Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người nhạc sĩ say mê với âm nhạc dân tộc

PV - 15:11, 17/09/2021

Sinh ra tại xã Tân Phong, huyện Phù Yên tỉnh Sơn La, cái nôi văn hóa lớn của dân tộc Mường vùng cánh đồng phù hoa Mường Tấc, từ thuở nhỏ, nhạc sĩ Mùi Hái được nghe, được cảm thụ và say mê câu hát “Đang” Mường. Những lời ca, điệu hát ngọt ngào, đậm đà bản sắc của người vùng cao như “mạch máu” nuôi dưỡng tâm hồn ông để rồi ông say, mê, yêu âm nhạc dân tộc tự lúc nào không hay.

Nhạc sĩ Mùi Hái
Nhạc sĩ Mùi Hái

Nói đến nhạc sĩ Mùi Hái, những người yêu âm nhạc và nhân dân các dân tộc Tây Bắc đều biết đến. Ông là một trong những nhạc sĩ đặc biệt thành công trong việc đưa giai điệu và ca từ của dân ca dân tộc thiểu số vào các ca khúc sáng tác mới. Gắn bó cả đời mình với núi rừng Tây Bắc, nâng niu chắt lọc từng làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào nơi đây, cho đến nay, ở tuổi 65, ông đã viết hơn 150 ca khúc ngợi ca về quê hương, đất nước, con người Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Ngoài ra, ông còn viết nhiều tác phẩm cho nhạc múa Sơn La.

Năm 1972, khi mới 16 tuổi, chàng thanh niên người dân tộc Mường Mùi Hái theo học lớp sơ cấp âm nhạc tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghĩa Lộ. Không chỉ dừng ở đó, học xong sơ cấp năm 1976, ông tiếp tục theo học lớp trung cấp sáng tác tại Trường Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc. Sau đó, ông công tác tại Đoàn ca, múa Sơn La, nay là Nhà hát ca, múa, nhạc dân tộc tỉnh Sơn La. Năm 2010, ông chuyển về công tác tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Sơn La.

Là người say mê miệt mài tự tìm tòi các chất liệu âm nhạc dân gian, nhạc sĩ Mùi Hái không quản ngại khó khăn, đặt chân tới mọi vùng miền xa xôi để thu thập, thẩm thấu và chắt lọc tinh hoa văn hóa, cho ra đời những tác phẩm có chất lượng phục vụ nhân dân, phục vụ công chúng yêu nghệ thuật. Nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Mùi Hái trở thành bài ca truyền thống của quê hương, là biểu tượng âm nhạc, là niềm tự hào của dân tộc như các ca khúc: “Hát từ vùng đất Sơn La”, “Bến vạn tình yêu”, “Núi rừng ơn Đảng, ơn Bác Hồ”, “Chè quê tôi”, “Gọi nắng mùa Xuân”, “Miền quê huyền thoại”, “Dừng chân đỉnh núi”, “Đường về bản em”...

Có thể nói, ngoài năng khiếu và những kiến thức âm nhạc bài bản ra thì tình yêu quê hương, sự thấu hiểu văn hóa Tây Bắc đã giúp nhạc sĩ Mùi Hái có được cái chất riêng hiếm có giữa nhiều nhạc sĩ, nhà thơ cũng sáng tác về đề tài này. Sự phong phú, độc đáo của dân ca, dân vũ Thái, Mông, Mường, Khơ Mú là mảnh đất màu mỡ để ông khai thác, sáng tác... Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu, sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống như: Khèn, tính tẩu, trống, chiêng, hưn mạy, đàn môi...

Nhạc sĩ Mùi Hái
Nhạc sĩ Mùi Hái

Không chỉ sáng tác bài hát, phổ nhạc cho thơ, nhạc sĩ Mùi Hái còn dày công sưu tầm và lưu giữ nhiều làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số và diễn ca lại. Các truyền thuyết cổ lưu truyền trong dân gian như sự tích Nàng Ban bản Khòng, xã Mường Khoa, huyện Vân Hồ ông viết thành ca khúc:“Chuyện về hoa ban”; sự tích miền quê huyện Sốp Cộp mà chim bay đến bạc đầu vẫn chưa tới, được ông sáng tác thành ca khúc:“Miền quê huyền thoại”.

Ca khúc này như một bài ca truyền thống luôn được ngân lên trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình của huyện Sốp Cộp. Những ca từ trong tác phẩm của nhạc sĩ Mùi Hái đều mộc mạc, giản dị, vì thế mà dễ nghe, dễ cảm. Có cảm giác, nghe ca khúc của ông sáng tác, ta có thể hình dung được cuộc sống muôn màu muôn vẻ cũng như những ước nguyện, tình cảm của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc.

Tâm huyết của người nhạc sĩ tài hoa Mùi Hái đã được ghi nhận qua rất nhiều tấm Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên, các giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Sơn La. Trong đó, những tác phẩm đoạt Huy chương Vàng gắn liền với tên tuổi của ông phải kể đến như: “Đám cưới”, “Xênh tiền”, “Cầu mùa”, “Tiếng lá gọi Xuân”, “Được mùa bông”...

Năm 2017, nhạc sĩ Mùi Hái nghỉ hưu nhưng ông vẫn luôn trăn trở với âm nhạc dân tộc. Ông vẫn tìm tòi, tích lũy thực tế để sáng tác ca khúc mới. Ông cũng dành thời gian đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế cận và ấp ủ những dự định âm nhạc mới cho riêng mình.

Lặng lẽ như những con tằm nhả tơ óng mượt cho đời, người nhạc sĩ tóc bạc trăng buông lơi vẫn luôn suy tư với những nốt nhạc mênh mang. Để rồi, những bài hát của ông tiếp tục được vang lên trong những bản Mường gần xa, qua nương lúa đồi ngô, bên ánh lửa bập bùng trong đêm xòe và cả phố xá đông vui đang thay da đổi thịt từng ngày ở miền núi cao Tây Bắc Sơn La./.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...