Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người là hiện thân của một nền văn hóa

Sỹ Hào - 11:23, 23/01/2023

Cách đây 100 năm (năm 1923), trên Tạp chí Ogoniok, số 39, nhà báo Xô viết Osip Mandelstam đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”. Nhận định mang tính thời đại đó đến nay vẫn đầy thuyết phục. Trong hệ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chỉ dẫn của Người về văn hóa mãi là kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước ta trong việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tiến trình hội nhập.

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với đại biểu thiếu nhi và phụ nữ các dân tộc tỉnh Lào Cai ngày 23/9/1958.(Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với đại biểu thiếu nhi và phụ nữ các dân tộc tỉnh Lào Cai ngày 23/9/1958.(Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân Văn hóa thế giới” năm 1987. Trên con đường hình thành Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh, từ rất sớm, Người đã là hiện thân cho nền văn hóa của tương lai, được bạn bè quốc tế dự cảm ngay từ những ngày đầu Người hoạt động cách mạng, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc.

Sách “Hồ Chí Minh toàn tập” - NXB Chính trị quốc gia, 1995, Tập 1, trang 477, đã lưu lại bài báo của nhà báo Xô viết Osip Mandelstam đăng trên Tạp chí Ogoniok, số 39, năm 1923. Trong bài báo của mình, ông viết: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương xây dựng nền văn hóa toàn diện, bao gồm văn hoá, chính trị, kinh tế - xã hội. Người đặc biệt quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 65 ngày 23/11/1945 về nhiệm vụ bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Về khôi phục vốn cũ, Người căn dặn kỹ lưỡng: “Nói là khôi phục vốn cũ thì nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra”, “cần xây dựng và phát triển thuần phong mỹ tục”. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi (ngày 19/3/1964), Người dặn: “Phụ nữ cần phải xung phong trong việc xây dựng đời sống mới. Ở miền núi đang còn những phong tục không tốt do bọn phong kiến để lại, như: ma chay, cúng bái rất tốn kém. Cưới vợ, gả chồng quá sớm. Vệ sinh phòng bệnh, v.v. còn kém. Đó là những mê tín và hủ tục nên xóa bỏ, để xây dựng mỹ tục thuần phong”.

Tháng 3/1961, trở lại thăm Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Bác căn dặn “Dưới chế độ thực dân và phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay, đồng bào rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất và văn hóa chưa được nâng cao mấy. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa đồng bào rẻo cao về mọi mặt”.

Nhiều di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em đã được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. (Trong ảnh: Lễ hội Lồng tồng của đồng bào dân tộc Tày)
Nhiều di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em đã được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. (Trong ảnh: Lễ hội Lồng tồng của đồng bào dân tộc Tày)

Thực hiện lời căn dặn của Người, hơn 62 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn quyết tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 22 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Tỉnh từng bước khôi phục các lễ hội truyền thống của các dân tộc như: Lễ hội Lồng tông và giã cốm của dân tộc Tày; Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; Lễ hội Đầm Mây của dân tộc Dao quần trắng; Lễ hội Đình làng Giếng Thanh của dân tộc Cao Lan; Lễ hội Rước Mẫu, đua thuyền trên sông Lô của dân tộc Kinh… Sự bình đẳng, minh bạch, dân chủ đối với các dân tộc là như nhau để tạo ra “vườn hoa đẹp đa sắc màu” ở “Thủ đô kháng chiến”.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nền văn hóa, không chỉ thuần túy quan tâm đến ngành hay lĩnh vực văn hóa riêng biệt mà phải chú trọng đến sự đồng bộ của nhiều yếu tố, từ chính trị, kinh tế, tâm lý, luân lý, xã hội. Trong “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.

Thực hiện Di huấn của Người, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, nhất là của đồng bào các DTTS. Đồng thời, Nhà nước cũng tăng cường việc huy động các nguồn lực để bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa đó trong tiến trình hội nhập. Đến hết năm 2022, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; trong đó có 4 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm). Cùng với đó là nhiều giá trị, di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em đã được nghiên cứu, tôn vinh là di sản văn hóa quốc gia; qua đó góp phần chấn hưng, quảng bá, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc Việt Nam.