Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người giữ kho tàng văn hóa người Cor

PV - 14:03, 03/06/2019

Kế thừa truyền thống yêu quý văn hóa dân tộc từ người cha, ông Hồ Ngọc An, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tiếp nối tâm huyết của những thế hệ đi trước để truyền dạy, bảo tồn văn hóa của người Cor thông qua các lễ hội, phong tục tập quán hằng ngày.

Nghệ nhân Hồ Ngọc An (bên phải) nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Nghệ nhân Hồ Ngọc An (bên phải) nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Gặp ông Hồ Ngọc An tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam để nghe ông nói chuyện về văn hóa của người Cor, ông cởi mở: “Tôi rất vui và tự hào khi được đảm nhận trọng trách tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân tộc Cor như biểu diễn nhạc cụ dân tộc; tổ chức các lễ hội truyền thống: ngã rạ, hiến trâu, rước hồn lúa; các cuộc thi điêu khắc trên gỗ, đấu chiêng... Những dịp lễ hội ấy được nhiều cấp ban ngành đến nghiên cứu tìm hiểu, áp dụng vào các đề tài nghiên cứu khoa học”.

Có lẽ với bản thân ông An, điều may mắn hơn cả là có một người cha được dân làng ví như cây đa, cây đề về văn hóa ở xã Trà Thủy, đó là già làng Hồ Ngọc Hoàng. Già Hoàng là người có công gìn giữ 3 bộ cồng chiêng quý hàng trăm năm tuổi. Được sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa của gia đình, ông Hồ Ngọc được cha truyền lửa đam mê, tâm huyết với công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố của thời gian, đến nay ông An vẫn còn lưu giữ 6 bộ trang sức nam truyền thống như xà bol, cà dọp và 10 bộ trang sức nữ truyền thống gồm yếm, váy nữ, cườm đầu, cườm đeo tay, bông tai... Đây là những hiện vật quý hiếm, có giá trị lớn trong đời sống văn hóa của người Cor mà hiếm nơi nào có được.

Ông An có 8 người con, tất cả đều được ông truyền lại tình yêu với văn hóa dân tộc. Con trai Hồ Ngọc Ninh biết chơi chiêng, đánh đàn brooc, hát xà ru, agiới; con dâu Hồ Thị Thới thổi kèn amáp, các con gái đều biết nhảy múa cà đáo... Từ đây, gia đình ông trở thành hạt nhân trong mọi phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

Có thể nói, gia đình ông An là nơi hội tụ tinh hoa truyền thống của đồng bào người Cor. Các thành viên trong gia đình từ già đến trẻ đều là những nghệ nhân cồng chiêng, độc tấu các loại nhạc cụ, biểu diễn các làn điệu dân ca dân tộc.

Trong mỗi dịp lễ cúng, ông An đều mang những bộ cồng chiêng quý ra chỉ dạy các con tận tình cách sử dụng nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình. Từ “người thầy” trong gia đình, không qua trường lớp đào tạo nào cả mà ông An trở thành người của công chúng, được ngành Văn hóa địa phương mời đi dạy cách đánh chiêng cho bà con trong vùng.

Nhờ công đóng góp của ông Hồ Ngọc An, Đội văn nghệ xã Trà Thủy là nhân tố nòng cốt của huyện Trà Bồng. Đội văn nghệ đã đi biểu diễn khắp nơi trong nước, tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh và đã giành được Huy chương Vàng. Cách đây 4 năm, ba thế hệ trong gia đình ông An cùng tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội.

Với những đóng góp của mình, ông Hồ Ngọc An nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen từ Trung ương, địa phương. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2017, ông Hồ Ngọc An được tôn vinh tại Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017, do Ủy ban Dân tộc tổ chức.

HỒNG MINH