Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người tận tụy với sự phát triển của đồng bào Brâu ở làng Đăk Mế

Thy Thảo - 17:13, 07/11/2023

Ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chị Đinh Thị Khiêm, dân tộc Mường, là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng. Chị Khiêm luôn được đồng bào Brâu tin tưởng, quý trọng.

Chị Đinh Thị Khiêm (bên trái) gần gũi, giúp đỡ người dân trong đời sống hằng ngày.
Chị Đinh Thị Khiêm (bên trái) gần gũi, giúp đỡ người dân trong đời sống hằng ngày.

Trước khi được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đăk Mế, chị Đinh Thị Khiêm từng là Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn. Ở cương vị nào, chị Khiêm đều phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Thôn Đăk Mế có hơn 270 hộ dân, trong đó có hơn 170 hộ là đồng bào dân tộc Brâu. Ngày còn làm Chi Hội trưởng Phụ nữ, để công tác dân vận đạt hiệu quả, chị Khiêm luôn gần gũi, sâu sát với bà con. Hễ gia đình nào trong làng có việc cần giúp đỡ hoặc ốm đau, hiếu hỉ là chị đến tận nhà thăm hỏi, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ. Chị còn chia sẻ với các chị em kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con ngoan, khỏe mạnh, hỗ trợ chị em những công việc liên quan đến thủ tục giấy tờ gia đình… Nhờ vậy, chị được các chị em trong làng ngày càng tin tưởng, nể trọng. Vị thế, tiếng nói của chị được khẳng định tại địa phương.

Khi có được niềm tin của dân làng, chị Khiêm thuận lợi hơn trong công tác truyên truyền, vận động. Xác định một phần nguyên nhân của đói nghèo ở thôn Đăk Mế là do bà con người Brâu vẫn còn giữ một số lề thói, tập quán lạc hậu như: Ma chay, cưới hỏi dài ngày; tục thả rông gia súc; sinh đẻ tại nhà; trả nợ miệng; khi đau ốm thì không đi khám chữa bệnh mà chỉ cúng khấn thần linh ở nhà; trong hôn nhân thì vẫn còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải vận động bà con xóa bỏ những hủ tục này.

Cách làm của chị Khiêm là mỗi khi trong làng tổ chức ma chay, cưới hỏi, chị đều đến tận nhà bà con góp ý, khuyên bảo, phân tích những cái lợi, cái hại khi tổ chức hiếu hỉ ngắn ngày và dài ngày. “Mưa dầm thấm lâu”, bà con nhận ra và chỉ còn tổ chức đám cưới trong một buổi, ma chay chỉ tối đa 2 ngày.

Chị Khiêm luôn vận động người dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập.
Chị Khiêm luôn vận động người dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập.

Đối với tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chị Khiêm phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN xã, chính quyền địa phương kiểm soát thanh, thiếu niên trong làng; thường xuyên đến những gia đình có con học THCS, THPT để động viên, nhắc nhở các cháu tập trung học hành, can thiệp kịp thời khi phát hiện các cháu có quan hệ tình cảm, định hướng để các cháu nâng cao nhận thức. Cùng với đó, chị Khiêm còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong thôn, vận động những phụ nữ mang bầu giai đoạn cuối không được ngủ ở nhà đầm, sinh đẻ phải có sự can thiệp của cán bộ y tế để đảm bảo an toàn cho sản phụ và đứa bé.

Cùng với việc giúp bà con xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp, chị Khiêm còn vận động bà con phát triển kinh tế. Chị cho biết, Nhà nước quan tâm đến đời sống của người Brâu, có nhiều chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón… cho người dân phát triển kinh tế. Để việc thực hiện có hiệu quả, chị cùng chính quyền địa phương trực tiếp hướng dẫn bà con các kĩ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Đến nay, người dân ở thôn Đăk Mế đã phát triển được hơn 170ha cây lâu năm và các loại cây ăn quả, trong đó riêng người Brâu đã phát triển được hơn 75ha cây lâu năm (cà phê, cao su, bời lời...).

Để việc đi lại trong khu sản xuất thuận lợi, chị Khiêm vận động người dân hiến đất làm đường vào khu sản xuất. “Trước đây, đường vào khu sản xuất rất khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất và vận chuyển nông sản. Qua vận động và được sự quan tâm đầu tư của chính quyền, người dân bê tông hóa hơn 3 km đường đi vào khu sản xuất”, chị Khiêm cho biết.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị Khiêm còn chú trọng công tác phổ biến pháp luật cho người dân trong thôn, nhất là việc thực hiện Luật Biên giới quốc gia. Chị chia sẻ: “Trong các buổi họp, chào cờ hằng tháng, tôi thường xuyên tuyên truyền người dân về công tác giữ gìn trật tự vùng biên giới. Nhắc nhở người dân không được vượt biên, không dẫn dắt người nhập cư trái phép, không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ”.

Trong thôn, chị Khiêm là tấm gương sáng trong việc phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, gia đình chị có 2,5ha cà phê, 2ha cao su, 1ha mì (sắn), 1 sào lúa và hơn 400 cây ăn trái các loại. Trừ mọi chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình chị thu về hơn 200 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ về tâm tư, sự gửi gắm của người dân ở thôn Đăk Mế, chị Khiêm mong muốn trong thời gian tới, các cấp, các ngành quan tâm mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao kĩ thuật sản xuất, chăn nuôi để bà con phát triển kinh tế ngày càng hiệu quả hơn; tạo điều kiện để con em người Brâu tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có việc làm ổn định...

Chị Đặng Thị Hạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Pờ Y cho biết: Chị Khiêm là người cán bộ gương mẫu, trách nhiệm trong công việc và có sự tín nhiệm cao từ người dân trong thôn. Các nhiệm vụ của Đảng ủy, UBND xã giao, chị đều nắm bắt và triển khai kịp thời về thôn. Với uy tín của mình, chị đã và đang tiếp tục đẩy lùi những hủ tục, phong tục không còn phù hợp, giúp bà con Brâu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.