Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người "đánh thức" bình minh ở thung lũng Tà Làng

Hồng Phúc - Văn Sơn - 08:55, 11/07/2024

Dưới chân núi A Rung, thôn Tà Làng, xã Bah Lêê, huyện Tây Giang (Quảng Nam), mỗi ngày người dân trong thôn đều nghe tiếng khèn bơrét vang lên từ ngôi nhà sàn của già Alăng Hót. Quá quen thuộc với thanh âm này, nên người dân thôn Tà Làng gọi già Alăng Hót là người đánh thức bình minh.

 Già Alăng Hót.
Già Alăng Hót

“Là người đàn ông Cơ Tu, biết đánh trống thổi khèn bơrét, gánh vác công việc trong làng và biết lo hạnh phúc gia đình/ Là người đàn bà Cơ Tu, biết cấy hái gieo trồng, sớm hôm lo việc ruộng nương lại khéo tay dệt thổ cẩm/ Việc nhà luôn giỏi giang, hát hay múa dẻo tay và dễ thương như những thiên thần...”. Quan sát người đàn ông 78 tuổi đang say sưa thổi khèn với giai điệu dân ca Cơ Tu lần đầu tiên được nghe, chúng tôi như lạc vào thế giới khác. 

Già Alăng Hót lớn lên ở làng Tà Làng, nằm bên con suối Chơr Lang hiền hòa từ thuở sơ khai. Theo lời già kể, trong một lần cùng ông nội phát rẫy, nghỉ trưa, thấy nội lấy từ trong gùi ra khèn bơrét rồi thổi khiến già mê mẩn đến ngẩn ngơ và yêu thích khèn từ ngày đó. Nhìn nội làm khèn bơrét nhiều lần nên già mày mò làm theo. Chất đam mê âm nhạc trong già ngày càng tăng khi già được ông nội khuyến khích và hướng dẫn. Lên 15 tuổi, già đã biết chế tác và thổi được khèn bơrét.

Già Hót chia sẻ, khèn bơrét đã gắn bó khăng khít với cuộc sống hằng ngày của người Cơ Tu. Bơrét theo chân đồng bào Cơ Tu mỗi sớm lên rẫy, mỗi hoàng hôn trở về nhà. Bơrét là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. 

Già kể, để có nguyên liệu chế tác, già phải mất vài tháng ngược núi A Tép để tuyển chọn ống nứa chất lượng, có khả năng tạo ra âm thanh trầm bổng đặc trưng của khèn. Đó là loại nứa thường mọc ở nơi rừng rậm nên khá hiếm. Loài nứa có vỏ mỏng nên rất phù hợp cho việc tạo ra âm thanh cho khèn bơrét. 

Bí quyết làm ra một cây khèn chuẩn, là phải chọn ống nứa thật già, thẳng, có đốt dài và không bị sâu mọt hoặc kiến đục lỗ. Những ống nứa sau khi mang về thường được để nơi thoáng mát tránh nắng, hoặc để trên giàn bếp cho khô để tránh bị nứt, sau đó dùng dao phân chia từng ống tỉa tót, đục lỗ tạo khí hơi.

Bơrét gồm 14 ống nứa nhỏ sắp xếp song song từng đôi một thành 7 hàng từ ngắn đến dài. Đôi ống dài nhất là 60cm và đôi ngắn nhất là 35cm, mỗi ống sẽ cho một âm thanh riêng. Khèn bơrét cấu tạo rất phức tạp, các ống này đều gắn lưỡi gà - được xuyên qua bầu của khèn, được làm bằng gỗ dẻo, người Cơ Tu gọi là apúc.

Người đánh thức bình minh ở thung lũng Tà Làng
Già Hót tay thổi một làn điệu dân ca Cơ Tu bằng khèn bơrét

Phần ống có gắn lưỡi gà đều được đặt trong apúc được bít kín các khe bằng sáp ong ruồi. Lỗ thổi khoét ngay đầu bầu khèn, có thể đồng thời vừa chơi giai điệu vừa thực hiện các chồng âm đệm theo, cũng như âm trì tục kéo dài. Khèn bơrét là nhạc cụ hơi, đa thanh, thường có âm vực rộng, hình thành hàng âm không bán âm. 

Bơrét được người đàn ông Cơ Tu sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau, trong những dịp lễ hội truyền thống của cộng đồng như: Lễ ăn mừng lúa mới, ăn mừng Gươl mới (nhà sinh hoạt cộng đồng), lễ kết nghĩa pơ ngót, Tết Nguyên đán, đón và mời khách trong đám cưới... Dần dà theo năm tháng, dưới chân núi A Rung, tiếng bơrét của già Hót trở thành nhạc cụ gần gũi với người dân trong thôn Tà Làng nhiều hơn.

Theo già Alăng Hót, mỗi khi thổi bơrét, người thổi luồng hơi thổi ra ngoài, khiến âm thanh của khèn trở nên trong và ấm hơn. Trong 14 ống của khèn bơrét được khoét lỗ, khi thổi kèn, nghệ nhân tuần tự gác lỗ, khèn bơrét sẽ cho 3 âm thanh có âm vực cách xa nhau tạo thành phối âm phù hợp với các chiếc chiêng của người Cơ Tu. Theo truyền thống, loại nhạc cụ này dùng để đàn ông Cơ Tu sử dụng trong vui chơi hội họp, hát giao duyên, không sử dụng trong nghi lễ cúng tế thần linh.

Người đánh thức bình minh ở thung lũng Tà Làng 1
Khèn bơrét tạo thành phối âm phù hợp với các chiếc chiêng của người Cơ Tu

Anh Alăng A Hon - cán bộ phụ trách văn hóa xã Bha Lêê chia sẻ: Già Alăng Hót một người rất am hiểu văn hóa truyền thống, đặc biệt là các loại nhạc cụ của dân tộc Cơ Tu. Từ nhiều năm qua, bằng khả năng chơi các loại nhạc cụ, trong đó có khèn bơrét của người Cơ Tu, già Alăng Hót đã đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn, phát huy bản săn sắc văn hoá của đồng bào Cơ Tu. 

"Cùng với một số nghệ nhân khác, già Alăng Hót đã làm sống dậy văn hóa của đồng bào, từng bước giúp phục hồi văn hóa của người Cơ Tu tại địa phương trước nguy cơ mai một. Chính quyền địa phương đang tiếp tục xây dựng chính sách đãi ngộ tốt hơn đối với những nghệ nhân như già Alăng Hót, để họ tiếp gìn giữ nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình", anh Alăng A Hon nói thêm.

Rời thung lũng Tà Làng khi hoàng hôn vừa buông xuống, bên tai chúng tôi vẫn âm vang âm thanh giai điệu tiếng khèn bơrét của già Alăng Hót tặng chúng tôi lúc chia tay...

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.