lựa.

Thị trường bất động sản Việt Nam tăng trưởng nóng nhiều năm cũng đã dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu trong từng phân khúc thị trường. Tổng cung đang lớn hơn tổng cầu. Doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhìn chung thực lực tài chính không lớn. Nguồn vốn chủ yếu đi vay hoặc huy động ứng trước của khách hàng.

Hiện tượng đầu tư lướt sóng, đầu cơ vẫn phổ biến. Một số không nhỏ, nhà đầu tư nước ngoài "mượn danh" người Việt Nam để đầu tư, kinh doanh bất động sản. Việc đầu tư kéo dài, tính thanh khoản thấp của một số dự án đã góp phần tăng dư nợ trong thị trường bất động sản, gây nỗi lo rủi ro vĩ mô về tín dụng khi liên hệ với sự sụp đổ của Evergrande.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế tuy vẫn có tăng trưởng, nhưng tốc độ gia tăng giảm, khó khăn còn kéo dài. Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Thu nhập trực tiếp và gián tiếp của các nhà đầu tư giảm sút... Thế nên, những khó khăn của thị trường bất động sản Việt Nam không chỉ ngắn hạn 6 tháng hay 1 năm mà còn có thể kéo dài tới 2, 3 năm tiếp theo và buộc các nhà đầu tư phải cân nhắc, Tiến sỹ Bùi Đức Hưng nêu vấn đề.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Đinh Thế Hiển phân tích, khoảng từ 3 - 6 tháng tới, hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực nội địa sẽ gặp khó khăn do tác động của việc giãn cách các tỉnh, thành phía Nam với sự đóng cửa của nhiều doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ, khiến người lao động bị giảm thu nhập nặng. Nhu cầu tiêu dùng sẽ bị giảm khá mạnh, làm ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tác động trực tiếp rõ nét nhất tới thị trường bất động sản chính là việc cho thuê văn phòng, cửa hàng, khách sạn bị sụt giảm mạnh và chỉ có thể trở lại bình thường sau 6 tháng hoặc khi du lịch quốc tế được mở cửa. Thị trường cho thuê căn hộ cũng gặp khó dù ít hơn so với phân khúc cho thuê kinh doanh.

Điều đáng lo ngại hiện nay là bên cạnh khoản nợ ngân hàng thì các công ty bất động sản đang nợ từ trái phiếu với mức tăng mạnh trong năm 2021. Chỉ tính riêng 2 quý đầu của năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là hơn 208.000 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số đó, doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu với lượng phát hành trái phiếu lên tới 92.300 tỷ đồng, chiếm 44,2% tổng lượng phát hành trên thị trường. Rủi ro đang tăng cao từ vay nợ của các công ty đầu tư bất động sản sẽ gây hiệu ứng xấu cho thị trường bất động sản. Chỉ cần một vài doanh nghiệp gặp khó khăn trong trả nợ sẽ gây ra tâm lý lo ngại "dây chuyền" với nhà đầu tư, Tiến sỹ Đinh Thế Hiển dẫn chứng.

Tuy nhiên xét về trung hạn (2 - 5 năm), thì thị trường bất động sản vẫn ổn do nền kinh tế của Việt Nam đang tăng trưởng nhờ FDI và kéo theo thúc đẩy kinh tế nội địa. Có thể khẳng định xuất khẩu Việt Nam năm 2021 tốt hơn năm 2020; trong đó có vai trò của FDI rất lớn. Với xu thế phát triển của xuất khẩu, của FDI sẽ trở thành động lực thúc đẩy mở rộng các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông lớn, hệ thống cảng biển và tiến trình đô thị hóa. Những yếu tố này là nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản trong trung hạn.

Tiến sỹ Đinh Thế Hiển cho rằng, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể lựa chọn những bất động sản có vị trí đắc địa và tiềm năng. Nếu nhà đầu tư muốn lướt sóng cần phải có kịch bản sống chung với nợ nếu không thể thanh khoản trong vòng 2-3 năm. Đặc biệt, ông Hiển khuyến nghị nhà đầu tư bỏ vốn vào trái phiếu công ty bất động sản nên cẩn thận.

Đánh giá về hiện tượng Evergrande, Luật sư Nguyễn Văn Lộc cho rằng, Việt Nam cần kiểm soát việc thực thi chính sách bất động sản để chủ động ứng phó tránh những "quả bom nợ Evergrade" phiên bản Việt Nam khi dịch bệnh vẫn tiếp diễn.

Trước tiên, phải rà soát yếu tố nào đang cản trở tính thanh khoản thị trường để khơi thông mà tiêu điểm là hai nhân tố chính. Đó là việc chấp thuận pháp lý cho dự án thuộc chủ đầu tư đủ năng lực và ngân hàng có cơ chế linh hoạt lãi suất cho các thành phần tham gia thị trường (đặc biệt là chủ đầu tư và người mua nhà để ở).

Bên cạnh đó, phải kiểm soát lại việc phát hành trái phiếu ồ ạt trong thời gian qua và có phương án cân bằng pháp lý, không để người mua trái phiếu "nắm đằng lưỡi". Điểm mấu chốt là tài sản bảo đảm của chủ đầu tư không chỉ đáp ứng đúng các tiêu chí phát hành mà duy trì giá trị liên tục sau đó. Việc sử dụng nguồn tiền có đúng mục đích hay không và giá trị tài sản thực hay ảo sẽ là những việc cần kiểm tra, Luật sư Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh.

Đặc biệt, cần thanh tra toàn diện các dự án huy động vốn khi chưa đủ điều kiện huy động và áp chế tài bất kể lý do gì. Dự án chỉ sống bằng khoản vay ngân hàng và duy trì bằng vốn huy động từ khách hàng sẽ không thể cứu nếu vỡ nợ. Đồng thời, cơ quan chức năng phải quyết tâm xóa quy hoạch treo, thu hồi hàng loạt dự án bỏ hoang và cảnh báo đối với dự án chậm tiến độ. Nạn đầu cơ tích trữ quỹ đất trong hai thập niên trở lại đây đã đến lúc làm quyết liệt để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực, Luật sư Lộc đề xuất./.