Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người có uy tín… rất trẻ: “Đoàn kết, đồng thuận thì việc gì cũng xong” (Bài 3)

Phạm Việt Thắng - 09:23, 08/09/2022

Làng Hữu Lam cách trung tâm xã Nghĩa Đức (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) chừng hơn 1 km. Tôi không nghĩ ở miền sơn cước này lại có một ngôi làng tương đối hiện đại như thế; đường sá, mương máng được đầu tư xây dựng rất bài bản. “Bà con đoàn kết, đồng thuận thì việc gì cũng xong” – Trưởng làng, Người có uy tín Lục Đình Duẩn cho biết như thế khi nói về làng Hữu Lam của mình.

Người có uy tín Lục Đình Duẩn: “Bà con đoàn kết, đồng thuận thì việc gì cũng xong”
Người có uy tín Lục Đình Duẩn: “Bà con đoàn kết, đồng thuận thì việc gì cũng xong”

Người trẻ phải biết vươn lên

Tôi lại hết sức ngỡ ngàng khi đến thăm nhà Trưởng làng, Người có uy tín Lục Đình Duẩn. Một ngôi nhà kiên cố, bề thế nằm ngay giữa làng, tính ra giá trị của ngôi nhà này phải đến hàng tỷ đồng. Nhiều loại máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng dân dụng đang được tập kết đầy vườn. Thì ra, Duẩn là một chủ thầu xây dựng có tiếng trong vùng.

Em kể, nhà đông anh em, có thể nói là nghèo nhất làng. Bố mẹ mất sớm, đang học dở lớp 10 thì Duẩn phải nghỉ học để kiếm sống. Sau thời gian lang bạt, em đã trang bị được cho mình nghề xây dựng dân dụng để trở về quê khởi nghiệp. Làm ăn chắc chắn, tay nghề khéo léo nên chỉ trong một thời gian ngắn, Duẩn đã nhận được rất nhiều công trình.

“Không chỉ mấy xã lân cận mà em còn nhận thầu ở thị trấn, thậm chí cả các huyện khác như Thái Hoà, Đô Lương…Trong tay em luôn có vài chục công nhân và chưa bao giờ hết việc” – Duẩn cho biết.

Nói về cơ duyên được làm “cán bộ”, Duẩn cười thật tươi: Có lẽ vì thấy mình hoạt động công tác đoàn thanh niên sôi nổi quá nên bà con bầu chọn. Hồi làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên, trong các buổi sinh hoạt, bao giờ em cũng có mục khích lệ thanh niên làm giàu. Người ta nói, giàu đâu con nít, béo đâu lợn con; nhưng em lại đưa chính mình ra để chứng minh cho các bạn trẻ. Người trẻ phải biết vươn lên, phải biết làm chủ chính mình, đừng trông chờ ỷ lại.

Sau này, khi là trưởng làng, Người có uy tín, em vẫn luôn động viên bà con, phải mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng; làm sao cây trồng ra phải bán được, chứ không phải chỉ để phục vụ trong gia đình. Chăn nuôi cũng thế, phải xây dựng chuồng trại, làm tốt công tác phòng bệnh, đồng thời phải có ý thức bảo vệ môi trường…

Nói hay, làm giỏi, Lục Đình Duẩn, ngấp nghé 30 tuổi đã vượt qua nhiều ứng viên để trở thành Đại biểu Hội đồng nhân dân xã Nghĩa Đức 2 khoá liên tục. Duẩn tâm sự, được bà con tín nhiệm và mình cũng tự nguyện nhận trách nhiệm thì phải nỗ lực để hoàn thành, chứ làm cán bộ thôn, bản mất rất nhiều thời gian lắm. Em không dám đi xa quá mấy ngày, cứ sợ ở nhà có việc làng, nếu mình vắng mặt thì không ai xử lí cho. “Nhưng em nghĩ, mình hi sinh một phần lợi ích riêng cũng là cách trả nợ cho quê hương” – Duẩn nói trong xúc động.

Trưởng làng, Người có uy tín Lục Đình Duẩn kiểm tra khâu làm đất vườn dưa lưới của chị Dung
Trưởng làng, Người có uy tín Lục Đình Duẩn kiểm tra khâu làm đất vườn dưa lưới của chị Lục Thị Dung

Làng có nhiều mô hình kinh tế

“Ông” Trưởng làng, Người có uy tín Lục Đình Duẩn hớn hở khoe với tôi: Làng em không có các tệ nạn, phần lớn thanh niên đều chí thú làm ăn. Đứa đi học nghề, đứa đi làm công nhân, đứa thì đi xuất khẩu lao động. Anh biết không, năm vừa rồi, làng có 210 hộ nhưng chỉ còn 10 hộ nghèo nữa thôi. Năm nay chắc chắn số hộ nghèo còn giảm sâu. Và làng em cũng là làng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả rất nhiều. “Bà con đã mạnh dạn đầu tư, có nhà đầu tư tiền tỷ đấy anh ạ” – Duẩn hào hứng lắm.

Để minh chứng cho điều mình nói, Duẩn vừa nổ máy vừa mời tôi lên xe để thăm một số gia trại.

Vườn nhà chị Lục Thị Dung rộng như thế nhưng đã được lợp kín bằng nhà kính. Duẩn nói, đó là vườn dưa lưới. Mùa này, dưa đã được thu hoạch, nhà chị Dung đang chuẩn bị đất cho vụ dưa mới. Nể lắm, chị mới cho tôi bước một chân vào vườn để chụp ảnh, vì có khi vô tình mang theo mềm bệnh vào, ảnh hưởng đến cây dưa sau này.

Chị Dung cho biết, nhà chị đầu tư 250 triệu đồng để làm nhà kính. Mỗi năm trồng được ba vụ dưa, mỗi vụ cho thu 80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 60 triệu. “Từ ngày có trưởng làng trẻ tuổi, đi đâu, nhà ai cũng nói chuyện làm ăn. Mình nghe theo và vay tiền để đầu tư, giờ đã trả hết nợ rồi, mong là giá dưa cứ ổn định như thế này…”- chị Dung cho hay.

Gia trại chăn nuôi bò của “người trẻ” Lục Thị Giang
Gia trại chăn nuôi bò của “người trẻ” Lục Thị Giang

Một cô gái rất trẻ, từng tốt nghiệp Cao đẳng điều dưỡng, nhưng lại về quê lập nghiệp. Ấy là Lục Thị Giang. Thay vì nuôi bò bản địa như các hộ gia đình khác ở đây, Giang lại đầu tư kiểu hiện đại, rồi đến trang trại bò sữa TH, mua lại những con bê đực vừa mới ra đời về nuôi. Một lứa bò của Giang lên đến 150 con, chỉ tính giá 15 triệu đồng/con, thì số tiền cũng đã kha khá.

Duẩn còn khoe với tôi, làng Hữu Lam của cậu là đơn vị đi đầu trong dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cây trồng vật nuôi. “Em tin rằng, ngày làng em hết sạch hộ nghèo sẽ không còn xa nữa”!