Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người chọn con đường khó...

Giang Lam - Ngọc Ánh - 16:29, 10/10/2021

Trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu Tống Đại Hồng luôn chọn con đường khó để đi. Ông tìm tòi viết thơ song ngữ, làm thơ lục bát bằng tiếng Tày, xây dựng từ điển và tin học hóa chữ Nôm Tày Tuyên Quang… Trên con đường dài và khó, Tống Đại Hồng như người lữ hành thong dong nhưng không hề độc hành, ông vui và tin vào điều đó.

Nhà nghiên cứu văn hóa Tống Đại Hồng (bên phải) và Nghệ nhân dân gian Lương Long Vân trao đổi về công việc tin học hóa chữ Nôm- Tày
Nhà nghiên cứu văn hóa Tống Đại Hồng (bên phải) và Nghệ nhân dân gian Lương Long Vân trao đổi về công việc tin học hóa chữ Nôm Tày

Say mê cống hiến

Tống Đại Hồng sinh năm Tân Mão (1951) tại vùng đất Tân Mỹ, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, vùng đất giàu truyền thống văn hóa với những làn điệu hát Then, Tính Tẩu, hát Cọi, hát Sli, hát Lượn… 

Mỗi lần gặp gỡ ông, người trẻ như tôi luôn được truyền một nguồn năng lượng của sự nhiệt huyết say mê đến tận cùng. Trong không gian rộng rãi của căn phòng làm việc, xung quanh là giá sách với hàng trăm cuốn sách dày cộm, Tống Đại Hồng say sưa giới thiệu vẻ đẹp văn hóa dân tộc mình. 

Ông xuýt xoa: “Văn hóa đồng bào Tày, Dao… hay lắm! Mới chỉ yêu quý thôi chưa đủ mà cần phải đắm mình vào, tìm hiểu sâu xa đến tận gốc rễ, nguồn cội. Tựa mạch ngầm tuôn chảy ngàn năm, người này trân quý dâng lên, người sau trân quý nhận lấy, cứ thế văn hóa dân tộc được bảo tồn một cách tự nhiên nhất, đúng đắn nhất. Cái khát vọng trong tôi lớn lao lắm, nhưng năng lực thì hữu hạn. Còn thời gian, tôi vẫn còn tận hiến, dành trọn cho công việc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa”.

Trên hành trình nghiên cứu văn hóa dân gian, so với bạn bè trong giới, Tống Đại Hồng là người xuất phát muộn. Mãi cho tới tuổi nghỉ hưu, ông mới có thể toàn tâm toàn ý bắt tay vào công việc sưu tầm, nghiên cứu chuyên sâu văn hóa dân gian. Thế nhưng chính cái khởi đầu muộn màng ấy mà ông luôn có ý thức phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba trong công việc của mình. Tống Đại Hồng cần mẫn, miệt mài ngày đêm đọc, viết, đi cơ sở… Lịch làm việc ông được thực hiện dày đặc, liên tục...

Năm 2012, ông trở thành hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Thời điểm đó, ông tham gia nghiên cứu về “Văn quan làng Tuyên Quang”. Cuốn sách được Nhà Xuất bản Văn học ấn hành và được dùng làm tài liệu tham khảo. Từ “trái ngọt” đầu mùa ấy đã trở thành nguồn động lực to lớn thôi thúc ông nỗ lực không ngừng nghỉ, mải miết dấn thân trên hành trình về với nguồn cội.

“Như cây rừng xanh lá, như hoa rừng tỏa hương”, hơn 10 năm hoạt động bền bỉ trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian, Tống Đại Hồng có “gia tài”, kho tư liệu quý của riêng mình. Với ông, đây là con đường khó, gian nan nhưng luôn tìm được những người bạn đồng hành. Đó có thể là những người chung niềm đam mê nghiên cứu hay các già làng, trưởng bản, Người có uy tín, thầy cúng, thầy tào… mà ông gặp gỡ, chuyện trò ở những bản làng mình đã đi qua.

Hiện nay, Tống Đại Hồng đã có 5 công trình nghiên cứu văn hóa dân gian chung và riêng như: “Phong tục lấy rể kế thế của người Tày Tuyên Quang”, “Tranh thờ người Dao Tuyên Quang”, “Lễ cấp sắc 7 đèn của người Dao đỏ Tuyên Quang”, “Lễ cưới của người Dao đỏ Tuyên Quang”, “Văn quan làng Tuyên Quang”.

Ông vui vẻ nói: “Người Tày có câu: “Tàng quây tặm tin buoom, pây chiêm pa kha cốc sít” (Đường xa ngàn dặm bắt đầu từ dưới chân) và cứ thế tôi bước đi trong tâm thức say mê công hiến hết mình”.

