Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người đàn ông tài hoa và những sản phẩm tre Việt có "hồn"

T.Nhân-H.Trường - 09:15, 08/05/2024

Từ những thân tre, gốc tre xù xì thô ráp qua bàn tay tài hoa của anh Võ Tấn Tân (TP.Hội An, Quảng Nam) đã trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo và có hồn. Những tác phẩm của anh Tân không chỉ thu hút khách hàng trong nước, mà du khách nước ngoài cũng rất thích thú khi trải nghiệm tại xưởng sản xuất của anh. Nhờ đó, hình ảnh cây tre Việt lan toả đến với bạn bè quốc tế và mang lại cho anh Tân khoảng thu nhập không nhỏ.

Anh Võ Tấn Tân chủ xưởng tre Taboo Bambo
Anh Võ Tấn Tân, chủ xưởng tre Taboo Bambo

Nằm dưới chân cầu Cửa Đại, xưởng tre Taboo Bambo của anh Tân lúc nào cũng tấp nập người vào ra. Đặc biệt là nhiều du khách nước ngoài, họ đến đây để trải nghiệm thực tế việc tạo ra những sản phẩm độc đáo từ cây tre. “Tôi không trưng bày các sản phẩm ra ngoài cửa như một số cửa hàng khác, nhưng vẫn rất nhiều người ghé vào tham quan và trải nghiệm. Một trong số đó là những người có cùng đam mê chế tác sản phẩm từ tre, phần lớn là du khách nước ngoài đến để tận mắt chứng kiến, tận tay làm nên những sản phẩm theo ý thích từ cây tre”, anh Tân cho biết.

Cũng theo anh Tân, xưa nay nhiều người vẫn xem những sản phẩm từ cây tre là vật dụng rẻ tiền lại nhanh hư hỏng nên rất ít dùng. Tuy nhiên, nếu đánh giá công bằng, những sản phẩm từ tre mang tính nghệ thuật cao, có giá trị và nếu biết cách bảo quản thì những sản phẩm này rất bền. Vì thế, muốn thay đổi cách nhìn của mọi người về cây tre, để nâng giá trị của nó lên. 

Ví như cũng từ một cây tre, nhưng có thể tạo ra những sản phẩm có giá thành đến vài chục triệu đồng. Một cái mắc tre người khác bỏ đi, nhưng có thể tạo ra sản phẩm bán với giá vài trăm ngàn đồng; hoặc vài đoạn ống tre ngắn tôi tạo thành khung xe đạp có giá lên đến 15 triệu đồng. Chưa kể đến là tạo hình một con vật bằng tre trị giá hơn trăm triệu đồng.

Chia sẻ về công việc mình đang làm, anh Tân cho rằng, không phải ngẫu nhiên hay may mắn mà sản phẩm của mình tạo ra được nhiều khách ưa chuộng. Đó là cả một quá trình đầu tư về công sức, sự sáng tạo. Trước đây, anh có tạo hình một con cá chép từ tre để treo trong ngôi nhà tre của mình. Nhiều khách đến thăm quan thấy thích thú, và từ đó có một số người muốn đặt mình làm những con tương tự.

Anh Tân bên những sản phẩm độc đáo làm từ tre
Anh Tân bên những sản phẩm độc đáo làm từ tre

Anh Tân kể, một người đặt, sau thành nhiều người đặt, cứ thế khách hàng tìm đến ngày một nhiều hơn. Họ nhìn con cá chép đẹp, họ thấy được khả năng của mình nên mới mạnh dạn bỏ tiền để làm những thứ họ thích. Để đáp ứng nhu cầu của khách, mình cũng không ngừng tư duy để tạo ra những sản phẩm tinh tế nhất. Cứ thế, những con vật độc đáo làm từ tre ra đời, giá cũng theo sự sáng tạo và công lao động. Quan trọng là mình chứng minh được khả năng của mình thì khách mới tin tưởng, ngoài ra mình phải cam kết về chất lượng cho sản phẩm.

