Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 ở vùng DTTS được nâng cao nhờ vai trò của Người có uy tín

Quỳnh Trâm - 12:40, 23/09/2021

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở các huyện miền núi Thanh Hóa, vai trò của Người có uy tín đã được phát huy. Bằng trách nhiệm và uy tín của mình, họ chủ động "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để tuyên truyền, vận động cho bà con DTTS chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch.

Ông Hà Văn Khâm (người ngoài cùng bên trái), Người có uy tín thôn Én, xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức về phòng, chống dịch Covid-19
Ông Hà Văn Khâm (người ngoài cùng bên trái), Người có uy tín thôn Én, xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức về phòng, chống dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại Thanh Hóa, những ngày qua, công tác phòng, chống dịch được kích hoạt ở mức độ cao nhất, ngay cả những nơi chưa xuất hiện ca bệnh. 

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, phát thanh, áp phích, loa đài...thì ở các huyện miền núi, khi các phương tiện này không thể truyền tin đến được mọi thôn bản, thì vai trò của những Người có uy tín được phát huy.

Theo ông Phạm Bá Thúy, Người có uy tín ở bản Bơn, xã Mường Mìn (huyện Quan Sơn) cho biết: tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng, mà còn bảo vệ được cả gia đình, bản thân nên ông luôn cố gắng và tận tâm để hoàn thành  công việc.

Do điều kiện đặc thù bà con sinh sống ở miền núi, vùng DTTS chưa thật sự quan tâm nắm thông tin, nên ông Thúy đã thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Ông đến từng nhà dân trong bản để xem có ai đi xa trở về, đề nghị họ đến cơ sở y tế để khai báo và được hướng dẫn. Đồng thời, ông nhắc nhở bà con không tụ tập đông người, đeo khẩu khi ra ngoài và thường xuyên sát khuẩn.

Ông Thúy cho biết, bản Bơn hiện có 110 hộ với 520 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, trình độ nhận thức của bà con cũng có phần hạn chế. Nếu mình không đi sâu, đi sát tuyên truyền, thì rất khó để bà con nắm bắt được và thực hiện. "Cũng qua công tác tuyên truyền, qua kiểm soát, chúng tôi nhận thấy, hầu hết người dân nơi đây đã chấp hành rất tốt các quy định về phòng, chống dịch. Không còn tình trạng tập trung đông người và đa số đều đeo khẩu trang khi ra đường”, ông nói.

Trên địa bàn huyện Quan Sơn hiện có 94 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn, cho biết, các cấp, các ngành luôn đánh giá cao vai trò của những Người có uy tín. Họ thực sự là chỗ dựa tin cậy, là “tai mắt”, là “cánh tay nối dài” cho chính quyền địa phương và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Đặc biệt, những Người có uy tín đều là người nhiệt tình, trách nhiệm, ngoài việc tích cực tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng dịch, họ còn nhanh chóng nắm bắt, phát hiện những trường hợp cần theo dõi, giám sát, cách ly, góp phần ngăn chặn sự lây lan và đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

Tương tự, tại huyện Thường Xuân, dù từng có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, song nhờ các biện pháp phòng dịch hiệu quả, đến nay không có ca bệnh mới. Ông Hà Minh Khâm, Người có uy tín ở thôn Én, xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân cho biết, thời gian qua, ông đã cùng với tổ tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 của thôn đã làm tốt công tác kiểm soát những người ra, vào địa bàn nhằm rà soát, xác minh thông tin, nắm bắt những người địa bàn khác đến thôn, bản.

Ông Khâm cho hay, thôn Én có 133 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, có nhiều người đi làm ăn xa quê trở về, do vậy việc nắm bắt thông tin kịp thời là vô cùng cần thiết. Nhờ tuyên truyền tốt, người dân trong thôn đã nâng cao ý thức, chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch.

Theo ông Lương Văn Nhàn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Thường Xuân, những Người có uy tín ở thôn, bản giống như “cây đại thụ” của địa phương. Họ nắm rõ các nhân khẩu trên địa bàn phụ trách, nắm danh sách cụ thể những trường hợp có đi, đến, về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, kịp thời phát hiện, thông tin, báo cáo cấp ủy, chính quyền và cơ quan y tế có biện pháp xử lý kịp thời. Qua đó vận động, giám sát người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kịp thời rà soát các đối tượng để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, đề nghị chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.