Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người tìm lại thương hiệu “Gốm Bồ Bát”

Hồng Phúc - 09:33, 22/10/2019

Gốm Bồ Bát có mặt hầu hết trong các đền thuộc di tích lịch sử cố đô Hoa Lư. Loại gốm này được làm bởi nguồn đất sét trắng, quý hiếm chỉ ở vùng Yên Thành mới có. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men với độ trắng cao và thời gian nung chỉ bằng 50 - 70% so với các loại đất khác, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng. Sản phẩm sau khi nung ít bị nứt, vỡ.

Anh Phạm Văn Vang bên xưởng gốm của mình.
Anh Phạm Văn Vang bên xưởng gốm của mình.

Anh Phạm Văn Vang, sinh năm 1981, ở làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô (Ninh Bình) được biết đến như người hồi sinh nghề gốm Bồ Bát của quê hương.

Xót xa khi nghe chuyện làng gốm Bồ Bát một thời “trên bến dưới thuyền” đã mai một; nghĩ đến trách nhiệm của người trẻ với di sản của quê hương, năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Phạm Văn Vang khăn gói ra Hà Nội để học các kỹ thuật vẽ tranh cổ, làm gốm. Hành trình rong ruổi học, thử nghiệm kéo dài 6 năm, Vang không nhớ hết những lần thất bại. Rồi cuối cùng, những mẻ gốm đầu tay thành công cũng đã ra đời, đền đáp xứng đáng cho sự nỗ lực không biết mệt mỏi của Vang.

Phạm Văn Vang cho biết, anh luôn có niềm tin những lò gốm trên quê hương Yên Thành sẽ đỏ lửa trở lại, như một thời vàng son ngày trước. “Mình phải bắt tay vào làm, phải có người tiên phong thì mọi người xung quanh mới có động lực để nhóm lại những lò gốm đã nguội lạnh từ lâu. Mình thấy đây không chỉ là đam mê, mà còn là trách nhiệm của một người con của làng gốm”, anh Phạm Văn Vang chia sẻ.

Với số vốn tích cóp những năm đi làm thuê, rồi vay mượn, anh trở về quê với quyết tâm mở xưởng, phục dựng lại nghề đã thất truyền. Những ngày đầu khó khăn, tiền tiết kiệm và vay mượn được hơn 100 triệu đồng, anh làm vốn khởi nghiệp. Chỉ học nghề thôi chưa đủ, bắt tay vào làm “ông chủ”, anh gặp vô vàn khó khăn từ quản lý thợ, xoay dòng vốn đến tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là khi thị trường đã có nhiều thương hiệu lớn và cái tên “Gốm Bồ Bát” vẫn còn xa lạ với nhiều người. Thời đoạn đầu, một mình anh đi khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam để chào hàng, ký gửi sản phẩm trong các hội chợ, gian hàng gốm sứ… Không có nơi nào anh không thử, với khao khát cháy bỏng là có cơ hội giới thiệu gốm Bồ Bát đến với người tiêu dùng.

Từ xưởng sản xuất vài trăm mét, hiện nay, Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển đồ gốm Bồ Bát của Phạm Văn Vang đã có xưởng trên 2.000m2, sản xuất nhiều dòng sản phẩm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã độc đáo. Nhiều sản phẩm cao cấp có giá hàng chục triệu đồng. Những năm gần đây, doanh thu mỗi tháng của công ty luôn ở mức 200 - 300 triệu đồng. Xưởng sản xuất gốm của công ty hiện đang tạo việc làm cho 25 công nhân, với mức lương ổn định 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, nhiều khách hàng trong nước đã biết đến và yêu thích thương hiệu “Gốm Bồ Bát”, một số sản phẩm của công ty đã được đưa ra các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Pháp và được đánh giá cao. Năm 2016, Phạm Văn Vang được công nhận là Nghệ nhân cấp Quốc gia.

Ở xã Yên Thành, từ sự nhiệt tình truyền nghề mà nhiều người đã “đầu quân” cho xưởng gốm của anh Vang để chung tay gìn giữ, làm sống lại dòng gốm Bồ Bát trước nguy cơ bị thất truyền. Đặc biệt, bà con còn ý thức được giữ gìn, phát huy sản phẩm gốm không những mang lại thu nhập về kinh tế mà còn góp phần quảng bá du lịch cho quê hương.

Nhiều khách hàng trong nước đã biết đến và yêu thích thương hiệu “Gốm Bồ Bát”, một số sản phẩm của công ty đã được đưa ra các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Pháp và được đánh giá cao. Năm 2016, Phạm Văn Vang được công nhận là Nghệ nhân cấp Quốc gia.