Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người “cầm cờ” trên đỉnh núi

PV - 10:40, 17/07/2020

Mỗi khi nhà có khách, người con trai cả của già làng Vàng Seo Giáo ở Làng Un, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) lại đánh xe đi về phía núi Khuổi Coòng đón cha. 34 năm về làng, chẳng bao giờ bản người Mông này thấy ông Giáo ngơi nghỉ, bước chân ông len lỏi khắp các góc núi, cần mẫn làm lụng gom góp nên những ước mơ.

Vườn bưởi của gia đình anh Vàng Seo Sình, chị Giàng Thị Sự, thôn Làng Un.
Vườn bưởi của gia đình anh Vàng Seo Sình, chị Giàng Thị Sự, thôn Làng Un.

Người lĩnh xướng…

Người Mông ở bản bảo, “cái bụng nó thẳng như ruột con ngựa, nói hết, chỉ hết. Nó bảo người già trẻ nhỏ phải học cái chữ là mình học, nó bảo đừng du canh du cư nữa mà nhân xanh rừng, trồng cây lúa, cây ngô, nuôi con lợn, con gà, trồng cái cây ăn quả thì ai cũng tin hết, vì nó và các con nó làm tốt mà”. Anh Vàng Seo Sình nói về già làng Làng Un như thế.

Ông Giáo từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam năm 1972. Đây là khoảng thời gian không thể nào quên, là bởi được cầm súng bảo vệ Tổ quốc, là nghĩa vụ thiêng liêng không chỉ riêng ông mà với tất cả bao người. Trong quân ngũ, ông được rèn thêm cái chữ, cái đầu “khôn” ra, càng hiểu hơn giá trị của hòa bình. Vậy nên, ông tranh thủ học chữ ở đồng đội để đọc thông, viết thạo rồi mai mốt về dạy cho người dân quê mình.

Năm 1975, đất nước im tiếng súng, ông xuất ngũ về quê. Nhưng đến năm 1986, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc căng thẳng, cả làng ông di về tới Kiến Thiết để xây dựng cuộc sống mới. Lúc này, học chữ với người Mông là chuyện nan giải. Khi huyện, xã cử giáo viên về dạy xóa mù cho người dân tại bản, ông lại đến từng nhà vận động. Ông bảo “khó nhất là vận động người già, bởi nó bảo già rồi cần học làm gì. Rồi mình nói, cái mày đi học làm gương cho lũ trẻ chứ, mai mốt có báo còn đọc, có đài còn nghe, đi mua cái thuốc về uống chữa bệnh còn biết chữ mà đọc uống cho đúng chứ, cái mày còn biết ký tên nữa, không tốt sao?”. Nghe ông nói họ gật gù, chưa thấy biết cái chữ nó thế nào nên tò mò lắm, dân bản bảo nhau đến lớp đủ cả. Lớp học vào buổi tối, đủ các độ tuổi ai nấy đều hào hứng lắm. Ông Giáo cũng tham gia cùng thầy hướng dẫn cho người trong làng học chữ. Ông ê a đánh vần, cầm tay từng người đưa từng nét chữ. Từ đấy, người làng ai cũng biết đọc, biết viết, đọc báo, nghe đài, chuyện “trên giời dưới biển” đủ cả. Người làng càng trân quý ông hơn, thấy ông Giáo như cây đại thụ giữa rừng vậy.

Trước thời những Trưởng thôn kỳ cựu như ông Dương Văn Sấn, Vàng Riêu Tính, Vàng Quang Kỳ, Vàng Seo Hùng thì già làng Vàng Seo Giáo như ngọn cờ tiên phong trong việc vận động người Mông yên bình sống quần cư tại thôn. Về Kiến Thiết từ năm 1986, Làng Un năm đó hoang vu chỉ có vài ba nóc nhà nhấp nhô lác đác khuất những dãy núi xa. Cái lạ, địa hình mà họ chọn cũng khá tương đồng với quê cũ Xín Mần, Hà Giang. Có núi đá xen đất, vách dựng khá cheo leo, trùng điệp. Ở đây, mỗi mùa gió nổi lớn, người ta nghe rõ hơn tiếng khèn dội vào vách núi, tản về xa, khiến nỗi nhớ cố hương vợi phần nào.

