Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người nghệ sĩ nặng lòng với âm nhạc Chơ Ro

PV - 09:41, 26/02/2019

Gắn bó với cái nôi văn hóa của dân tộc Chơ Ro, nhạc sĩ-ca sĩ Điểu Được đã nâng niu chắt lọc từng điệu dân ca để làm “chất liệu sống” cho mỗi ca khúc do mình sáng tác. Từ đó, nhạc sĩ đã có nhiều ca khúc mang đậm hơi thở cuộc sống của đồng bào Chơ Ro.

Nhạc sĩ Điểu Đượng (bên trái) đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2018 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Nhạc sĩ Điểu Đượng (bên trái) đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2018 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Nhạc sĩ Điểu Được (1966) sinh ra và lớn lên ở xã Phú Túc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, vùng đất không chỉ giàu truyền thống đấu tranh cách mạng mà còn là cái nôi văn hóa của dân tộc Chơ Ro. Có niềm đam mê ca hát từ nhỏ nhưng lại không có điều kiện đi học, nhạc sĩ đến với âm nhạc bằng việc tham gia vào các hội diễn văn nghệ do địa phương tổ chức.

Nhạc sĩ cho biết: “Thuở ấy, ngoài giờ lên nương phụ giúp gia đình, tôi thường xuyên đi hát ở các hội diễn văn nghệ quần chúng. Tôi thường đi theo các đoàn văn công của xã, huyện đến miền núi, vùng sâu, vùng xa hát các ca khúc cách mạng về Đảng và Bác Hồ. Do mê ca hát nên ở đâu có chương trình, hội diễn là tôi lại xách đàn đi mà không hề biết mệt mỏi”.

Nhắc lại kỷ niệm đầu tiên đánh dấu con đường hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Điểu Được không quên nhắc đến kỷ niệm tham gia Liên hoan Sơn ca tổ chức tại Đà Lạt (năm 1991). Tại đây, chàng trai 25 tuổi, dân tộc Chơ Ro vừa hát vừa dùng đàn chinh k’la (đàn tre)-một loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chơ Ro biểu diễn ca khúc đầu tay mang tên “Tình yêu trên nương”. Liên hoan đã mang về cho ông chiếc Huy chương Bạc đầu tiên. Nhạc sĩ cho biết, ca khúc “Tình yêu trên nương” giờ đây đã trở thành ca khúc quen thuộc của đồng bào Chơ Ro, vào bất cứ dịp lễ hội, lễ cưới, ca khúc lại được bà con lựa chọn để hát.

Năm 1999, nhạc sĩ Điểu Được đăng ký theo học lớp sáng tác tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Những năm ngồi trên ghế giảng đường đại học, ông được các thầy cô, bạn bè và các nhạc sĩ đàn anh dìu dắt, giúp ông thêm vững vàng hơn trên con đường âm nhạc. Ra trường, có thời gian ông về công tác tại Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai rồi sau đó ông về lại Định Quán làm việc tự do và tiếp tục sáng tác để theo đuổi đam mê. “Tôi rất mê và thích nhạc dân tộc. Trong lòng tôi luôn canh cánh nỗi lo văn hóa Chơ Ro sẽ bị mai một. Vì vậy, về lại quê hương nơi tôi sinh ra và lớn lên để làm việc, cống hiến là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời tôi. Tôi luôn nỗ lực với hy vọng sẽ sáng tác thêm nhiều ca khúc hay để mọi người biết và yêu hơn văn hóa Chơ Ro”, nhạc sĩ Điểu Được chia sẻ.

Theo nhạc sĩ Điểu Được, âm nhạc nói riêng và văn hóa dân tộc Chơ Ro nói chung có sức hấp dẫn đặc biệt. Khi viết về quê hương, cảm xúc dâng trào trong trái tim đã khơi dậy trong ông những nốt nhạc, giai điệu và hình thành ca từ. Nhạc sĩ Điểu Được chia sẻ: “Tôi quan niệm sáng tác nhiều hay ít không quan trọng. Điều quan trọng là giai điệu mình viết lên có đi vào lòng công chúng, có lay động tâm hồn họ hay không? Để người ta biết đến dân tộc Chơ Ro nhiều hơn không có con đường nào nhanh bằng con đường âm nhạc, bởi hát nhiều, nghe nhiều thì người ta sẽ quen tai và chú ý hơn. Tôi luôn mong các tác phẩm mình viết ra được nhiều người biết đến và có sức lan tỏa trong cộng đồng dân tộc”.

Sự mộc mạc, chân tình, mang âm hưởng dân ca Chơ Ro in đậm trong mỗi bài hát khiến con tim người hát và người nghe cùng lay động. Các ca khúc của nhạc sĩ Điểu Được cất lên vừa gần gũi như hơi thở cuộc sống vừa mang “chất riêng” không thể hòa lẫn. Tiêu biểu như bài hát “Người Chơ Ro nhớ ơn Bác Hồ” (giải B-giải Trịnh Hoài Đức lần III năm 2006-2010), “Điện sáng về làng Chơ Ro” (giải Nhất cuộc thi Sáng tác các ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2018 cho các tác giả người DTTS).

Chia sẻ về những trăn trở của mình, nhạc sĩ Điểu Được cho biết: “Hiện nay, một bộ phận giới trẻ, trong đó có giới trẻ dân tộc Chơ Ro dường như không còn mặn mà với âm nhạc truyền thống. Điều đó khiến tôi rất buồn, song thiết nghĩ không thể vì thế mà mình buông xuôi. Việc sáng tác, bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc là cách lưu giữ giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau”. Hy vọng với niềm đam mê, khao khát cống hiến cho quê hương, nhạc sĩ Điểu Được sẽ có thêm nhiều tác phẩm đi sâu vào lòng công chúng.

HỒNG MINH