Tin học hóa chữ Nôm Tày

Tống Đại Hồng là người dân tộc Tày và như một lẽ tự nhiên, ông luôn mong muốn, trăn trở với văn hóa dân tộc mình. Trước những biến chuyển thời gian, ông lo sợ sự mai một văn hóa, trong đó có chữ Nôm Tày. Ông bảo, qua thời gian tích lũy, người Tày ghi lại kiến thức kinh nghiệm vào những trang giấy bằng chữ Nôm Tày. Đó là những bài thuốc dân gian, bài cúng, lời giáo huấn và sự tích xa xưa… mà người Tày gọi chung là “thông khon” (nghĩa là túi khôn). 

Đối với ông, chữ Nôm Tày luôn mang đến một nguồn cảm hứng đặc biệt. Những con chữ như những bức tranh tượng hình thú vị để ông say mê khám phá. Đây là chữ khối vuông, thuộc thể loại chữ tượng hình. Trong cách viết, Nôm Tày phải tuân thủ trình tự là viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới theo hàng dọc.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Đại Hồng
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Đại Hồng

Say mê nghiên cứu, sưu tầm về chữ Nôm Tày nên hiện nay, ông sở hữu nhiều cuốn sách cổ có tuổi đời hơn 100 năm. Bộ sách cổ được ông giữ như một báu vật. Tất cả như một kho tàng văn học và tri thức dân gian mà tiền nhân đã đúc kết tinh gọn truyền lại cho thế hệ mai sau. Và ngày hôm nay, Tống Đại Hồng đã có nhiều cách khai mỏ kho tàng tri thức đó.

Để bắt nhịp với xu hướng công nghệ 4.0, sau rất nhiều năm nghiên cứu, dày công tìm hiểu và liên hệ, ông đã tự thiết kế để đưa bộ chữ Nôm Tày Tuyên Quang trên máy tính, nghĩa là đã tin học hóa chữ Nôm Tày. Đây là cơ sở nền tảng để sắp tới ông ra mắt cuốn “Từ điển Nôm Tày Tuyên Quang”. Ông chia sẻ, chỉ có như vậy mới có thể đưa các tác phẩm văn học Tày lên mạng Internet để nhiều người biết. Từ đó những người yêu thích có thể khai thác sử dụng, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày.

Ông làm việc lặng lẽ và cần mẫn ngày đêm, đến nay đã tin học hóa được hơn 4.000 bộ chữ Nôm Tày - một thành quả thực sự là đáng trân trọng và ngưỡng mộ! Bên cạnh đó, Tống Đại Hồng còn là một tác giả “độc nhất vô nhị” khi sáng tác thơ tiếng Tày bằng cách gieo vần lục bát. Điển hình như bài Chứ bản (Nhớ bản), Lo Tết, Thưởn Pi (Tất niên), Pẻng hó Tết (Bánh chưng Tết), Điện mà bản (Điện về bản)...

Ông khéo léo lựa chọn cách diễn đạt bằng hình ảnh trực quan sinh động, theo cách cảm, cách nghĩ đồng bào dùng sự vật thân quen gần gũi liên tưởng cảm xúc của mình. Trong bài “Chứ bản” (Nhớ bản), Tống Đại Hồng có viết: “Cần hâu chứ bản tay lầu/Chứ bặng me lúc cáy cầu chứ căn/Chứ Pù Thân nộc kéo khăn/Chứ nặm Khuổi Giác khừn vằn vận luây”, dịch: “Có ai nhớ bản bằng ta/Nhớ như ổ mẹ con gà nhớ nhau/Núi thần rít rít sáo nâu/Nhớ lũ Khuổi Giác đỏ ngầu phù sa”.

Ông tâm sự, thơ Tày cũng như làm thơ Việt cần sự chọn lựa hình ảnh và chắt lọc từ ngữ để tạo nên những vần thơ có sức gợi... Những câu chữ giàu hình ảnh được chắt lọc qua tâm hồn đồng điệu yêu thích văn hóa Tày. Thông qua các tác phẩm, tác giả đã phần nào thể hiện được sự giàu đẹp, hấp dẫn của ngôn ngữ dân tộc mình. Hiện nay, ông đã có trên 50 bài thơ lục bát tiếng Tày.

Sắp tới, Tống Đại Hồng có thêm nhiều dự định như xuất bản cuốn “Từ điển Nôm Tày Tuyên Quang”, xuất bản thơ Nôm Tày, nghiên cứu văn hóa dân tộc Dao, Mông, Nùng… Ông luôn hào hứng nhiệt huyết, tin tưởng và đầy hy vọng về những dự định của mình. Xin chúc cho ông có nhiều sức khỏe để bước trên con đường vạn dặm chông gai, khó khăn nhưng cũng đầy “quả ngọt”.