Ông Giáo năm nay 66 tuổi, dáng người nhỏ thó, bước đi thoăn thoắt. Đám trẻ nể ông nhất là khoản leo đồi rừng, loáng cái đã thấy ông trên đỉnh Khuổi Ban, cái đỉnh cao chót vót mà người làng vẫn thường bám rẫy mưu sinh. Trên đỉnh, người làm rừng, người trồng bưởi, trồng cam, trồng chuối, đám lúa nương xen nơi đất dốc cũng được bà con tận dụng, cả khu trù phú lắm.

Ông Giáo kể, cán bộ nhìn thấy con đường bê tông lên đây không? Trước chưa có đường này, từ nhà lên tới đỉnh cũng phải cả nửa buổi, tối mịt mới lần hồi về nhà được, vất lắm, ngày mưa thì chịu không ai lên mà làm rừng, làm rẫy được. Mình thấy vậy, năm 2017, vận động cả gia đình rồi cùng nhà ông Vàng Seo Dũng, Giàng Seo Phùng “chỉ huy” bà con làm cái đường này đấy. Con đường dài hơn 1 km, mỗi nhà đóng góp từ 1,5 đến 2 triệu đồng mà ai cũng đồng tình ngay. Có đường thuận, giờ chỉ có vài chục phút là lên đến nơi, ai cũng mừng, mấy năm rồi xe ô tô của dân buôn lên được tận nơi thu mua nông sản cho bà con, giá được hơn nhiều đấy.

Ánh mắt ông bỗng nhộn mừng khi khoe chuyện canh tác của người dân trong thôn. Ông kể, tập quán của làng mình trước hay chọn nơi đất màu mỡ, phì nhiêu gieo hạt trồng lúa, trồng ngô để kiếm ăn, lần hồi từng bữa. Đến khi đất hết màu là bỏ đi chỗ khác gieo trồng. Cuộc sống không định canh, định cư đâu. Đến khi về đây, cán bộ đến tuyên truyền, bảo mình phải cùng người dân ổn định sản xuất, áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt chăn nuôi. Đất hụt màu phải thêm phân, cải tạo lại trồng tiếp được mà. Mình nghe vậy, cùng Trưởng thôn vận động bà con làm theo, nhưng để cái bụng nó tin thì mình phải làm trước thôi. Diện tích chừng 2 ha, gia đình ông Giáo trồng giống cam V2, ngô, đậu tương, lúa nương. Mùa nào thức nấy, ông thâm canh, tăng vụ, để đảm bảo lương thực nuôi đủ 11 miệng ăn ngày đó cũng là cả vấn đề. Rồi khi các con phương trưởng, ông chia việc chia đất cho từng người để tự trang trải cuộc sống.

Anh Vàng Seo Chinh, người con trai thứ 2 của ông dáng người cao lớn, rắn rỏi, sức trẻ và ý chí vươn lên thoát nghèo của anh làm ấm lòng dân bản. Trưa nắng 11 giờ, vợ chồng anh vẫn ngoài chòi giữa cánh đồng dưa hấu. Năm đầu anh trồng 3 sào đến năm sau anh mượn lại gần 4 sào đất của người dân mở rộng diện tích vì cây này cho hiệu quả kinh tế khá cao. Giống dưa hấu của người Mông Hà Giang khá to, lại ngọt thanh, man mát, quả cho bán phải lên tới 8 kg. Một năm trồng được ba vụ, cứ mỗi kg giá trung bình từ 10 đến 12 nghìn đồng. Năm 2019 anh bán hơn 3 tấn dưa thu về hơn 30 triệu đồng, năm nay dự tính thu hơn 4 tấn thế là có khoản để dành lo cho các con học tập đấy!. Vườn gừng mỗi năm cho thu chừng 6 tấn của anh Chinh là điểm tựa để anh nuôi ước mơ làm giàu với 500 gốc bưởi được hơn 5 năm tuổi, vụ này ra quả lứa đầu rồi. Anh khoe với niềm hy vọng hiện hữu trong ánh mắt, khóe miệng cười tươi.
Người con trai cả Vàng Seo Dũng cũng được dân bản tín nhiệm bầu làm Phó thôn, anh hăng hái làm kinh tế, cùng thôn vận động người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, đoàn kết chấp hành theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sức vươn Làng Un

Về Làng Un, cây xanh rợp mát, hai bên đường cấp phối, màu xanh của bưởi, của cam, xa hơn là nương chuối, triền keo, mỡ khiến ai nấy đều ngỡ ngàng. Chị Lò Thị Phương, Trưởng thôn bảo, từ khắp các khe Khuổi Coòng, Khuổi Giàu, Khuổi Giấy, Khuổi Ban này chỗ nào cũng có bóng dáng sự trù phú. Thôn có 90 hộ dân, trong đó người Mông chiếm hơn 90%. Ai nấy đều tín nhiệm già làng Giáo nên việc lớn, việc nhỏ của thôn đều có sự tham gia của già làng. Chuyện làm giàu lớp trẻ ở Làng Un giờ đây vươn xa hơn, kế thừa ý chí của những người già như ông Giáo để dựng nghiệp tại quê hương.

