Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người dân nô nức đi du Xuân, lễ chùa đầu năm

Hồng Phúc - 17:22, 24/01/2023

Trong những ngày đầu Xuân năm mới, tại các điểm tâm linh như đền, chùa, miếu, khu di tích lịch sử… đã thu hút hàng ngàn người dân đến chiêm bái, cầu gia đạo bình an.

Khu di tích Yên Tử đón hơn 8.000 khách trong hai ngày đầu năm Quý Mão. Ảnh: TL
Khu di tích Yên Tử đón hơn 8.000 khách trong hai ngày đầu năm Quý Mão. Ảnh: TL

Yên Tử đón trên 4.000 lượt khách hành hương đầu năm mới

Trong ngày 22 - 23/1 (ngày mùng 1, mùng 2 Tết Nguyên đán), Khu di tích và danh thắng Yên Tử đón trên 4.000 lượt khách đến tham quan. Lượng khách cao hơn 40 - 50% so với ngày thường và tiếp tục tăng.

Riêng mùng 1 Tết, Khu di tích và danh thắng Yên Tử đón gần 2.500 khách, tương đương với thời điểm trước dịch Covid-19. Đặc biệt, nơi đây không chỉ là điểm đến yêu thích của du khách trong nước, mà cả khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, châu Âu…

Nhiều chương trình vui Xuân đón Tết mang đậm nét văn hóa cổ truyền đã được tổ chức trong dịp Tết năm nay tại Yên Tử như: Hát quan họ, vẽ tranh Đông Hồ, khám phá ẩm thực địa phương…

Bên cạnh đó, các phương án đón khách dịp cao điểm cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Lực lượng nhân sự được huy động tối đa, khoảng 100 xe điện bảo đảm đưa đón khách trong khu di tích. Các hàng quán thực hiện nghiêm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dự kiến Lễ khai hội và Hội Xuân Yên Tử năm 2023 chính thức được tổ chức vào sáng 31/1 (10 tháng Giêng) với sự tham gia của gần 5.000 đại biểu, du khách, tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh tham dự. Dự kiến Hội Xuân Yên Tử 2023 thu hút khoảng 1 triệu du khách, phật tử.

Khu du lịch cáp treo núi Sam phục vụ xuyên đêm cho bà con đi hành lễ

Trong các ngày mồng 1 đến mùng 3 Tết Nguyên đán, hàng chục ngàn người đã đổ xô về tham quan, cúng Bà Chúa Xứ núi Sam, Tp Châu Đốc, An Giang để chiêm bái, cúng lạy Bà Chúa Xứ núi Sam dịp đầu năm để cầu gia đạo bình an.

Giới trẻ check in tại khu vực cáp treo
Giới trẻ check in tại khu vực cáp treo

Khu du lịch Cáp treo núi Sam - đối diện miếu Bà Chúa Xứ núi Sam năm nay vẫn giữ giá vé cáp treo khứ hồi là 150.000 đồng/vé, được xem là rẻ nhất trong hệ thống cáp treo tại Việt Nam. Khu du lịch cáp treo núi Sam cũng phục vụ 24/24 xuyên đêm cho bà con dịp lễ và hành hương cúng Bà.

Người dân đi lễ chùa đầu năm cầu an cho bản thân và gia đình
Người dân đi lễ chùa đầu năm cầu an cho bản thân và gia đình
Du khách check in tại Khu du lịch Cáp treo núi Sam
Du khách check in tại Khu du lịch Cáp treo núi Sam

Khu du lịch Cáp treo núi Sam đã đưa vào vườn hoa lan trên quảng trường ở đỉnh núi; công viên trẻ em; suối vàng suối bạc, ruộng bậc thang, thác nước suối trên đỉnh núi Sam được sự giúp đỡ của Xí nghiệp nước Tp. Châu Đốc… nằm trong số hàng trăm điểm "check-in" ấn tượng khác phục vụ du khách.

Niềm vui Xuân mới
Niềm vui Xuân mới

Khu vực cánh đồng hoa Thiên Anh - cách miếu Bà Chúa Xứ núi Sam chừng 2 km cũng đầu tư hàng chục loại hoa và kết hợp các tiểu cảnh phục vụ giới trẻ check in, như: Hoa thạch thảo, hoa hồng, hướng dương, cúc họa mi, điệp pháo, hoa cánh bướm…

Người dân nô nức đi lễ đền ông Hoàng Mười đầu năm

Trong những ngày đầu năm mới Tết Quý Mão 2023, hàng chục ngàn người dân khắp nơi trên cả nước nô nức đi lễ đền ông Hoàng Mười tại tỉnh Nghệ An

Thời tiết nắng ấm, trong ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết Quý Mão 2023 (ngày 22, 23 và 24/1) hàng chục ngàn người dân địa phương và du khách thập phương đã đổ về đền ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đi lễ.

Người dân thường đến cầu nguyện những điều may mắn, tài lộc vào dịp đầu năm và đến trả lễ vào dịp cuối năm.
Người dân đến Đền ông Hoàng Mười cầu nguyện những điều may mắn, tài lộc vào dịp đầu năm và đến trả lễ vào dịp cuối năm.

Được biết, đền ông Hoàng Mười nằm ở địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Theo ghi chép, đền được xây dựng vào năm 1634, từ thời Hậu Lê. Trải qua lịch sử, đền bị phá hủy. Năm 1995, đền được xây dựng lại, giờ trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng của tỉnh Nghệ An. Đền được phục dựng theo quy mô truyền thống, gồm tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu. Tại đền, hiện còn giữ 21 đạo sắc phong, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.

Theo nhân gian kể lại ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần để giúp đời. Người dân xứ Nghệ cũng lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam. Có người cho rằng ông Hoàng Mười là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước. Còn theo lời kể ở vùng Hà Tĩnh, ông Hoàng Mười chính là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong 10 năm kháng chiến chống quân Minh.

Người dân thắp hương làm lễ tại đền ông Hoàng Mười.
Người dân thắp hương làm lễ tại đền ông Hoàng Mười.

Theo một truyền thuyết khác, ông giáng xuống trần và trở thành Uy Minh Vương Ly Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An. Ngoài thờ ông Hoàng Mười, đền còn thờ các vị phúc thần: Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung, Song Đồng Ngọc Nữ và hệ thống đạo Mẫu tứ phủ, mà người đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Từ nhiều năm nay, đền ông Hoàng Mười là điểm đến tâm linh của hàng chục ngàn người dân trong nước vào dịp đầu Xuân, năm mới.