Chỉ tay vào con bọ ngựa đang làm, anh cho biết hiện nay đang ở giai đoạn hoàn thành. Sản phẩm này của một khách ở Đà Nẵng đặt cho xưởng làm, dự kiến làm trong 3 tháng, chỉ tính riêng công làm đã gần 100 triệu đồng. Anh Tân và nhóm thợ đang gọt dũa, mài nhẵn hai chiếc càng của bọ ngựa làm từ tre già để đạt đến độ tinh xảo nhất. 

Bên cạnh đó, một con cá chép làm bằng tre được một khách ở tỉnh phía Bắc đặt, cũng trong giai đoạn hoàn thành, giá trị của con cá chép cũng gần 100 triệu đồng. Những sản phẩm trang trí như ly, tách, bình hoa nhỏ… giá vài trăm ngàn đồng ở tiệm anh cũng nhiều vô kể.

Ngôi nhà tre trưng bày những sản phẩm độc đáo từ xưởng Taboo Bambo
Ngôi nhà tre trưng bày những sản phẩm độc đáo từ xưởng Taboo Bambo

Anh Tân cho biết: Ngoài những sản phẩm trên, xưởng còn sản xuất hai sản phẩm chất lượng cao, độc đáo, mang về doanh thu lớn là xe đạp và ô tô điện làm từ tre. Ý tưởng làm xe đạp bằng tre bắt đầu từ năm 2009. Lúc đó, lượng khách đến phố Hội ngày một đông, trong khi thành phố cấm đi xe máy, do đó tôi đã nghĩ đến việc làm chiếc xe đạp điện bằng tre. 

Sau nhiều ngày cặm cụi, anh đã cho ra đời những chiếc xe đạp tre thân thiện với môi trường, mỗi chiếc giá chừng 15 triệu đồng. Đến khoảng năm 2018, xưởng Taboo Bambo tiếp tục “trình làng” chiếc ôtô điện độc đáo, với giá hơn trăm triệu đồng. Nối tiếp thành công đó, anh và nhóm thợ đã không ngừng sáng tạo, để ngày càng tung ra thị trường những sản phẩm chế tác từ tre có một không hai. Trong những năm qua, anh còn nhận làm một số nhà bằng tre cho khách ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Con ngựa trời làm bằng tre có giá hơn 100 triệu đồng từ một khách ở Đà Nẵng đặt
Con ngựa trời làm bằng tre có giá hơn 100 triệu đồng từ một khách ở Đà Nẵng đặt

Hành trình từ một cây tre trở thành một sản phẩm chất lượng, phải trải qua nhiều công đoạn, theo anh Tân ngoài ý tưởng sáng tạo, thì khâu chọn cây tre phù hợp và xử lý vật liệu ban đầu là quan trọng nhất. Theo kinh nghiệm của ông cha để lại, ngâm tre dưới bùn sẽ rất chắc và dẻo dai, tuy nhiên việc này chỉ phù hợp với làm nhà cửa, làm trần nhà thời trước. Còn để làm sản phẩm mỹ nghệ, thì ngoài việc chọn thời gian ngâm tre phù hợp thì phải trải qua nhiều công đoạn xử lý kỹ thuật khác. 

“Mỗi sản phẩm mình đều có cam kết bảo hành, thường đối với những sản phẩm có giá trị cao thì chế độ bảo hành đến 20 năm. Mình uy tín, đảm bảo chất lượng thì khách mới yên tâm chi tiền để sở hữu sản phẩm đẹp-độc-lạ”, anh Tân khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Vĩnh Long: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chòm riêng chà pây của đồng bào Khmer

Ông Thạch Dương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long thông tin, trong năm 2024, Ban Dân tộc đã phối hợp Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Long cùng UBND các huyện, thị xã có đông đồng bào Khmer, các chùa Khmer trên địa bàn, mở các lớp truyền dạy văn hóa nghệ thuật nói chung và loại hình nghệ thuật Chòm riêng chà pây cho đồng bào Khmer địa phương. Việc truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống đồng bào Khmer.