Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người “đãi cát tìm vàng” trên vùng sông nước Cửu Long

PV - 10:09, 01/10/2018

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Phước Thuận (dân tộc Hoa) sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu, quê hương của bản đờn ca tài tử bất hủ “Dạ cổ hoài lang”. Ông vốn khởi nghiệp bằng nghề Đông y nhưng lại rất say mê nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ và đờn ca tài tử. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã công bố, xuất bản, được đánh giá cao về giá trị khoa học xã hội và nhân văn. Hiện, ông là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bạc Liêu, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Biết tên tuổi ông đã lâu, nhưng lần dự Trại sáng tác văn học nghệ thuật tại TP. Vũng Tàu mới đây, tôi mới được gặp và trò chuyện cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Phước Thuận.

Các “nghệ sĩ chân đất” biểu diễn đờn ca tài tử tại một điểm du lịch ở TP. Bạc Liêu. (Ảnh TL). Các “nghệ sĩ chân đất” biểu diễn đờn ca tài tử tại một điểm du lịch ở TP. Bạc Liêu. (Ảnh TL).

Là người mê văn chương, ông đã theo học khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh nhưng sau khi tốt nghiệp, ông không đi dạy học mà về làm việc ở Phòng Chẩn trị Đông y tại thị xã Bạc Liêu. Ông Thuận cho biết, Đông y là nghề gia truyền mấy đời của gia đình nên cho tới giờ, dù say mê nghiên cứu văn hóa dân gian, ông vẫn giữ nghề “cha truyền con nối”.

Cuốn sách đầu tiên nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận cho ra đời, là đi sâu nghiên cứu về “Đặc điểm văn hóa Khmer Nam bộ”, gồm văn hóa vật thể và phi vật thể. Đối với phần văn hóa vật thể, ông có nhiều đóng góp khi nghiên cứu về đặc trưng nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc chùa chiền của người Khmer ở Nam bộ. Qua đó, người đọc hiểu được, đối với người Khmer Nam bộ, dù ở một phum, sóc nhỏ nhưng ngôi chùa bao giờ cũng được xây dựng lớn, uy nghi, trang trí các đường nét chạm khắc hoa văn thật tinh xảo, kỳ công. Trong đó, mỗi hoa văn, họa tiết đều mang một ý nghĩa tượng trưng riêng, rất đặc biệt. Chùa Khmer thờ duy nhất Đức Phật Thích Ca ở chính điện, chứ không thờ các tượng Phật, Bồ Tát… như các chùa phái Bắc Tông khác.

Phần nghiên cứu về văn hóa phi vật thể, nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận nhận định, nổi bật nhất là 3 lễ hội chính trong năm gồm: Chôl-Chnăm Thmây, Sen Đolta và Óc-om-booc. Mỗi dịp diễn ra lễ hội, tất cả cộng đồng Khmer đều dành thời gian trọn vẹn ở trong chùa để hành lễ, biểu diễn các loại hình nghệ thuật đàn, hát dân gian truyền thống, đó là nét đặc thù của người Khmer Nam bộ.

Một trong những công trình nghiên cứu công phu và đáng chú ý nhất, có sự đóng góp đáng kể nhất của nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận, chính là cuốn “Bước đầu tìm hiểu về tác giả, tác phẩm cổ nhạc Bạc Liêu”. Công trình này được NXB Thanh Niên xuất bản lần đầu năm 2012, sau đó được tác giả bổ sung thêm và đổi tên là “Tìm hiểu cổ nhạc Bạc Liêu”, Nhà xuất bản Âm Nhạc tái xuất bản 3.000 bản phục vụ Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất, tổ chức tại Bạc Liêu năm 2014.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Phước Thuận luôn tâm huyết nghiên cứu văn hóa dân tộc Khmer (Trong ảnh: Hội đua ghe ngo trong dịp Lễ Sen Đolta của đồng bào Khmer-Nam Bộ). (Ảnh TL). Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Phước Thuận luôn tâm huyết nghiên cứu văn hóa dân tộc Khmer (Trong ảnh: Hội đua ghe ngo trong dịp Lễ Sen Đolta của đồng bào Khmer-Nam Bộ). (Ảnh TL).

Để giới thiệu được khá đầy đủ những tác giả nổi danh trong làng cổ nhạc Bạc Liêu, ông Trần Phước Thuận đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để sưu tầm, ghi chép. Nhờ đó, những tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, các tác phẩm tiêu biểu, những đóng góp quan trọng của từng nghệ nhân đối với nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử được ghi nhận một cách thật công tâm và chính xác.

Đó là những tên tuổi một thời vang danh không chỉ ở xứ Bạc Liêu mà khắp Nam bộ như Nhạc Khị (tên thật là Lê Tài Khí), Sư Nguyệt Chiếu, Bảy Kiên, Cao Văn Lầu, Nguyễn Văn Bình, Ba Chột, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Lư Hòa Nghĩa, Bảy Cao, Lý Khị, Thái Đắc Hàng…

Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận cho biết, trong số hơn 30 nghệ nhân được đánh giá là đại thụ trong nghệ thuật dân gian truyền thống ở Bạc Liêu, thì Nhạc Khị (1870-1948) là người ông bỏ công sức, thời gian nhiều nhất để đi điền dã, sưu tầm, ghi chép tư liệu. Ông đã mất khoảng 5 năm tìm hiểu, nhưng chỉ viết được khoảng 2.000 chữ về tác giả này. Nhưng bù lại, đây là những thông tin vô cùng quý giá và là nguồn tư liệu chuẩn cho những ai muốn nghiên cứu tìm hiểu về một bậc tài danh trong làng đờn ca tài tử.

Đặc biệt, trong phần ghi chép lại các bản xưa của đờn ca tài tử nói chung, của Bạc Liêu nói riêng, Trần Phước Thuận đã dày công tỉ mỉ ghi một cách chính xác, đầy đủ cả 20 bản, tổ gồm cả nhạc và lời, từ bản thảo của hai cụ Ba Chột, Trịnh Thiên Tư.

Ông ghi lại hầu hết các bài nổi tiếng, được phổ biến rộng khắp trong làng đờn ca tài tử Nam bộ như: “Dạ cổ hoài lang” (Cao Văn Lầu); “Liêu giang” (Ba Chột); “Hưng trung thịnh” (Tư Bình); “Sương chiều” (Mộng Vân) và 6 câu vọng cổ của Trần Tấn Hưng…

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ đánh giá, đây là một nỗ lực rất lớn mà ông Trần Phước Thuận đã sưu tầm, biên soạn một cách có hệ thống và đầy đủ hơn so với các công trình của các tác giả đi trước trong nghiên cứu về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ nói chung, xứ Bạc Liêu nói riêng. Chính vì thế, dịp Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất, tổ chức tại Bạc Liêu, ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Cao Văn Lầu.

LƯƠNG ĐỊNH