Già làng Vàng Seo Giáo cùng con trai kiểm tra vườn dưa hấu của gia đình.
Già làng Vàng Seo Giáo cùng con trai kiểm tra vườn dưa hấu của gia đình.

Vợ chồng anh Vàng Seo Sình, chị Giàng Thị Sự tất bật từ sáng sớm với thu hoạch chuối, rồi quay ra chăm sóc hơn 500 gốc cam V1, V2 và 700 gốc bưởi cũng đến ngày tối mịt mới xong. Cửa hàng tạp hóa và vật tư nông nghiệp của gia đình là cần câu mà anh Sình lấy ngắn nuôi dài. Anh Sình bảo, ngày trước, hai vợ chồng chỉ biết vào rừng nhặt củi về bán và hái rau rừng ăn cho qua ngày. Sau khi sinh cháu đầu lòng, cuộc sống càng khó khăn hơn, nhiều đêm trăn trở tìm cách thoát khỏi cái nghèo cái đói đeo đẳng Anh bảo vợ, “cả tao và mình đều khỏe mạnh, chịu khó lao động mà cứ lận đận, cùng khổ mãi không thoát khỏi cảnh đói nghèo. Phải tìm cách chứ”. Nói rồi anh về các xã Xuân Vân, Lực Hành của huyện xem người ta cách trồng bưởi; rồi sang Kim Bình, huyện Chiêm Hóa học trồng chuối, mua thêm giống cam V1, V2 để nâng cao hiệu quả canh tác. Đồng thời, anh tuân thủ đúng các kỹ thuật chăm sóc, bón phân theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên thu nhập ngày càng cải thiện. Giờ đây anh chị là hộ khá của Làng Un này rồi. Anh Sình bảo tới đây, mong Nhà nước đầu tư làm con đường nhựa chạy thông ra đường lớn, nông sản của bà con mình sẽ không bị ép giá vì lý do đường xấu nữa, trẻ nhỏ đi học đỡ vất hơn nhiều.

Ý chí vươn lên của cô gái người Mông Thào Thị Xuân cũng nức tiếng một vùng. Chị được ví như bông hoa lan rừng giữa đại ngàn trùng điệp. Hai vợ chồng dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng, cơ duyên với nghề nuôi thỏ là do được Chi hội phụ nữ thôn chỉ bảo. Từ những đồng vốn ban đầu vay mượn người thân, tín dụng, chị xây dựng chuồng trại nuôi thỏ. Rồi cái chữ mà già làng Giáo mang đến giúp chị Xuân lần hồi sách báo để học kỹ thuật, rồi khó ở đâu chị hỏi cán bộ khuyến nông gỡ đến đó. Đến giờ chị luôn duy trì đàn nuôi gần 100 con, cùng với đó là đàn lợn hơn 100 con, cùng vườn chuối, vườn bưởi khi nào cũng sai trĩu quả, cửa hàng tạp hóa ngay giữa thôn của chị cũng thu hút khá đông lượng khách mỗi ngày.

Chị Hoàng Thị Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kiến Thiết được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ phụ trách thôn chia sẻ, những người như già làng Vàng Seo Giáo hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong công tác vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chi hội phụ nữ ở Làng Un có 44 hội viên, chính các chị là nhân tố tích cực trong phát triển kinh tế gia đình. Thu nhập bình quân của thôn đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng. Làng Un có gần chục ha rừng, gần 40 ha cây ăn quả như chuối, cam. Cả thôn còn 15 hộ nghèo, phấn đấu sang năm 2021 giảm 6 đến 7 hộ.

Sức vươn từ Làng Un và người lĩnh xướng chuyện mở đất, làm đường, học chữ của ông Giáo đã vun đắp vùng đất này trù phú, giàu đẹp. Cái được lớn nhất ở chỗ, người Làng Un ai cũng biết chữ, khi cái chữ được chăm chút thì tương lai sẽ xán lạn. Ông Giáo tin như vậy.