Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người có uy tín La Tài Quan - Điểm tựa của người dân thôn Thác Tiên

Văn Hoa - 15:38, 30/09/2021

Nhiều năm liền ông La Tài Quan, dân tộc Dao, 55 tuổi, ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên (Yên Bái) được xem là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương, trách nhiệm trong công tác giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, ông được bà con trong thôn tin tưởng bầu là Người có uy tín.

Người có uy tín La Tài Quan (ngoài cùng bên trái) vận động Nhân dân hiến đất, hiến quế làm đường
Người có uy tín La Tài Quan (ngoài cùng bên trái) vận động Nhân dân hiến đất, hiến quế làm đường

Trách nhiệm với cộng đồng

Trong chuyến công tác về xã Mỏ Vàng, tại trụ sở UBND xã, chúng tôi khá ấn tượng với việc rất nhiều người Dao mặc trên người bộ trang phục truyền thống đến thực hiện giao dịch. Theo lời ông Đặng Tòn Lây, Phó Chủ tịch UBND xã, đồng bào Dao ở đây vẫn giữ được nhiều nét văn hóa của dân tộc mình. Để làm được điều này, theo Phó Chủ tịch xã, có công sức, sự tâm huyết rất lớn của đội ngũ những Người có uy tín trong cộng đồng, tiêu biểu như ông La Tài Quan. 

Chia sẻ về cuộc sống, công việc với phóng viên, ông La Tài Quan kể, từ những năm 1992, ông đã từng được tín nhiệm bầu là phó thôn, sau đó là Trưởng thôn Thác Tiên. Thời điểm đó, cuộc sống bà con trong thôn rất khó khăn, khi không có đường, chủ yếu là đi bộ và đường thủy qua các khe ngòi. Diện tích cấy lúa không nhiều, nên kinh tế dựa vào cây ngô, cây sắn và bắt đầu trồng quế nhưng ít, nhà ai nhiều cũng chỉ nửa ha.Tỷ lệ hộ đói, nghèo rất cao.

Người có uy tín La Tài Quan bên vườn quế của gia đình
Người có uy tín La Tài Quan bên vườn quế của gia đình

Lúc đó, với vai trò cán bộ thôn, ông đã tìm tòi, học tập kinh nghiệm ở địa phương khác, rồi về vận động bà con làm mương để dẫn nước về cấy lúa, nhờ đó mà năng suất lúa cao hơn; vận động Nhân dân mở một số tuyến đường dân sinh, đường sản xuất để có thể đi được xe máy, xe kéo thay vì đi bộ, thuận tiện hơn trong việc đi lại, phát triển sản xuất.

Đặc biệt, nhận thấy cây quế  là cây trồng quen thuộc với bà con bao năm, có giá trị kinh tế cao, nên ông đã phổ biến, vận động bà con ươm bầu quế, cải tạo nương đồi để mở rộng diện tích trồng quế. 

Để cho người dân tin và làm theo, ông đã tiên phong trồng hơn 30ha quế. Hiện diện tích quế của gia đình ông đã được hơn 20 năm tuổi, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. 

“Bà con quanh năm vất vả với ruộng nương, đi rừng nên tôi đã vận động bà con cố gắng trồng thêm cây quế, vừa phủ xanh đồi, vừa có nguồn thu nhập; tranh thủ nuôi thêm con gà, con lợn để cải thiện cuộc sống. Nhờ đó mà đến nay, diện tích quế được bà con trồng ngày đó nay đã bắt đầu cho thu hoạch ”, ông Quan kể.

Trong phong trào xây dựng NTM, ông đã tích cực vận động Nhân dân hiến đất làm đường để thuận tiện sinh hoạt và phát triển sản xuất. Phát huy vai trò tiên phong của Người có uy tín, ông chủ động hiến đất gia đình để mở đường rộng hơn. Bên cạnh đó, ông cũng phối hợp với các cấp chính quyền, vận động người dân mở những con đường mới trong xã. Tiêu biểu là “con đường trong mơ” của thôn Trung Tâm, con đường hoàn thành đã giải quyết thế cô lập cho hơn 80 hộ người Mông trong lòng hồ và rút ngắn khoảng cách tới xã khác tới hơn 40 cây số.

Người có uy tín La Tài Quan (người đội mũ) vận dộng người dân hiến quế để làm đường. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Người có uy tín La Tài Quan (người đội mũ) vận dộng người dân hiến quế để làm đường. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Nỗ lực bảo tồn văn hóa

Với vai trò là Người có uy tín, ông đã vận động bà con gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống như tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống. Đặc biệt, ông đã cùng với chính quyền thôn, xã xây dựng hương ước, xóa bỏ các tập tục rườm rà, lạc hậu, không còn phù hợp.

Nhận thấy ngày càng ít người biết về chữ Nôm Dao, năm 2018, ông đã mở lớp dạy chữ, với  40 người theo học; năm 2020 tiếp tục mở thêm lớp với 35 người theo học. Ông nói, học được chữ Nôm Dao có nghĩa là bà con gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Bà con học chữ vì không đơn giản chỉ là chuyện học chữ, mà các bài học và các nét chữ Nôm Dao đều gắn liền với lời dạy của cha ông về đạo đức, lối sống, dạy những điều tốt đẹp, dạy những việc con người được làm và không được làm. Qua các buổi dạy, người học sẽ có tư duy tích cực hơn, đoàn kết anh em, xóm làng.

Ông Đặng Tòn Lây, Phó Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng nhận xét, ông La Tài Quan là tấm gương trong phát triển kinh tế để làm gương cho bà con học làm theo; đặc biệt ông là người luôn trăn trở để bảo tồn các giá trị văn hóa ở địa phương. 

Với vai trò Người uy tín, ông Quan luôn tạo được sự đoàn kết trong Nhân dân, tích cực vận động bà con chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư; cũng như đóng góp có hiệu quả phong trào xây dựng NTM tại địa phương.

Nhờ những nỗ lực của ông Quan mà đến nay, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân thôn Thác Tiên được nâng cao. Hiện trong thôn có 105 hộ, với 100% là người Dao nhưng chỉ còn 2% hộ nghèo. Những năm qua, nhiều hộ trong thôn Thác Tiên luôn tin tưởng, xem ông như điểm tựa để vươn lên trong cuộc sống.