Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nâng tầm giá trị cây tre

Lê Thuận - 16:25, 09/04/2021

Vượt qua những sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, xuất khẩu thô, giá trị không cao, các doanh nghiệp Việt đang có những sáng tạo mới, độc đáo, khác biệt, nâng cao giá trị xuất khẩu. Trong đó, cây tre đang mang lại giá trị kinh tế cao, được các doanh nghiệp đầu tư khai thác.

Những chiếc xe đạp bằng tre xuất khẩu được khách hàng rất ưa thích
Những chiếc xe đạp bằng tre xuất khẩu được khách hàng rất ưa thích


Đổi thay từ làng nghề

Cây tre gắn bó với con người Việt Nam từ bao đời nay. Trong gian nhà của người Việt, từ bàn ghế, giường chõng, rổ rá…đâu đâu cũng thấy bóng dáng cây tre.

Cây tre dễ trồng, thậm chí không cần chăm sóc mà vẫn xanh tốt, “ở đâu tre cũng xanh tươi, cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu”. Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam, cây tre sinh sôi nảy nở, phát triển rất nhanh.

Trong những năm gần đây, cây tre được các làng nghề, doanh nghiệp sử dụng tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Tại Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh nơi có nhiều loài tre mọc tự nhiên, tầm vông bền chắc, ít sâu mọt. Trước đây, đồng bào Khmer dùng tre để sản xuất ra giường, bàn ghế, thang tre để sử dụng trong gia đình hoặc tặng cho bà con trong phum sóc.

Tuy nhiên, làng nghề tre Hàm Giang cũng trải qua nhiều thăng trầm và sóng gió. Những người trong làng nghề làm viêc rất vất vả, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Câu trả lời chính là vì, sản phẩm thô kệch, không đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong khi nhu cầu bàn ghế cho quán cà phê, nhà hàng sinh thái, nhà ở sinh thái cao cấp người ta cần sản phẩm có tính mỹ thuật hơn, bền hơn...

Sau đó, các hợp tác xã thay đổi cách làm, bằng việc áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại và nâng cao tay nghề vào sản xuất. Điều này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao khi các sản phẩm làm ra được thị trường tiêu thụ tốt. Đến nay, làng nghề này không chỉ mở rộng về quy mô, số lượng thợ làm nghề mà các sản phẩm đã trở nên đa dạng, nhiều mẫu mã, chất lượng, độ tinh xảo được nâng cao. Điều đó cho thấy, cây tre có giá trị kinh tế lớn nhưng cần phải đầu tư khoa học công nghệ, trí tuệ, sức sáng tạo thì mới đem lại nguồn lợi kinh tế cao.


Cây tre Việt Nam được nâng tầm giá trị bằng những sản phẩm sáng tạo, độc đáo
Cây tre Việt Nam được nâng tầm giá trị bằng những sản phẩm sáng tạo, độc đáo

Đến những hàng hiệu làm bằng tre

 Trong cuộc sống hiện đại, cây tre mộc mạc, đơn sơ ấy lại có thể làm ra những chiếc xe đạp cao cấp xuất khẩu hay những bộ váy, áo quần hàng hiệu “bạc triệu” khiến người tiêu dùng trong và ngoài nước thích thú, ưa chuộng.

Đơn cử như thương hiệu Việt Tiến vừa nghiên cứu ra bộ sưu tập quần áo bằng nguyên liệu sợi tre. Đây là xu hướng mới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và nâng tầm thời trang Việt, bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm vải sợi từ tre có khả năng thấm hút ẩm, mồ hôi cực tốt, hơn 60% so với sản phẩm thông thường. Sản phẩm từ tre rất thân thiện với môi trường, nên nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Ngoài ra, loại vải tre còn an toàn với khả năng kháng khuẩn, khử mùi hiệu quả,…

Hiện nay, vải tre “chiếm sóng” ở khá nhiều lĩnh vực khác nhau, mà nổi bật nhất chính là ngành thời trang. Với những đặc tính nổi bật, loại vải này thường được sử dụng để làm quần áo mùa hè, váy đầm, đồ trẻ em…Những sản phẩm này đa số là những mặt hàng thời trang cao cấp, đắt tiền.

Độc đáo không kém hàng thời trang là sản phẩm xe đạp bằng tre của một số cá nhân, doanh nghiệp sản xuất. Chiếc xe đạp trên thế giới có từ lâu đời, nhưng ở Việt Nam mới được nghiên sứu, sáng tạo ra sản phẩm thương mại hơn chục năm qua.

Anh Phạm Minh Trí (TP. Hồ Chí Minh) là người đầu tiên xuất khẩu những chiếc xe đạp bằng tre ra thị trường thế giới cho biết: “Mỗi chiếc hoàn thiện xuất khẩu ra nước ngoài cũng từ 20-40 triệu đồng. Khó khăn lớn nhất khi làm xe đạp bằng tre là phải tìm đúng nguyên liệu theo tính toán. Nếu không, những khớp nối không đủ độ đàn hồi, không chịu được lực và gây nguy hiểm cho người sử dụng”.

Theo anh Trí, loại tre này có đặc tính cơ lý tốt, không quá đặc cũng không quá rỗng, độ dày khoảng 5-7 mm. Đặc biệt, độ dẻo đai, đàn hồi và khả năng hấp thụ chấn động tự nhiên của tầm vông rất tốt để làm khung xe. Đây cũng là yếu tố giúp người sử dụng xe đạp tre ở những đoạn đường gồ ghề mà không bị xóc. 

Sau khi đốn hạ, thân tre được sấy khô và nhiệt luyện để ngăn ngừa nứt vỡ, rồi được ghép nối với nhau bằng sợi gai dầu, bên ngoài bọc bằng nhựa tổng hợp. Khung xe được làm bằng tre, trong khi các bộ phận khác như vỏ xe, dè xe, chắn sên, tay lái… vẫn có thể làm bằng tre.

Công ty tre Việt của anh trí có các mẫu xe cổ điển, xe leo núi, xe đua…và đang nghiên cứu, phát triển hàng hoạt sản phẩm xe đạp tre thông dụng để bán thị trường trong nước. Hiện tại, các loại xe đạp khung tre của anh Trí chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài như: Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Australia, Nhật Bản...

Như vây, giá trị cây tre đã được nâng tầm thông qua nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: thời trang, nội thất, thậm chí là công nghiệp xe đạp bằng tre. Những sản phẩm độc đáo từ tre đã thể hiện sức sáng tạo, không chỉ có giá trị thẩm mĩ cao mà còn giữ nét đẹp truyền thống và giữ gìn “hồn cốt” người Việt.